TS Phạm Đình Bá
(VNTB) – Đừng nhầm lẫn sở thích với triển vọng nghề nghiệp. Hãy chọn lựa ngành học theo sở trường, không phải đam mê.
Câu hỏi nầy thường được tranh luận trong các gia đình có con sắp vào đại học. Các cuộc tranh luận nầy có thể xảy ra bất cứ ở đâu, khi người Việt ở quê nhà hay định cư ở nước ngoài. Mức độ mà cha mẹ lắng nghe ý kiến của con thì có thể lên xuống và dao động rất nhiều, tùy từng gia đình và tùy theo mức độ kiên định trong lập trường của những người trẻ. Bên dưới là kinh nghiệm về tranh luận chung quanh câu hỏi nầy ở Anh, với hy vọng là kinh nghiệm từ một nước khác có thể kích động các suy nghĩ trong việc tranh luận về câu hỏi nầy trong các gia đình người Việt.
Hai sinh viên người Anh với tên tắt là AW và KP tranh luận xem bạn nên làm theo cái đầu hay trái tim khi nói đến việc chọn ngành học của mình.
Chọn ngành học ở trường đại học là một trong những quyết định lớn nhất mà bạn sẽ làm khi còn trẻ. Vì vậy, làm thế nào để bạn quyết định những gì phù hợp với bạn? Bạn có nên làm theo trái tim mình và dấn thân vào điều gì đó mà bạn thực sự đam mê, bất kể nó có thể dẫn bạn đến đâu. Một cách khác là bạn nên chọn một ngành học với một lộ trình nghề nghiệp an toàn hơn? Bên dưới đây hai sinh viên AW và KP tranh luận cả hai mặt của sự lựa chọn.
AW nói: ‘Hãy học những gì bạn yêu thích’
Hãy hỏi một sinh viên rằng họ sẽ học gì nếu được đảm bảo công việc mơ ước của họ và có khả năng câu trả lời sẽ không tương ứng với những gì họ thực sự chọn. Điều này thường là do khát vọng của họ đã bị giảm bớt bởi những người “hiểu đời”, thường nhất là cha mẹ chọn cho con.
Hầu hết lời khuyên về ngành học nào chỉ tập trung hoàn toàn vào việc kiếm được việc làm trong tương lai. Nhiều cha mẹ không khuyến khích con theo đuổi những sở thích trừu tượng bởi vì, rõ ràng, những triển vọng của các bằng trong các ngành trừu tượng thường được coi là không thực tế. Các ngành trừu tượng thí dụ như là triết học, mỹ thuật, nhân văn, và văn học. Các ngành thực dụng thí dụ như là kinh doanh, tiếp thị, y học, điều dưỡng, kỹ thuật và khoa học máy tính, cùng những ngành khác.
Nhưng liệu có thực sự đáng để học một ngành mà bạn không thích trên cơ sở là cái bằng đó có thể làm tăng cơ hội tìm được việc làm của bạn không? Chuyện tìm việc làm thành công hay không là do rất nhiều yếu tố và có thể phụ thuộc vào thời điểm và cơ hội, với sự không xác thực như vậy, tại sao bạn không thử học ngành mà bạn yêu thích?
Một số người – cụ thể là cha mẹ thường không đồng tình với khái niệm cần theo đuổi những gì bạn yêu thích bất chấp rủi ro – nhưng tôi tin rằng nó hợp lý hơn là chỉ tập trung vào việc học để có việc làm.
Quan tâm đến điều bạn đam mê thực sự là cách chắc chắn nhất để bạn trở thành xuất sắc trong việc làm suốt đời của bạn. Nếu bạn học ngành bạn theo vì bạn chỉ muốn có việc làm, thì đó có thể là bạn không trung thực với chính mình. Như Steve Jobs người chủ nổi tiếng của hãng phone Apple đã nói, “cách duy nhất để làm được công việc tuyệt vời là yêu thích những gì bạn làm”.
