Thái Thịnh (VNTB) 3.000 mét đường băng mà Bắc Kinh đang xây dựng trên một rạn san hô ở vùng biển tranh chấp ở Biển Đông “gần như hoàn chỉnh”, hãng tin Reuters cho biết.
Một bức ảnh vệ tinh chụp vào ngày chủ nhật cho thấy đường băng trên đảo đã được trải nhựa, hai sân đỗ trực thăng, một tháp radar, 10 ăng-ten viễn thông được nhìn thấy trên bãi đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trên trang web của mình.
Dự án xây dựng đảo nhân tạo và các cơ sở trên các rạn san hô và đá ngầm trong quần đảo Trường Sa đã được công khai trong vài tháng trở lại đây, tốc độ xây dựng đang được đẩy nhanh, làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng và cả Washington.
Mỹ đã cân nhắc việc gửi tàu chiến và máy bay giám sát trong vòng 12 hải lý – tính từ những đảo nhân tạo.
Washington muốn Bắc Kinh phải ngừng xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo, nhưng có vẻ “Trung Quốc không có dấu hiệu sẵn sàng làm điều đó”, Bonnie Glaser của CSIS cho biết.
Bonnie Glaser cho biết, bà kỳ vọng Trung Quốc sẽ biết “ưu tiên” bằng cách tạm lắng lại việc xây dựng đảo, để hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung trong tháng 9 sắp tới đây được thành công. Nhưng bà cũng lo ngại, hoạt động sẽ được gia tăng trở lại khi chuyến thăm Mĩ của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc.
CSIS cho biết, Trung Quốc đã khai hoang đất trên bảy rạn khác nhau với khoảng 12,8 km vuông.
Đá Chữ Thập giờ đây như là một “cơ sở quân sự lớn” với hai tòa tháp radar có thể được xây dựng, cùng với lên đến sáu tháp giám sát an ninh, bốn loại vũ khí có thể được bố trí trên đảo.
Phản ứng từ các nước
Bắc Kinh tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả các khu vực gần bờ biển của các quốc gia ven biển khác (đặc biệt là Philippines, Việt Nam) là lãnh thổ của mình.
Việt Nam đã 8 lần gửi công hàm trực tiếp đến Trung Quốc để phản ứng về việc Trung Quốc tạo đảo trên Biển Đông. Trong buổi tiếp xúc cử tri gần đây (29/06), khi nhiều cử tri bày tỏ hiệu quả đấu tranh biển Đông là “chưa đủ liều”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cho biết: “Song phương, đa phương cũng làm rất dữ. Lãnh đạo cấp cao cũng tham gia, không phải đơn giản chỉ là anh phát ngôn hàm vụ trưởng phát biểu thôi đâu, mà cả hệ thống chính trị cùng làm việc.” Tuy nhiên, Quốc Hội, cơ quan đại biểu cao nhất của người dân Việt Nam đến nay vẫn chưa ra “Nghị quyết riêng về vấn đề Biển Đông”, mặc dù nhiều ĐBQH liên tục yêu cầu, kiến nghị. Một trong những lý giải gần nhất đến từ Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn cho biết vẫn “chưa cần thiết” để ra Nghị quyết riêng bởi “nghị quyết lặp lại là giữ nguyên hiện trạng, đừng làm tình hình phức tạp..v.v.. như thế thì hiệu lực của QH sẽ như thế nào?.”
Còn với Philippines, các quan chức Chính phủ nước này gần đây cũng nhiều lần lên tiếng Trung Quốc “lật lọng”, đi ngược tuyên bố trước đó khi tiếp tục tăng tốc lấn biển, xây đảo ồ ạt trên Đá Vành Khăn.