Việt Nam Thời Báo

VNTB – Nới ‘room’

 

Hàn Lam

 

(VNTB) – Tối 5-12-2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành thông báo tăng chỉ tiêu tín dụng (room) cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 – 2%.

 

Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng.

Theo nhà chức trách, qua theo dõi tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho thấy, đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 12,5%, trong khi đó ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Vì vậy, nếu tăng trưởng tín dụng được nới thêm từ 1,5% – 2% thì tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5% – 16%/năm.

Trước đó 48 tiếng, phía Bộ Công thương có đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tăng thêm lượng xăng nhập khẩu đưa về phục vụ tiêu dùng. Hồi trung tuần tháng 10-2022, phía lãnh đạo TP.HCM đã kiến nghị nới ‘room’ tín dụng cho các doanh nghiệp xăng dầu để có thể tăng nhập, đảm bảo nguồn cung.

Thanh khoản của nền kinh tế là vấn đề được quan tâm thời gian gần đây, trong đó kênh tín dụng ngân hàng là một nút thắt. Việc tăng trưởng cho vay cao trong giai đoạn nửa đầu năm khiến nhiều nhà băng chạm trần tăng trưởng tín dụng, không thể đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp và người dân.

Tình trạng hạn chế, dừng nhận hồ sơ cho vay, dừng giải ngân khiến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng, đầu tư của khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng…

Dòng chảy vốn bắt đầu bị thắt chặt từ kênh trái phiếu. Sau ba năm tăng trưởng liên tục từ 2018 đến 2021, lũy kế 9 tháng năm nay, tổng giá trị phát hành giảm hơn 43%, còn 248.600 tỷ đồng. Càng về cuối năm, quy mô càng thu hẹp.

Năm nay là thời điểm đáo hạn của những trái phiếu kỳ hạn 3 – 4 năm phát hành trong giai đoạn 2018 – 2019. Huy động mới để tất toán các khoản đến hạn là cách các doanh nghiệp thường làm, nhưng hiện gần như không thể. Một trong những nguyên nhân là niềm tin của nhà đầu tư trái phiếu bị ảnh hưởng sau các biến động gần đây, dù về lý thuyết trái phiếu có mức độ an toàn cao hơn nhiều kênh đầu tư khác.

Phân tích tình hình vừa qua, Maybank Investment Bank Việt Nam trong một báo cáo gần đây đánh giá, các quy định thắt chặt và môi trường lãi suất cao buộc các công ty mua lại nhiều trái phiếu hơn, dẫn đến vấn đề thanh khoản ngày càng nghiêm trọng.

Doanh nghiệp chịu áp lực mua lại trái phiếu trước hạn. 9 tháng, quy mô mua trước hạn tăng đột biến với hơn 135.000 tỷ đồng. Huy động ròng từ kênh trái phiếu doanh nghiệp năm nay chỉ còn quanh ngưỡng 100.000 tỷ đồng, so với mức huy động hơn 700.000 tỷ của năm ngoái.

Sự tắc nghẽn của kênh huy động này khiến ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản gặp khó. Đây cũng là hai chủ thể đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng cũng tham gia phát hành trái phiếu nhiều nhất.

“Năm nay thì Tết Tây, Tết Ta sát nhau. Mùng 1 Tết nhằm ngày 22-01-2023, và hầu như mọi hoạt động đầu tư kinh doanh trên thị trường bất động sản chỉ còn tập trung trong tháng 12-2022 đến ngày 06-01-2023, tức rằm tháng Chạp.

Việc nới trần (room) tín dụng như vừa thông báo coi như giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tín dụng để hỗ trợ cho nền kinh tế và sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12-2022 đến trước Tết Quý Mão 2023” – đại diện một hội ngành nghề có nhận xét nhanh như vậy trước thông báo phát hành tối 5-12-2022 của Ngân hàng Nhà nước về việc tăng chỉ tiêu tín dụng.


Tin bài liên quan:

VNTB – Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm méo mó thị trường?

Do Van Tien

VNTB – Kịch bản nào nếu nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn dừng hoạt động?

Phan Thanh Hung

VNTB – Cài cắm lợi ích nhóm trong chính sách

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.