Về lâu dài, quyết định theo học ngành học mà bạn lựa chọn nhìn chung có lợi hơn. Các yếu tố như hạnh phúc trong đời sống về lâu dài và cảm giác thỏa mãn khi làm việc mình yêu thích thường không được coi trọng trong quyết định chọn ngành học, mặc dù lý ra các yếu tố nầy cần được xem xét và cẩn trọng trong các quyết định chọn ngành học và lựa chọn nghề nghiệp. Các yếu tố “hạnh phúc” trong đời sống này cũng không chỉ dựa trên thu nhập – các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có rất ít mối tương quan giữa mức lương của mọi người và sự hài lòng trong công việc của họ nói riêng và hạnh phúc trong đời sống nói chung.
Thực tế là, có rất ít lý do để không theo đuổi những gì bạn thực sự muốn. Bạn luôn có thể đạt được thành tích trong ngành học mà bạn yêu thích và nếu bạn không làm được điều đó, người khác sẽ làm được. Tôi tin rằng bạn phải đưa ra quyết định trung thực cho chính mình, bởi vì nếu bạn lựa chọn ngành học theo những ý tưởng từ bên ngoài, bạn có thể hối tiếc trong tương lai, hay bạn sẽ hối tiếc khi thấy những người cùng tuổi và có khả năng như bạn xuất sắc trong công việc mà bạn mơ ước.
KP nói: ‘Hãy thực tế’
Đại học là để làm một cái gì đó bạn yêu thích, phải không? Chà, không hoàn toàn như vậy. Chọn học một thứ bạn đam mê có thể không mang lại lợi ích như bạn nghĩ.
Khi bạn học đại học về cơ bản là bạn đang đầu tư: một khoản đầu tư có giá trị lên đến (và đôi khi hơn) 600 triệu đồng VN mỗi năm. Đây là số tiền rất lớn mà thường xuyên là bạn và gia đình bạn phải gánh chịu.
Bạn không cần phải biết nhiều về đầu tư để biết rằng mục đích của mọi việc đầu tư là tạo ra lợi nhuận. Bằng cấp của bạn là một khoản đầu tư lâu dài mà bạn được hưởng lợi từ kiến thức. Tuy nhiên, đầu tư tiền mà một ngày nào đó bạn phải trả lại có nghĩa là lợi nhuận của bạn cần phải xem xét là chuyện tiền bạc để trả lại cả vốn lẫn lời của việc đầu tư. Nói cách khác, lợi nhuận từ bằng cấp bạn đạt được không chỉ đơn thuần là học thuật và kiến thức. Bạn phải nghĩ đến việc bạn làm gì với bằng cấp của bạn để tạo dựng đời sống không lo về tiền bạc bởi bạn có việc làm.
Vì vậy, nếu bạn có năng khiếu về các con số và có khả năng để học các kỹ năng thực tế nhưng lại có niềm đam mê thực sự với chơi đàn thì việc chọn học các ngành âm nhạc ở trường đại học có thể là một sai lầm. Bạn có thể thấy mình không biết phải làm gì với bằng âm nhạc sau khi tốt nghiệp và tự nhận thấy rằng mình có khả năng làm các công việc thực tế mà bạn thấy dễ tìm việc, nhưng bạn lại không có bằng cấp để chứng minh điều đó.
Có sự khác biệt giữa sở thích và thế mạnh nghề nghiệp của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng bạn thực sự có thể đột phá thành công trong ngành âm nhạc hiện đại thì thật tuyệt, nhưng nếu nghệ thuật chỉ là thứ bạn thích vào vài đêm trong tuần, có lẽ nên xem xét lại lựa chọn học âm nhạc của bạn.
Nếu bạn hiện đang chọn một khóa học ở trường đại học, hoặc đang nghĩ đến việc thay đổi khóa học của mình, lời khuyên của tôi dành cho bạn rất đơn giản: đừng nhầm lẫn sở thích của bạn với triển vọng nghề nghiệp của bạn. Chọn lựa ngành học theo sở trường của bạn, không phải đam mê của bạn. Nếu bạn đủ may mắn để có cả hai trùng lặp như là một thì tuyệt vời. Nhưng hãy nhớ rằng với công việc phù hợp và tiền bạc ổn định, bạn sẽ luôn có thời gian cho những điều bạn thích, bất kể bạn đã học chúng ở trường đại học hay chưa.
Nguồn: Aimee Wragg and Kerry Provenzano. Should you study something you love or a degree that will get you a job? https://www.theguardian.com/education/2014/aug/27/study-what-you-love-or-what-will-get-you-a-job