Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bàn chuyện ‘tự do dân chủ’ và ‘dân chủ tự do’

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – ‘Tự do dân chủ’ và ‘dân chủ tự do’ phục vụ mục đích nào đó trong từng thời gian cụ thể nào đó của đảng cầm quyền

 

‘Dân chủ tự do’ là một thể chế nhà nước. Đây là một hình thức dân chủ đại nghị, nơi mà thẩm quyền của các đại diện dân chủ được bầu ra thực thi quyền ra quyết định phụ thuộc vào nền pháp trị, và thường được hiến pháp tiết chế.

Hiến pháp nhấn mạnh sự bảo vệ quyền và tự do của các cá nhân và ràng buộc các nhà lãnh đạo.

Thông thường, người ta nói nhiều đến tội lợi dụng quyền lực chứ không ai nói đến tội lợi dụng tự do dân chủ. Bởi điều đáng lo ngại trong việc bảo vệ tự do và dân chủ không phải là vấn đề lợi dụng hay lạm dụng các quyền tự do dân chủ của dân chúng, mà chính là việc lợi dụng và lạm dụng quyền lực của những kẻ cầm quyền.

Có thể nói, nếu bản chất của dân chủ là vấn đề phân quyền và kiểm soát quyền lực, nguy cơ lớn nhất mà mọi nền dân chủ lúc nào cũng phải đối diện là việc lợi dụng quyền lực.

Tự do và dân chủ thường được dùng thay thế cho nhau. Bởi thực ra hai khái niệm này không đồng nghĩa. Dân chủ không chỉ là một loạt ý tưởng và các nguyên tắc về tự do, mà còn bao hàm cả những thực tiễn và các tiến trình đã được hình thành trong suốt chiều dài lịch sử vốn phức tạp. Dân chủ là sự thể chế hóa tự do.

Cuối cùng, người dân sống trong một xã hội dân chủ phải phục vụ với tư cách là người bảo vệ chính quyền tự do của họ, và hướng tới những lý tưởng được đưa ra trong lời nói đầu của Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu của Liên Hợp Quốc, đó là “thừa nhận phẩm giá vốn có và những quyền bình đẳng bất khả xâm phạm của mọi thành viên trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”.

Dân chủ không chỉ đơn thuần là một loạt thể chế quản lý cụ thể.

Dân chủ dựa trên nhóm giá trị, quan điểm và thực tiễn đã được nhận thức rõ. Tất cả các giá trị, quan điểm và thực tiễn đó được thể hiện dưới những hình thức khác nhau tùy theo nền văn hóa và các xã hội trên thế giới. Các nền dân chủ phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản chứ không phải những thực tiễn thống nhất.

Ở Việt Nam cách hiểu khác hẳn khi đặt ‘tự do dân chủ’ và ‘dân chủ tự do’ trong khuôn khổ của phục vụ mục – đích – nào – đó – trong – từng – thời – gian – cụ – thể – nào – đó của đảng cầm quyền, tức Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuyên giáo Đảng có lập luận thế này trong cách hiểu về ‘tự do dân chủ’ khi viện dẫn cái gọi là huấn thị để lại của người sáng lập Đảng, nôm na với kiểu thức như sau: Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ là kết quả của sự nhận thức sâu sắc về vai trò của nhân dân trong lịch sử: “Dân là quý nhất, là quan trọng hơn hết, là tối thượng”, “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Dân là gốc của nước, của cách mạng”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”; “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Với viện dẫn kiểu ‘tầm chương trích cú’ ở trên, cơ quan tố tụng ở Việt Nam sẽ căn cứ vào đó để bất kỳ ai cứ kiên trì phản ánh về những việc làm – nói theo lời của cố tổng thống nền đệ nhị Cộng hòa, “…hãy nhìn những gì cộng sản làm”, khiến “giảm sút uy tín của Đảng, làm cho nhân dân mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, gieo rắc tâm lý hoài nghi, kích động nhân dân gây mất ổn định chính trị và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, thì coi như sẽ đối mặt với các án tù tội theo các điều luật quen thuộc đánh số 117 hay 331 của Bộ luật Hình sự.

Tạm kết bài viết này bằng viện dẫn chính lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình ngày 2 tháng 9, 1945, khi ông nhắc lại Tuyên ngôn Độc lập Mỹ của Thomas Jefferson năm 1776Sự thật hiển nhiên là mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Như vậy, để đảm bảo những quyền mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, cho thấy tiên quyết chính phủ của thủ tướng Phạm Minh Chính phải do cử tri ở kỳ bầu cử Quốc hội ngày 23 tháng 5 tới đây bầu ra, bởi quyền lực là quyền lực của nhân dân, chứ không thể có việc mới chỉ ngày 5 tháng tư thôi, khi Quốc hội đương nhiệm vẫn còn nhiệm kỳ, thì nội các chính phủ mới đã ra mắt, bất chấp lá phiếu cử tri sắp tới ra sao.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bộ chính trị trên cả Hiến Pháp

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam cần chấm dứt đàn áp tiếng nói độc lập trước bầu cử

Phan Thanh Hung

VNTB – Hồ sơ: Đế chế Vạn Thịnh Phát sẽ sụp đổ? (Kỳ 3)

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo