Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo chí trong đời sống chính trị ở Việt Nam

Hồng Dân

 

(VNTB) – Việt Nam đang khủng hoảng chính trị nội bộ…

 

Báo chí thuộc hệ thống Nhà nước, đến nay vẫn chỉ đóng vai trò tương tự ‘loa phát thanh’ của Đảng trước mọi tin tức, và cả đồn đoán về biến động chính trị trong thể chế độc đảng này.

Thượng tầng chính trị đấu đá nhau, tạo sự nghi kỵ bao trùm, và sự bàng quang của báo chí nhà nước đưa đến những cơn sóng ngầm, làm nên những đe dọa của cáo buộc về điều luật hình sự 117, 331.

Hiện tại ở mỗi tỉnh, thành đều có ít nhất là một tờ báo gọi là “Tiếng nói của Đảng bộ” của riêng địa phương đó. Thế nhưng hầu hết là tin tức tô hồng, và chỉ đưa tin về những mặt trái trong hàng ngũ Đảng mỗi khi Đảng công khai ra cộng đồng các tin tức này. Vai trò tự tìm kiếm, săn tin về những mặt trái của đảng viên để chủ động lên tiếng cảnh báo của hệ thống báo chí nhà nước, cũng như báo chí Đảng, đều là con số 0.

“Bảo vệ nền tư tưởng của Đảng” trở thành trò chơi chữ nghĩa của định kiến mặc định rằng, “chế độ đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập hoàn toàn không phù hợp với bối cảnh lịch sử – xã hội ở Việt Nam”.

Tự biện minh cho vai trò độc quyền của mình, thông qua báo chí, Đảng tự cho mình quyền phê phán thể chế đa đảng, rằng với cách thức tổ chức cho phép các đảng đối lập phản đối chính sách của đảng cầm quyền nhằm thực hiện dân chủ, thực tế sẽ đưa đến nghịch lý của nó là khiến chính phủ trở nên phân rã và chia rẽ.

Đảng Cộng sản Việt Nam lập luận: Sự phân cực chính trị làm phân tán nguồn lực và các chính sách đem lại lợi ích cho đa số người dân thường sẽ khó được thực thi. Bởi khi không nắm chính quyền, các đảng chính trị sẽ có nhiệm vụ là tìm mọi cách phê phán chính sách của đảng đối lập; mục đích chính của việc làm này không phải là để có tiếng nói phản biện nhằm làm cho chính sách được thực thi một cách tốt hơn mà là để giành giữ lá phiếu cho đảng mình trong các lần bầu cử tiếp theo.

“Nhìn vào đời sống chính trị của các quốc gia tổ chức theo chế độ đa đảng đối lập, chúng ta sẽ thấy các đảng chính trị để tranh giành quyền lực, họ không dựa trên lợi ích của đông đảo người dân nhằm giải quyết các vấn đề mà xuất phát từ lợi ích của đảng phái, thậm chí là lợi ích cá nhân hẹp hòi” – một lý luận phổ biến trong bình luận chính trị trên hệ thống báo chí Đảng.

Kiểm soát quyền lực trong nội bộ Đảng và kiểm soát quyền lực Nhà nước trong môi trường độc đảng, thực chất đưa đến nguy cơ lạm quyền, tha hóa quyền lực. Tình trạng quan hệ thân hữu vì các lợi ích cá nhân, nhóm không được ngăn chặn bằng kiểm soát quyền lực thì tất yếu đưa đến lợi ích công sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng, chất lượng hoạt động của hệ thống quản trị quốc gia bị giảm sút, trở thành mối đe dọa cho sự ổn định và phát triển của cả xã hội.

Quan hệ giữa 3 nhánh quyền lực: Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp bị phủ nhận. Trong văn bản Hướng dẫn về “thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm” do Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Trần Cẩm Tú, ghi rõ: “Đảng viên không được phản bác, phủ nhận, xuyên tạc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế, quyết định, kết luận của Đảng. Phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, hoài nghi; phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…; giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” – trích Điều 3.1.

Mà ở Việt Nam không hề có chuyện tổng biên tập không là đảng viên, nên việc “xã hội hóa dân sự về tin tức” cũng là điều cấm kỵ.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Phồn vinh giả tạo, bần cùng thực sự

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Cháy bãi tạm giữ xe CSGT: đốt xe phi tang?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Nguyễn Thúy Hạnh

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo