Thường Đoan
(VNTB) – Sở dĩ uy tín và vai trò của Đảng đang xấu xí trong mắt người dân là vì một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII hồi đầu tháng này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Sau đó, vào trung tuần tháng Mười, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV; và để ‘đồng bộ hóa’ nhận xét trên, Tổng bí thư có những ‘minh họa’ đại khái: vụ xử lý ở Hải Dương không phải một người, mà móc ngoặc với nhau từ bí thư Tỉnh ủy cho đến cán bộ các cấp và còn cả với cán bộ trên trung ương.
Theo lời kể của ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đầu cán bộ vi phạm không nhận, nhưng đưa ra tất cả bằng chứng, xuống gặp gỡ tổ chức đảng ở đó nên cuối cùng phải nhận. Tại Hội nghị trung ương 6, đã kỷ luật bí thư Tỉnh ủy Hải Dương ở mức cao nhất là khai trừ Đảng.
Tổng bí thư nhấn mạnh “cuộc chiến đấu” vẫn đang còn tiếp tục, chưa phải hết và một số các vụ trọng tâm, trọng điểm đang làm và sẽ làm. “Trong đó có những vụ cách đây nhiều năm, ghê gớm, nổi tiếng, thậm chí chạy trốn đi rồi nhưng trốn cũng không thể trốn được và ai bao che cũng không được, ai bao che xử lý người bao che. Tinh thần giáo dục cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe là chính, chứ không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, để giáo dục người khác đừng đi vào vết xe đổ ấy nên trung ương buộc phải làm và yêu cầu các cấp cũng phải làm như trung ương”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải.
Tuy nhiên không thấy trong bất kỳ bài phát biểu hay tham luận huấn dụ nào trong suốt 3 nhiệm kỳ làm Tổng bí thư, người ta thấy ông Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề đến tận cùng về trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Chính trị trong “cuộc chiến đấu” – như cách dùng từ của ông.
Một khi mà ông Nguyễn Phú Trọng còn tránh né về trách nhiệm trực tiếp lẫn gián tiếp của cương vị Tổng bí thư thì xem chừng câu hỏi đặt ra sau đây sẽ khó thể tìm được hướng trả lời thích hợp: đó là làm thế nào để nâng cao được năng lực lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng trong điều kiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”
Sở dĩ gọi là khó đến mức nan đề vì nếu loại trừ trách nhiệm của Tổng bí thư, thì phải xử lý mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền với lại Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân dân, vì Nhân dân như thế nào?
Ngoài ra vai trò làm chủ của Nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông qua các cái đoàn thể chính trị xã hội và việc làm chủ trực tiếp của Nhân dân sẽ ra sao khi không được quyền góp ý trực diện về những mối quan hệ công vụ – trách nhiệm trong quan hệ của Đảng cấp trên giữa Tổng bí thư với cấp dưới?
Việc “nói lời sau cùng” trước khi nghị án, theo như báo chí tường thuật, rằng có một số đảng viên cựu quan chức đã “xin lỗi Tổng bí thư”, cho thấy tạo một hào quang đầy khó hiểu của “bất khả xâm phạm” đối với người nắm quyền lực tối cao trong Đảng.
Và nếu cứ tự mãn như vậy, tin rằng Hiến pháp 2013, Điều 4.3 “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”, sẽ vẫn dừng lại ở hiến định bất khả thực thi.
1 comment
Hiến pháp bị quăng dzô sọt rác gòi! Bây giờ trách nhiệm của bác là mần thịt các đại da và tịch thu tài sản!