Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bàn về văn chương phản biện và nhà cầm quyền

Dương Tử

 

(VNTB) –  Phải chăng văn nghệ ở Việt Nam đã bị vô hiệu hóa?

 

1/ Khái lược tình trạng hiện nay 

Sợ sệt và bất cần – Đó là 2 trạng thái lập lờ mơ hồ của nhà cầm quyền nước độc tài Đảng trị.

Sợ nội bộ chịu ảnh hưởng phản biện sinh ra “tự chuyển biến, tự chuyển hóa”.

Sợ quần chúng khinh nhờn.

Bất cần vì họ đã nắm công cụ bạo lực đủ mạnh để cai trị.

Vì thế, tỏ ra nới lỏng dân chủ một chút.

Thời phong kiến, chế độ quân chủ độc tài cũng e ngại dư luận phản biện. Chế độ quân chủ độc tài cũng đàn áp nhưng chưa đến mức ráo riết như chế độ XHCN. Thành ngữ nói “ông già 70 chửi vua cũng không bị chém”. “Văn chương tự cổ vô bằng cớ”.

Thầy đồ nho làng đối phó cách khôn ngoan. Họ nghĩ ra những thành ngữ, tục ngữ, chuyện tiếu lâm, bài hát đồng dao cho trẻ con hát… để lan tỏa ý tưởng phản biện ra quần chúng.

Tập hợp truyện cổ tích, truyện Trạng Quỳnh phản biện phản kháng vua Lê chúa Trịnh.

Bạo lực chuyên chính vô sản có phần giảm hiệu lực khi đối đầu với tình trạng thế giới mở toang cửa thông tin qua internet. Chiến thuật bưng bít kín thông tin nay đã phá sản hoàn toàn.

Giới văn nghệ sĩ ngày càng biết quyền của mình. Và ý thức dân chủ được nâng cao trong thời hòa bình. Mặt khác, nhà cầm quyền ngày nay không dễ mua chuộc văn nghệ sĩ bằng lợi ích và khống chế bằng quyền lực.

Họ áp dụng biện pháp tổ chức nhân sự: chọn cán bộ lãnh đạo gốc công an, quân đội rải khắp nơi đến mức tối đa có thể. Quân sự hóa, công an hóa chính quyền dân sự. Tướng Trần Đại Quang làm chủ tịch nước, tướng Nguyễn Đức Chung chủ tịch Hà Nội, tuớng Phạm Minh Chính ngồi thủ tướng, tướng Nguyễn Hòa Bình ngồi ghế chánh án tối cao, tướng Nguyễn Mạnh Hùng nắm Bộ TTTT, v.v. Thậm chí đến ghế lãnh đạo tuyên giáo văn nghệ cũng dùng tướng tá như thượng tướng tuyên huấn Nguyễn Trọng Nghĩa ngồi ghế trưởng Ban Tuyên Giáo trung ương. Nhóm văn nghệ thì đại tá Hữu Thỉnh, đại tá Trần Đăng Khoa, thượng tá Nguyễn Bình Phương, đại tá Nguyễn Quang Thiều nắm giữ ban chấp hành Hội nhà văn, các tướng tá tham gia BCH Hội nhạc sĩ (ngoại trừ các ngành nghệ thuật khác như Sân khấu, Mỹ thuật, Điện ảnh, Múa, Xiếc khó chọn nhân sự quân nhân có chuyên môn. Mặt khác mấy ngành này không có vẻ “nguy hiểm, đe dọa”). Lại còn nhiều tướng tá cài vào ghế trưởng, phó ban trong Quốc Hội.

Tâm lý nhà văn đương đại ngày nay ra sao?

Gồm có mấy thế hệ văn nghệ sĩ.

Thế hệ trải qua chiến tranh: không đủ sức cập nhật bút pháp sáng tác mới và cảm hứng mới. Thói sĩ diện, không cam tâm tự phản biện. Mũ ni che tai.

Thế hệ kế cận, chứng kiến phần cuối cuộc chiến, trưởng thành nghề nghiệp sau cuộc chiến và chứa đầy ưu tư trước tình trạng mở cửa ra thế.

Thế hệ trẻ nhất, thường gọi Gene Z, ngơ ngác trước thời cuộc, tập tễnh bước vào nghề, chưa bộc lộ khuynh hướng tư tưởng.

