VNTB – Tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi EVN

VNTB – Tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi EVN

Hàn Lam

 

(VNTB) – Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đang thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, sẽ được thành lập một doanh nghiệp mới dưới sự quản lý của Bộ Công thương.

 

Kế hoạch Chính phủ đề ra là, phấn đấu để Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt chủ trương đối với Đề án tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia thành lập doanh nghiệp mới và phương án chuyển giao từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về Bộ Công Thương trước ngày 30-8-2023.

Để làm được điều này, lãnh đạo Chính phủ giao các đơn vị liên quan xây dựng ngay cơ chế tài chính bảo đảm kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp A0 từ khi được tách khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Bộ Tài chính được giao, hướng dẫn cụ thể phương án bảo đảm kinh phí hoạt động cho doanh nghiệp A0 ít nhất đến hết năm 2023. Trường hợp phát sinh vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất xử lý, báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trước ngày 10-8.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan thống nhất cơ chế tài chính tạo nguồn thu cho doanh nghiệp A0 giai đoạn từ 1-1-2024 đến khi Luật Giá sửa đổi có hiệu lực. Bảo đảm A0 sau khi tách được vận hành liên tục, hiệu quả.

Đồng thời, chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định của Chính phủ để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của hai Nghị định 96 và Nghị định 26 trước ngày 15-8.

Chủ động theo thẩm quyền, hoàn thành rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ, chặt chẽ để triển khai ngay sau khi hoàn thành chuyển giao Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công thương.

“Lưu ý các văn bản pháp luật theo đề xuất của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại Văn bản số 1576, ngày 2-8”, – trích thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang liên quan đến việc chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương.

Trước đó, trong Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất điều chuyển A0 về Bộ Công Thương, cơ quan này xin cơ chế đặc thù để giữ lương 40 triệu đồng/tháng cho hơn 454 lao động của A0 khi về Bộ.

Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo hệ thống điện vận hành, an toàn, tin cậy, tại đơn vị này có những nhân sự chức danh tham gia vận hành hệ thống điện và thị trường điện với áp lực công việc nặng nề, phải điều khiển vận hành toàn bộ hệ thống điện với hàng trăm nhà máy điện, hàng trăm ngàn thiết bị điện cao áp khác nhau.

Trong quá trình làm việc phải ra các quyết định thật nhanh, chính xác, không được phép sai sót vì mỗi sai sót có thể trả giá bằng việc hư hỏng thiết bị giá trị cao hoặc gây mất điện diện rộng, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng nhân viên khác.

Do vậy nên cần phải có cơ chế tài chính đặc thù đủ đảm bảo duy trì mức lương, phụ cấp tương đương với mức hiện hưởng để đảm bảo tránh xáo trộn về nhân sự của A0 dẫn đến những rủi ro vận hành.

Theo Tờ trình của Bộ Công Thương, đối với mô hình thị trường điện Việt Nam, vai trò của A0 gồm điều độ hệ thống điện, điều hành giao dịch thị trường điện với vai trò sở hữu lưới điện truyền tải là những chức năng có mối quan hệ mật thiết do dây là những dịch vụ cơ bản của hệ thống điện, có tính độc quyền tự nhiên.

Do đó, việc kết hợp giữa ba dịch vụ nói trên sẽ quyết định mô hình tổ chức của A0. Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chuyển nguyên trạng Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia về Bộ Công Thương.

Bước đầu, theo các chuyên gia, A0 như trái tim của hệ thống điện Việt Nam. Nếu A0 trực thuộc Bộ Công Thương thì tính khách quan đương nhiên cao hơn khi ở EVN. Việc điều độ, phân bổ, huy động các nguồn điện sẽ hoàn toàn độc lập với hoạt động của tập đoàn.

Khi A0 về Bộ, các nhà máy điện của EVN sẽ giống như tất cả các đơn vị phát điện khác của tư nhân. Bộ Công Thương khi đó phải đảm đương trách nhiệm đảm bảo cung ứng điện cho quốc gia, thay vì EVN, bởi hiện nay EVN và các tổng công ty phát điện (Genco) chỉ nắm chưa đến 40% nguồn điện.

Có một lưu ý, khi trực thuộc EVN, các quyết định đầu tư được đưa ra nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu điều độ, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp. Còn khi về Bộ, nếu phải áp dụng theo quy trình mua sắm của cơ quan hành chính nhà nước thì sẽ bị chậm trễ và phụ thuộc nhiều vào lượng tiền ngân sách phân bổ.

EVN là đơn vị sở hữu hơn một phần ba các nguồn sản xuất điện, và quản lý, vận hành toàn bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện. Trong khi đó, A0 là đơn vị hạch toán phụ thuộc của EVN. Việc tách trung tâm điều độ ra khỏi tập đoàn nhằm minh bạch lợi ích giữa bên bán và mua điện.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)