Việt Nam Thời Báo

VNTB – Báo chí Việt Nam đưa độc giả vào mê tín

Hoàng Lan Mộc Châu

 

(VNTB) – Bữa tiệc cúng táo quân biểu lộ rõ tình chất hối lộ, dối trá của cả gia chủ lẫn Táo quân

 

Kính lạy ngài bản gia Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân!

Chúng con kính mời:

Ngài Đông Trù tư mệnh Táo phủ thần quân giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Kính mời các ngài bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, ngũ phương ngũ lộ long mạch tài thần, ngũ phương ngũ thổ phúc đức chính thần, bản gia chấp sự chư tôn thần đồng tọa, thụ hưởng lễ vật.

 

Đó là một đoạn trong bài khấn ông Công Ông Táo của một số tờ báo, dưới sự chỉ huy của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN, soạn ra, hướng dẫn độc giả của họ khấn trong lễ tiễn đưa 3 vợ chồng, 2 ông, 1 bà, nhà Táo lên chầu trời mỗi tất niên, nhằm ngày 23 tháng chạp.

Du nhập từ Trung Hoa, truyền thuyết táo quân biến thể thành ông công, ông táo, với hai chồng, một vợ. Theo Tàu, mỗi gia đình có một ông Vua ngồi trong bếp suốt đời theo dõi việc nấu nướng và xem xét chuyện nhà gia chủ để đến ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Vua Bếp này bay về chầu trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều tốt, xấu trong năm của gia chủ, y xì anh tổ trưởng dân phố hay anh công an khu vực bây giờ, chuyên thọc mũi, ghé tai vào bếp mỗi gia đình về làm hồ sơ lưu trữ và báo cáo cấp trên. Ngọc Hoàng sẽ ban thưởng hoặc định tội gia đình đó theo báo cáo của Táo quân. Vì thế, vào ngày này, mọi nhà đều lau chùi bếp núc sạch sẽ, làm mâm cỗ thinh soạn, gồm cả bánh tổ làm bằng bột nếp và mật để tiễn thần Táo. Bánh ngọt giúp Táo Quân chỉ nói những điều ngọt ngào dễ nghe của gia chủ, còn gạo nếp sẽ khiến miệng Táo dính chặt không bẩm báo với Ngọc Hoàng những điều xấu. Người ta còn bôi mật ong hay mạch nha lên miệng tượng Táo Quân hối lộ Vua Bếp. Làm sao hối lộ được Táo Quân nói nhiều điều lợi cho mình càng nhiều càng tốt.

Tục này sang Việt Nam từ hồi nào không biết. Sau 1954, đất nước bị chia đôi. Ngoài Bắc chế độ CS gom tôn giáo và mê tín dị đoan vào cùng một duộc, đánh tan nát. Tất cả Táo ông, Táo bà khăn gói bám tàu há mồm di cư vào Nam. Kinh tế VN giờ khấm khá hơn một chút, các gia đình ông bà táo trước trốn hết vào Nam giờ lục tục về Bắc. Chính quyền đàn áp các tôn giáo nhưng lại dung dưỡng mê tín dị đoan làm bấn loạn lòng người, như đạo Bác Hồ thì được khuyến khích. Bác Hồ thành Phật, được đưa vào chùa thờ ngang Bụt. Gia đình nhà Táo được phục hồi và thờ cúng như thần thiêng trong ngưỡng dân gian “đáng bảo tồn và là một nét văn hóa”, thậm chí cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn Việt Nam có bài viết “Cúng ông Công, ông Táo quan trọng ở sự thành tâm và cũng là cách để gìn giữ phong tục, tập quán của cha ông.”(1) Bài báo Cúng Ông Công, ông Táo những lưu ý cần biết, viết, “ tựu chung, mâm lễ vật đủ đầy sẽ có cuộc sống cả năm sung túc. Vì thế, ai cũng đều cố gắng chuẩn bị mâm lễ vật cúng ông Táo thật trang trọng, chu đáo.” 

Kèm theo khấu đầu khấn xin còn phải biện mâm cỗ đầy hương hoa, xiêm hài áo mũ kính dâng tôn thần, còn phải có đồ ăn hối lộ, bôi trơn miệng để Táo chỉ trình các việc tốt của gia chủ lên Ngọc Hoàng, hầu Ngọc Hoàng ban những lợi lạc “Người người lo ấm (sic), cả nhà thêm tiếng tốt lẫy lừng. Việc việc thành công, một cửa ngút khí lành man mác”. Không những chỉ có vậy trong lời khấn xin, gia chủ còn “lôi” cả đức Phật vào:

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Nam mô a di đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Đạo Phật không chủ trương thờ thần. “Quy y Phật không quy y trời thần quỷ vật”. Những thành tựu trong đời sống đều do phước đức của tự thân đã gieo trồng trong quá khứ và hiện tại mà được, chứ không phải nhờ thần linh phù hộ.(2)

Những câu truyên, truyền thuyết dân gian, và ngay cả thần-học-thưởng-phạt, huấn luyện con người vào một cái khuôn làm điều tốt, tránh điều xấu, nhưng trong truyền thuyết Táo quân VN, du nhập từ văn hoá Trung hoa thời cổ xưa, chứa đựng nhiều cái xấu hơn cái tốt.

Gia đình Táo quân không hạnh phúc. Người chồng say sưa, chè chén. Người vợ không biết cảm hóa chồng như những người vợ hiền thục, hoặc nhẫn nhục chịu đựng theo truyền thống thưở xưa, bỏ nhà ra đi lấy người khác. Lúc vô tình gặp lại chồng cũ, lại dấu diếm chồng mới, để rồi sự việc xấu-thảm thương-một-cách-vô-lý xảy ra, cả ba người chết cháy trong đống rơm. Đó có phải truyền thuyết tốt nên được thờ cúng không?

Bữa tiệc cúng táo quân biểu lộ rõ tình chất hối lộ, dối trá của cả gia chủ lẫn Táo quân. Nó phản ảnh đúng tình trạng xã hội VN bây giờ, kẻ quyền chức, thân cận cấp trên, càng chức cao quyền trong càng đòi hối lộ, kẻ thấp cổ bé miệng thì ráng lấy lòng, hối lộ quan chức để được “chiếu cố”, để hướng chút lộc triều đình.

Cách đây nhiều năm, tờ Minh Báo Hương Cảng kể sự tích táo quân như sau: Trên Thiên Đình có một vị cận thần yêu dấu của Ngọc Hoàng, Đông Trù Tướng Quân(?). Vị thần này có tật chuyên rình mò xem các nàng tiên tắm. Tây Vương mẫu biết chuyện, tức giận mách Ngoc Hoàng, Ngọc Hoàng bực mình đầy vị sủng thần của mình xuống trần, nhưng vì còn yêu cận thần của mình, Ngọc Hoàng cho thần chọn nhiệm sở dưới trần. Không suy nghĩ lâu lắc, thần chọn làm Vua Bếp. Ngọc Hoàng hỏi lý do, thần thành thật tâu vì được làm vua một vùng không gian quan trọng nhất trong mỗi nhà, được rình mò, báo cáo gia chủ khiến gia chủ khiếp sợ, được ngủ kỹ ấm áp và ăn ngon trước mọi người, mà quan trọng nhất là suốt ngày được ngắm các bà, các chị ngồi tê hê thổi bếp!

Qua báo chí Việt Nam và các trang mạng xã hội người ta thấy hiện tượng mê tín dị đoan bây giờ tràn ngập xã hội

Trong khi ĐCSVN tìm nhiều phương cách từ dã man thô thiển đến ranh ma quỷ quái để đàn áp tôn giáo như đánh đập, bỏ tù thậm chí giết tín đồ, phá chùa chiền, thánh thất nhà thờ, điểm cầu nguyện đến nỗi bị xếp hạng Quốc Gia Bị Quan Tâm vì đàn áp tôn giáo thì họ dung túng mê tín dị đoan, thậm chí gián tiếp cổ vũ cho mê tín dị đoan như những bài viết trên báo, nhiều nhất vào dịp đầu năm, cuối năm như dậy cách cúng tế, lễ bái, dâng sao giải hạn, xem bói, xin ấn, cầu quan, tiến chức, thêm của, thêm nhà… khiến cả xã hội từ nghèo đến giầu, từ người thất học đến trí thức, từ dân đến đảng viên như quay cuồng trong cơn mê. ĐCSVN trong cơn bế tắc, rất sợ một xã hội tỉnh táo, đồng thời người dân trong xã hội xã hội chủ nghĩa này luôn cảm thấy thiếu thốn, bất an, không tin vào bản thân, hay xã hội, họ u mê bám vào những loại quỷ thần, tự huyễn hoặc, hay sống mơ hồ như dùng ma túy khiến sự mê tín càng ngày càng lan rộng đến khó có thuốc chữa.

Đầu năm, cuối năm ở Việt Nam, báo chí Việt Nam đã gián tiếp cỗ vũ người đọc của họ vào mê tín dị đoan. Nườm nượp từng người, từng cặp vợ chồng, tình nhân, hay cả gia đình và trên hết, từng đoàn quan chức, đảng viên lũ lượt tổ chức đi lễ tập thể, đi nhiều lần trong năm, không tiếc tiền bạc tới đền, chùa, mang cả đầu heo, gà qué đến gieo quẻ, cầu xin thăng quan, tiến chức, tiến tài tiến lộc, làm ăn phát đạt. Càng làm lớn càng xin lớn, càng lễ vật rình rang, càng đến chùa to đền bự. Ðó cũng là điều dễ thấy, trả lời câu hỏi vì sao đảng viên càng ngày muốn giầu hơn, tranh giành nhau ghế, làm lớn hơn càng tham nhũng, càng mê tín dị đoan và dân càng khổ hơn.

 

____________

Tham Khảo

(1) https://vanvn.vn/cung-ong-cong-ong-tao-nhung-luu-y-can-biet/

(2) https://thuvienhoasen.org/p22a15018/4-niem-tin-theo-dao-phat


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Kẻ dại tự mang thòng lọng vào cổ

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – “Trại Súc Vật” – Ngày tàn của Chủ Nghĩa Súc Vật

Do Van Tien

VNTB – Người Mông Hà Giang sống trong cảnh nghèo đói

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo