Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo chí vẫn là độc quyền của nhà nước

Phú Nhuận

 

(VNTB) – Tất cả các tổng biên tập đều là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, tức là có bổn phận tuân thủ các quy định của Điều lệ Đảng và hệ thống văn bản về quy định hoạt động Đảng

 

Tại hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 24-12, tại Hà Nội, tân Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Trần Thanh Lâm nhận  xét: “Thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, còn chạy theo mạng xã hội…

Ông Lâm nhận chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương hôm 3-12-2021.

Vài hôm nữa ông Trần Thanh Lâm bước vào tuổi 49. Ông Lâm là một ‘cán bộ nguồn’ được quy hoạch, trình độ thạc sĩ Quản trị thông tin, quê ở Hà Nam. Ông Trần Thanh Lâm từng giảng dạy tại trường cao đẳng Sư phạm Hà Nam, kinh qua các chức vụ Phó chánh Văn phòng Trung ương Đoàn kiêm Thư ký Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; Phó tổng biên tập báo Tiền Phong; Phó giám đốc Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam.

Tháng 2-2017, ông Lâm được điều động, bổ nhiệm giữ chức phó vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương. Hơn 2 năm sau, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ trưởng.

Hiện, ngoài Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Ban Tuyên giáo Trung ương có 7 phó ban, gồm các ông Lại Xuân Môn (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực), Lê Hải Bình (Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng), Phùng Xuân Nhạ, Phan Xuân Thủy, Trần Thanh Lâm; hai phó ban kiêm nhiệm là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Tổng biên tập báo Nhân Dân Lê Quốc Minh.

Với ê-kíp lãnh đạo hùng hậu như vậy, xem ra không phải ngần ngại chi nếu như mai đây Đảng và Nhà nước chấp nhận sự cạnh tranh sòng phẳng, tử tế theo quy định của pháp luật về quyền tự do làm báo của tư nhân.

Số liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận đến ngày 30-11-2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó có 114 báo, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng riêng.

Cả nước có khoảng 40.000 người đang làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo.

Những con số trên có một điểm chung nhất, đó là tất cả các tổng biên tập đều là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, tức là có bổn phận tuân thủ các quy định của Điều lệ Đảng và hệ thống văn bản về quy định hoạt động Đảng. Chính điều này cho thấy giả dụ như các tờ báo có nội dung đến mức gọi là “Thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, còn chạy theo mạng xã hội…”, thì đó hoàn toàn lỗi thuộc về tổng biên tập.

Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ cần làm mỗi việc cho ‘triệu’ các tổng biên tập này đến làm việc lại về định hướng tư tưởng là xong. Nếu ‘không xong’, thì cần thay đổi ngay ê-kíp lãnh đạo tuyên giáo, bởi nhà luôn dột từ nóc (?!).

Vậy thì câu chuyện ở trên liên quan chi đến việc chấm dứt độc quyền báo chí, cho phép tư nhân được ‘trọn quyền’ làm báo?

Đơn giản thôi, nếu có sự góp mặt của báo chí tư nhân, thì việc quản lý báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương đơn giản hơn nữa, vì khi không còn quy định tổng biên tập phải là đảng viên, nên chỉ cần ngờ vực về sai phạm, các cơ quan quản lý hành chính dễ dàng xử lý ngay, mà không ngại ngần chuyện rắc rối quy trình báo cáo lên đảng ủy cấp tương ứng về những tổng biên tập này.

Khi phát hiện sai phạm dễ dàng đóng cửa tòa soạn tư nhân đó, thậm chí không ngại bỏ tù các chủ tư nhân làm báo có ý manh nha lũng đoạn thị trường báo chí.

Bởi tư nhân làm báo cũng giống như tư nhân được quyền làm chủ ngân hàng thương mại, làm chủ các bệnh viện, làm chủ trường đại học… Có nghĩa Đảng và Nhà nước nên tự tin vào khả năng quản lý thị trường báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương; nhất là ê-kíp lãnh đạo của ban bệ này toàn là chức sắc tên tuổi xuất thân từ tướng lãnh quân đội như Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Mạnh Hùng, từng là Bí thư tỉnh ủy như Lại Xuân Môn, hay một Lê Hải Bình – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (11/2014 – 3/2017), một Phùng Xuân Nhạ từng là “thượng thư Lễ bộ”…


Tin bài liên quan:

VNTB – Lại nói về dân chủ qua vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Chửi trên mạng xã hội là một cách giải tỏa ẩn ức

Do Van Tien

VNTB – Thiên hạ luận: xin hãy lắng nghe ý kiến của dân chúng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.