2/ Bàn về hai cây bút Bảo Sinh và Nguyễn Huy Thiệp 

(Một tình bạn văn huyền thoại)

Bảo Sinh có thể gọi là “nghệ nhân dân gian làm thơ trào phúng”. Ông làm những đôi câu lục bát nửa đùa nửa thật. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ẩn dụ và ngụ ngôn, đổi mới giọng điệu khiến văn đàn giật mình, ngơ ngác. Nguyễn Huy Thiệp gốc khoa sử xuất hiện buộc giới nhà văn phải đổi mới văn xuôi, nhất là truyện ngắn, thể loại văn học Việt Nam phù hợp nhất hiện nay.

Bảo Sinh tự in tập thơ Huyền Thi (nghĩa là thơ khó hiểu, bí ẩn) ký bút danh Bát Phố.

Nghệ nhân thơ Bảo Sinh kể chuyện về bản thân và về ông bạn thân thiết nhất – Nguyễn Huy Thiệp.

Khi đi chữa bệnh cho chó ở trại tù Thanh Hoá, bác sĩ Hoàng Ngọc Báu đọc thơ Huyền Thi:

Thà rằng ở với thằng tù

Còn hơn ở với thằng tu giả vờ”.

Cả trại tù thi nhau chép câu này, có người vừa nghe đọc xong nhớ luôn.

Làm thơ được tử tù khen

Sướng hơn Văn Miếu khắc tên mu rùa”

Khi dự triển lãm của hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng, con trai cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, học trò của giáo sư hoạ sĩ Lê Huy Tiếp, viện sĩ Viện Nguyên tử duy nhất người Việt Nam ở Nhật, Đăng bảo Bát Phố:

– Em đã trích vào sách xuất bản bên Nhật nhiều thơ của bác mà không xin phép, mong bác thông cảm.

Tôi bảo:

– Thơ Bát Phố là thơ dân gian, coi như không có tác giả.

Bà Bình bảo:

– Thơ bác Sinh ngay đến Bộ Chính trị cũng nhiều người thuộc lắm. Đồng chí Nông Đức Mạnh thường đọc thơ của bác cho Nguyễn Tấn Dũng nghe.

Tôi bảo:

– Tôi chưa bao giờ trò chuyện được với ban chính trị và tôi cũng không có nhu cầu này, vì tôi là loại bát phố vô sở cầu. Nhưng tôi muốn biết các vị trong bộ chính trị hay đọc những câu thơ nào?

Bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình bảo:

– Các vị thường đọc những câu thơ này:

Tự do sướng nhất trên đời

Tự lừa lại sướng bằng mười tự do”

“Làm hàng giả tù mọt gông

Làm lịch sử giả lại không việc gì

Tự trói thì gọi là tu

Bị trói thì gọi là tù mọt gông

Giáo sư Ngô Bảo Châu trò chuyện cùng giáo sư Hà Huy Khoái viện trưởng viện Toán học, Châu bảo nền toán học Việt Nam toàn ảo tưởng như lời cụ Bảo Sinh: “Tự do sướng nhất trên đời, tự lừa lại sướng bằng mười tự do”.

Nhà sử học Lê Văn Lan thường trích thơ Bát Phố để minh chứng luận thuyết lịch sử:

Lịch sử toàn chuyện ồn ào

Sự thật im lặng đi vào lãng quên.

Lịch sử bày chữ đặt tên

Khe chữ, chân lý lặng yên ra vào

Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đại chủng viện thánh Jesus Hà Nội thường dùng tài liệu Huyền Thi để thuyết giảng:

Khi đi qua cửa nhà thờ

Hãy đi như đứa trẻ thơ về nhà”

Cháu ngoại Bát Phố, khi bé, mẹ bảo lớn lên làm thơ giống ông ngoại đã đập đầu vào tường đến rớm máu, khóc bảo nếu phải làm thơ thì thà chết đi còn hơn. Nhưng khi đi học thạc sĩ ở Mỹ, có mấy cậu bạn tổ chức mừng sinh nhật đã đọc thơ của Bát Phố. Cháu ngoại Bát Phố bảo là thơ của ông mình. Mọi người cho là thấy người sang bắt quàng làm họ. Cháu Bát Phố phải tìm mọi cách mới chứng minh được vinh dự là cháu nhà thơ nổi tiếng Bát Phố.

Thơ đi bát phố giang hồ nghĩa là không ai biết tên tác giả, vô danh như ca dao, tục ngữ, có chăng nữa thì chỉ mình tác giả và may ra một vài người bạn thân thiết biết thôi. Chính vì bị mất quyền tác giả nên rất nhiều người ngộ nhận thơ Bát Phố là của họ. Nhiều bạn bè báo cho Bát Phố biết, Bát Phố thanh thản nghĩ:

Gặp kẻ ăn cắp thơ ta

Hoá ra người ấy lại là tri âm

Những thi sĩ cầm quyền gạt Bát Phố ra khỏi cuộc chơi:

Làm thơ anh chỉ nghiệp dư

Hội thơ chuyên nghiệp nó chưa cho vào

Nhưng Bát Phố vô sở cầu, không lưu tâm tới việc này:

Huyền Thi có phép lạ đời

Ai thích thì đọc ghét thời thì thôi

Còn hơn ối thứ trên đời

Cứ in cứ bắt mọi người phải xem

Không ghi được vào bia đá cung đình, Bát Phố ghi vào bia miệng thế gian. “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.

Họ chiếm núi cao

Ta về biển rộng

Chân lý hai chiều

Biết thua là thắng

Biển rộng là lòng dân, núi cao là cung đình.

Biết bao thi sĩ vô danh

Nhưng vần thơ lại trở thành ca dao

Biết bao thi sĩ ngôi sao

Suốt đời đếch để câu nào cho ai

Một nghìn người biết tên Trần Đăng Khoa mới có một người biết tên Bát Phố. Một nghìn người thuộc thơ Bát Phố mới có một người thuộc thơ Trần Đăng Khoa. Luật bù trừ mà.

Hồng Đăng tổng biên tập hội nhạc sĩ Việt Nam bảo giáo sư, tiến sĩ Chu Mạnh Khoa rằng đi chơi với Bát Phố có sợ ảnh hưởng tới con đường công danh, sự nghiệp không?

Có bao nhiêu kẻ yêu ta

Kẻ ghét đếm đủ cũng là bấy nhiêu

Khi biết ghét cũng là yêu

Ân oán sẽ hết mọi điều sáng trong

 

Bảo Sinh viết Bát phố giang hồ thơ ký sự

 

“Giả gọi là chân, chân cũng giả

Không làm ra có, có thành không

(câu này lấy trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, đời nhà Thanh)

Khoảng năm 2005, tôi và nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đi vô Nam. Nguyễn Huy Thiệp đi để giải stress, còn Bát Phố đi chỉ để đi:

Mình không chỗ đứng trên đời

Lại không cả biết nằm ngồi ở đâu

Thì đi về chỗ bắt đầu

Cứ đi, không đến về đâu thì về

Vụ án Nguyễn Huy Thiệp viết bài tiểu luận “Trò chuyện với hoa Thuỷ tiên” đăng trên tạp chí Ngày Nay. Thiệp viết bài này rất ngoan nhưng thỉnh thoảng lại có câu “nói ngược”. Cách nói ngược của người cực nổi tiếng như Nguyễn Huy Thiệp lại làm mọi người hiểu nhầm lung tung. Đặc biệt, Thiệp coi hội viên Hội Nhà văn là bọn giặc già thơ phú lăng nhăng, chứng minh bằng câu thơ mà Bùi Hoàng Tám nói là viết theo ý của ca dao Thái Bình:

“Vợ tôi nửa dại nửa khôn

Có lúc nó bảo dí “ồn” vào thơ

Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ

Có lúc nó bảo dí thơ vào “ồn”

Thế là Hữu Thỉnh hoảng loạn coi như lăng nhục Hội Nhà văn, nên đã thỉnh thị cấp trên rầm rộ ra quân như đánh trận Điện Biên Phủ. Sáu trăm tờ báo nã pháo liên tục, tàn bạo vào Thiệp, Thiệp chống đỡ một cách yếu ớt trong hoảng loạn. Đặc biệt là Trần Đăng Khoa ở Việt Nam đêm đêm đàm thoại với Nguyễn Văn Thọ ở Đức kết tội Thiệp trên đài Tiếng nói Việt Nam và báo chí, coi như đậy ván thiên cho Thiệp. Thiệp cáu đã viết vở hài kịch “Mổ nhà văn” để tự vệ.

