Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bao giờ đời sống người dân được… ‘tăng lên’ để mặc sức mà thu và thu?

Diệp Chi

 

(VNTB) – Bên cạnh “giá thịt heo cao, người dân nên chuyển qua ăn thịt gà” như vừa khuyến cáo của ông Bộ trưởng Nông nghiệp, thì trước đó chỉ vài mươi tiếng là yêu cầu cần tính tiền gom rác ở hộ gia đình theo khối lượng cũng đang được nhiều người bàn ra  tán vào…

 

Tôi đang thắc mắc một vấn đề, theo như lời của bộ trưởng bộ tài nguyên môi trường (TNMT), “khi đời sống người dân tăng lên, sẽ điều chỉnh dần dần để người dân trả cả chi phí này” – tức chi phí về rác thải hàng ngày ở mỗi gia đình. Thế nào là đời sống người dân tăng lên? Và làm sao để biết đời sống người dân có thật sự tăng lên hay không?

Trả lời cho câu hỏi này, phải chăng đó là những trường hợp khi bước chân vào các trung tâm thương mại, nhìn thấy nhiều người đi mua sắm, ăn uống, vui chơi; những đứa trẻ được ba mẹ dắt đi vào các khu giải trí trò chơi điện tử…? Hay chăng đó là những trường hợp quán xá đông người, tỷ lệ người dân mua sắm xe hơi nhiều, du lịch phát triển…?

Cứ tạm cho những trường hợp kể trên ấy là thể hiện đời sống người dân đang tăng lên. Song còn đó, nhiều hoàn cảnh khó khăn, thậm chí không ít là khốn cùng.

Không khó để bắt gặp điều ấy, nhất là đối với một thành phố rộng lớn như ở TP.HCM. Chỉ cần bỏ một ít thời gian từ chiều tới tối, sẽ bắt gặp ngay hình ảnh những cô bé lang thang ở các quán nhậu bán vé số, cóc ổi mía gim, bánh tráng trộn…. Đó còn là hình ảnh của những cậu bé mưu sinh bằng trò mạo hiểm phun lửa mua vui ở các quán nhậu.

Tụi em đi diễn là có mấy thằng khác nó lại nó chặn đầu nó lấy tiền em hoài. Nó quýnh tụi em nữa. Nó nói là địa bàn của nó, chỗ này của nó, nó hổng có cho diễn. Hôm bữa nó nói tụi bây có diễn nữa tao quýnh tụi bây. Tụi em cũng phải ráng diễn chứ hổng diễn hổng có tiền…”, một em biểu diễn xiếc lửa ở khu vực quận 8, vùng ven Sài Gòn kể.

Ngày nào em cũng đi bán, trời mưa em cũng phải đi bán luôn. Chứ không bán là không có tiền…”, em Ngân bán bánh tráng, nói.

Đời sống người dân tăng lên? Đó phải chăng là hình ảnh của những bác xe ôm già ngồi chực chờ đón khách, bất chấp thời tiết nắng gắt hay mưa lớn? Với họ, dù trước mùa dịch, trong dịch hay sau dịch Covid-19 thì đời sống cũng khó khăn như nhau cả thôi, chẳng phải so sánh làm gì, có chăng là nhờ dịch corona nên người Sài Gòn đi ủy lạo giúp đỡ người nghèo nhiều hơn trước.

Hồi chưa có dịch thì chạy cũng ế lắm, không có khách đâu. Chạy mùa dịch này càng vắng hơn”, một người chạy xe ôm chia sẻ.

Mong muốn gì?, có ai hỗ trợ gì đâu. Phường nó nói là kê khai cái nghề của tui đó. Thì tui cũng khai, cũng nghe theo họ, chờ đợi. Chờ tới chừng nào thì tui cũng không biết nữa”, ông Châu làm nghề chạy xe ôm chia sẻ.

Nhiều khi tự hỏi, thay vì ngồi đó tính mấy cái chuyện khi đời sống người dân tăng lên, người dân dần dần phải chịu hết phí này tới phí khác, thì sao ông bộ trưởng không nghĩ đến giải pháp nào để đời sống người dân có thể tăng lên thực sự, chứ không chỉ tăng kiểu báo cáo thành tích mà người ta hay bởn cợt rằng ‘tăng trên tivi chứ đâu’? Vế đầu của vấn đề đã chưa giải quyết, chưa thỏa mãn, đã lo tính đến vế sau của mọi cách để thu và để vét.

Sẽ có ý kiến, đời sống người dân có tăng lên hay không, đó đâu phải là trách nhiệm của mấy ông bộ trưởng? Rất có thể vậy. Nhưng với nếp nghĩ như ‘không thịt heo thì ăn thịt gà’ như bộ trưởng nông nghiệp; như ‘người dân giàu có thì cần cân ký rác mà nhà họ thải ra để thu tiền’ của bộ trưởng TNMT, vô hình trung, đã không giúp đỡ được đời sống thì thôi, mà còn tạo thêm áp lực hết tăng cái này đến tăng cái khác trên tấm lưng còm cõi mưu sinh của những phận người nghèo khốn.

 

 

Tin bài liên quan:

VNTB – Xin đừng để bình thường thành bất thường

Do Van Tien

VNTB – Điểm nhóm ‘Hội thánh truyền giáo Phục Hưng’ đã để lại “di sản” gì?

Phan Thanh Hung

VNTB – Thiên hạ luận: Thay đổi chất lượng, tự khắc dân sẽ chọn

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo