Việt Nam Thời Báo

VNTB- Bà phó giám đốc công an đã công nhiên vi hiến

Thảo Vy

(VNTB) – Ở Việt Nam, ông tổng bí thư, bà chủ tịch Quốc hội và bà bán xôi đều bình đẳng về quyền chính trị. Hiến pháp về quyền chính trị còn có thể diễn giải thêm rằng với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân thì không thể có chuyện “đời sống chính trị” của ông tổng bí thư “sung túc” hơn ông thủ tướng, hay ông bán vé số dạo. Tất cả đều bình đẳng.


Thế nhưng đâu đó trong ngành công an thì không nghĩ vậy. Góp ý điều 155 về tội làm nhục người khác, và điều 156 về tội vu khống ở bản dự thảo sửa đổi Bộ Luật Hình sự 2015, đại biểu Nguyễn Thị Xuân, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cần tuyệt đối cấm xúc phạm lãnh đạo qua việc kết tội hình sự bất kỳ hành vi nào vu khống lãnh đạo.
Bà nghị công an này lập luận như sau (trích): “Hoạt động tuyên truyền, chống phá, xuyên tạc, bịa đặt, lan truyền những nội dung biết rõ là sai sự thật nhằm bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ngày càng gia tăng. Nhất là vào các thời điểm chính trị nhạy cảm như đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, các hành vi này tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của nhân dân không chỉ với cá nhân lãnh đạo mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này, tôi đề nghị bổ sung quy định vào khoản 2, điều 155, điều 156 tình tiết phạm tội đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã quy định hành vi này trong luật Hình sự”.
(Mở ngoặc nói thêm, tác giả bài viết này có hỏi nhiều luật sư chuyên lãnh vực hình sự, họ nói rằng ở nước ngoài làm gì có chuyện các đảng phái được ưu tiên kiểu như độc đảng toàn trị của Việt Nam!)
Như vậy, ở đây bà nghị phó giám đốc công an đã mặc nhiên thách thức chuyện vi phạm Hiến pháp, khi bà phân biệt quyền chính trị của những nhân vật trong bộ máy Đảng và Nhà nước, với quyền chính trị của người dân. Hiến pháp 2013, Điều 16, ghi: “1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Nếu hành vi bị cáo buộc là vu khống, thì không phân biệt đối tượng bị vu khống là ai để xem xét hình phạt.
Vừa qua việc báo chí và chính quyền tỉnh Nghệ An đã bôi nhọ, vu khống các vị Linh mục Nguyễn Đình Thục, Linh mục Đặng Hữu Nam trong vụ việc yêu cầu khởi kiện Formosa Hà Tĩnh cần phải được – nói như lời của bà phó giám đốc công an Nguyễn Thị Xuân: “đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả đối với loại hành vi này” của báo chí và quan chức tỉnh Nghệ An. Bởi – vẫn nói như lập luận của bà nghị phó, “các hành vi này của báo chí, chính quyền Nghệ An đã tạo dư luận xấu, gây hoang mang, giảm sút niềm tin của nhân dân, ảnh hưởng đến việc thực hiện các đường lối chủ trương, chính sách đại đoàn kết của Đảng, Nhà nước”.
Tuy nhiên như đề cập ở trên, bà phó giám đốc công an luôn nghĩ rằng Đảng và Nhà nước phải ở vị thế bề trên, luôn cần ưu tiên bảo vệ tất cả các quyền lực trong đời sống chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội.
Mà phải đâu chỉ riêng ngành công an của bà Nguyễn Thị Xuân. Chắc nhiều người còn nhớ vụ “nói xấu” ông chủ tịch tỉnh bị phạt 5 triệu bạc. Ngày nọ, thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang do yếu kém trong quản lý đất, đã được bà Lê Thị Thùy Trang là giáo viên ở Trường THPT Long Xuyên tải lên facebook với lời bình (satatus) “nhìn cái mặt kênh kiệu” (ý là dung nhan khuôn mặt của ông chủ tịch). Sau đó bà Phan Thị Kim Nga, phó văn phòng Sở Công thương An Giang, vào “like” (thích) “satatus”này của cô giáo Thùy Trang.
Lập tức, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) An Giang cùng Công an tỉnh truy tìm, phát hiện “like” trên facebook là do chồng của bà Nga là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc sử dụng tài khoản của bà. Bà Trang và ông Phúc bị Sở TT&TT phạt mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác”. Chưa hết, hệ thống Đảng và chính quyền cũng được huy động vào cuộc để kỷ luật 3 người: Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang phối hợp với Ban Giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường THPT Long Xuyên xem xét, xử lý kỷ luật khiển trách bà Trang.
Còn với bà Nga, “Đảng ủy Sở Công thương phối hợp với Ban Giám đốc Sở xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền”. Và ông Phúc, thân phận chỉ là nhân viên điện lực thì bị “Đảng ủy Khối Doanh nghiệp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang xem xét, xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn Công ty”.
Hóa ra thì chuyện soạn thêm điều khoản hình sự dành riêng cho lãnh đạo trong chuyện bị bôi nhọ, bị nói xấu như kêu gọi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân, phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, là nhằm danh chính, ngôn thuận cho sau này xử lý những công dân dám “phê phán” (bà Xuân gọi đó là bôi nhọ, nói xấu, vì lãnh đạo không bao giờ sai trái để mà ai đó chê bai, dè bỉu!) những cá nhân trong bộ máy quyền lực của Đảng và Nhà nước – nhất là sắp tới đây khả năng sẽ lại tiếp tục điều ra tiếng vào khi nửa nhiệm kỳ của ghế tổng bí thư đi qua mà chưa có dấu hiệu gì chịu “nhường” ghế như tuyên bố trước đó…

Ở Việt Nam, những người như bà nghị công an thì Đảng luôn luôn đúng, luôn luôn là mặt trời chân lý nên mọi “nói xấu, bôi nhọ” cần phải được bắt bỏ tù. “Vàng thiệt không sợ lửa” mà ông bà dạy, có lẽ không còn đúng nữa rồi!

Tin bài liên quan:

VNTB – Cấp phép xây dựng ở TP.HCM: cần sửa từ gốc

Phan Thanh Hung

VNTB- Vì sao quan chức VN thích cất tiền túi ở két sắt cơ quan?

Phan Thanh Hung

“Luật 10-59”: Sự nhầm lẫn cố tình của tuyên huấn?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.