Nguyễn Văn Lưu, giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn thành kẻ thù truyền kiếp của Thiệp. Đến tận 30 năm sau Lưu vẫn dẫn chứng những lời nói của Thiệp ở Thuỵ Điển là: “Nôn oẹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Trong cuộc hội thảo ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam năm 2015, Thiệp đã thanh minh điều này một cách minh triết.

Thật ra, đúng như lời Nguyễn Huy Thiệp nói, xã hội là sự tổ chức nhầm lẫn. Thế giới đánh nhau vì sự hiểu nhầm.

Ngay khi Nguyễn Huy Thiệp được ông Huy nhà Văn hoá Doanh nhân ở Kim Bảng, Hà Nam mời về chơi và dự bữa tiệc thân mật với gia đình, đủ cả sơn hào hải vị. Bảo Hưng – bạn Thiệp – lả lơi hò hát, đầy tính văn nghệ quần chúng. Vợ Huy – người phụ nữ xinh xắn và sắc sảo đã nắm tay Thiệp rưng rưng cảm động: “Bác ơi! Bác Thiệp “Cù Huy Hà Vũ” của chúng em ơi! Bác đòi lại công lý cho chúng em. Xưa bị áp bức chúng em chỉ biết kêu trời. Nay chúng em chỉ còn biết trông vào bác”. Thiệp giãy nảy như đỉa phải vôi, bảo: “Tôi không phải là Cù Huy Hà Vũ, chỉ là nhà văn chuyên nghiệp kiếm tiền nuôi gia đình, chị đừng hiểu nhầm mà chết tôi”.

Bên ngoài đi đứng khuỳnh khoàng

Bên trong đích thị bé ngoan Bác Hồ

Giáo sư tiến sĩ La Khắc Hoà có phong cách rất hàn lâm, mời Bát Phố và Nguyễn Huy Thiệp đến dự buổi hội thảo về “Văn học trung tâm và ngoại vi – Dân gian và cung đình” tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Một vị giáo sư khả kính nói văn Thiệp có tính dân gian, Thiệp nổi khùng, đứng phắt dậy thanh minh ngay:

– Tôi là nhà văn trong lề, nhà văn phục vụ chính quyền. Nếu bảo tôi là dân gian, ngoài lề thì chỉ cần một đồng chí thiếu uý hộ tịch cũng đủ sờ gáy tôi.

Thiệp cũng rất tự hào, ở Việt Nam có bốn cuộc tranh luận văn chương lớn nhất:

– Thơ Mới – Thơ cũ.

– Nhân văn Giai phẩm.

– “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp

– “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” cũng của Nguyễn Huy Thiệp.

Trong bốn cuộc tranh luận văn chương long trời lở đất này thì hai cuộc là của Thiệp.

Cuộc tranh luận “Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” đúng như lời Nguyễn Huy Thiệp bảo: Xã hội là sự tổ chức nhầm lẫn, cũng như ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Là sự tự diễn biến, ta lại đánh ta.

Tắt đèn đánh nhau ban đêm

Đấm đá loạn xạ bạn xem như thù”.

Nguyễn Văn Lưu dùng những quả đấm thép để mong hạ đo ván Thiệp cũng chỉ là đánh vào hư không:

Vinh quang của võ sĩ mù

Toàn chiến thắng bạn và thua kẻ thù

Hai bên dàn quân tìm cách thanh trừng nhau, họ kêu cả lực lượng chính trị trong nước và thế giới yểm trợ.

Tiến lên ta cứ tiến lên

Như xe tăng mù cứ thế tiến lên

Cây bút chủ đạo chống Nguyễn Huy Thiệp là Trần Mạnh Hảo – một quái thủ. Phe Hảo bảo Thiệp là bồi văn cho Tây. Cứ mỗi lần Thiệp bị đánh trong nước là thế giới lại ra sức bảo vệ: Cho tiền và mời đi nước ngoài. Phe bảo vệ Thiệp thì bảo: Hảo là bồi Ta, là nô văn, là ca-pốt thủng của Hội Nhà văn. Bây giờ nghĩ lại thấy toàn chuyện hão huyền, vớ vẩn cả.

Thế giới biết thừa Thiệp là ai, chính trị ta cũng biết thừa Thiệp là ai. Thế giới quá biết Thiệp là người yêu gia đình, yêu chế độ, làm văn chỉ để câu cơm, thi thoảng nói vài câu ba lăng nhăng do cá tính. Trần Đăng Khoa bảo thủ pháp nghệ thuật của Thiệp là nói ngược để mọi người chú ý (!?). Thế thôi. Nhưng họ cố dựng lên Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn chống chế độ ta, từ đấy họ tuyên truyền là nhà văn Việt Nam rất ghét Cộng sản. Còn chế độ ta lại giả vờ mặc nhiên thừa nhận, vẫn ưu tiên ưu đãi Thiệp để chứng tỏ chế độ ta rất có nhân quyền, cộng sinh cả với những gì đối lập.

Tâm người ở chỗ lãng quên

Còn óc thì bởi chính quyền nặn nên

Tâm người ở chỗ lãng quên

Chính quyền cũng bởi nhân duyên tạo thành

Trong văn chương, Nguyễn Huy Thiệp là người đắc thời, người trúng số độc đắc. Thế giới và Việt Nam như trai cò cắp nhau, ngư ông Nguyễn Huy Thiệp đắc lợi, giăng lưới bắt được chữ “thời”:

“Có thời có tự mảy may

Không thời cả thế gian này cũng không

“Cao thủ thua tranh thủ”. Nếu Nguyễn Huy Thiệp hiểu điều này là đắc đạo. Nếu Thiệp không hiểu điều này sẽ sung sướng trong tan nát.

Bây giờ, những người chửi nhau năm ấy lại tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau trong các kì đại hội văn chương mà không hề xấu hổ gì. Màn kịch coi như xí xoá.

Ghế thì ít, đít thì nhiều

Cho nên đấu đá là điều tất nhiên

Ba lạng thịt chốn động tiên

Thừa chỗ đủ để chứa trên vạn người

Trong buổi ra mắt sách “Giăng lưới bắt chim” của Thiệp tại 24 Lý Quốc Sư, Trần Đăng Khoa ca tụng Thiệp hết lời. Thế đấy.

Lò cừ nung nấu sự đời

Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”

(trích Cung oán ngâm khúc- Nguyễn Gia Thiều)

Thiệp rất tự hào ngày lễ tết hàng năm, Thiệp được thiếu tướng giám đốc Sở Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung có lẵng hoa và quà tặng Nguyễn Huy Thiệp. Thiếu tướng Phạm Chuyên giám đốc CA Hà Nội kết bạn thân của Thiệp. Tướng Chuyên đã hợp với Nguyễn Khoa Điềm sếp tổng Ban Văn hoá tư tưởng trung ương ra lệnh cho 600 tờ báo im miệng thôi không đả kích Thiệp nữa. Xong. Khi Thiệp qua đời, chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc gửi vòng hoa viếng. Tướng Tô Lâm đến tận nơi ngồi viết sổ tang. Nhà nước còn truy tặng giải thưởng nhà nước cho Thiệp.

3/ Văn nghệ ở nước ta đã bị vô hiệu hoá (?)

Ễnh ương phễnh bụng kêu to

Cũng không ngăn được đàn bò đi qua

Văn nghệ trí thức nước ta

Phùng mang trợn mắt chỉ là ễnh ương”.

Thế rồi, thế rồi, thế rồi… mọi người lại đang chuẩn bị một cuộc chơi nhầm lẫn mới.

Người thường bàn chuyện ngu xưa

Mấy ai bàn chuyện bây giờ ngu hơn

Trong cuộc chơi thực giả lẫn lộn của loài người, lúc Thiệp bị đánh tơi bời, Thiệp lo sợ nếu mình sáng tác sẽ không được xuất bản. Thiệp là nhà văn chuyên nghiệp, viết văn để sống cũng như cave cần phải tiếp khách.

Đấy là ý kiến của ông bạn thân Bảo Sinh bút danh Bát Phố, nhận xét về Thiệp.

Xét đến cùng, nhà văn không nhất thiết phải tự nhận là nhà phản biện. Họ cứ viết như một nhà văn chân chính theo quan niệm phổ quát của nhân loại là được.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – “Phản biện xã hội” là ‘sản phẩm’ của dân chủ hóa đời sống chính trị

Phan Thanh Hung

VNTB – Nhà báo Phạm Chí Dũng có “chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Tản mạn về bóng đá và chính trị

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo