Mai Lan (ghi)
(VNTB) – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam nói rằng trong chuyện tăng lương tối thiểu sắp tới đây, nếu căn cứ theo văn bản pháp quy, thì không dễ đòi hỏi tăng lương.
Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về việc tăng lương tối thiểu vùng và quy định lương tối thiểu giờ cho người lao động, mức tăng là 6% so với mức lương tối thiểu của Nghị định 90/NĐ-CP ngày 15-11-2019.
Mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng 6%, tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng, chia theo 4 vùng. Tại TP.HCM, vùng I, tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng.
Thoạt nhìn thì thấy mức tăng là như vậy nhưng khi áp dụng vào thực tế thì đại đa số chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương cho người lao động đầu tháng 7-2022.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu Công nghệ cao, thành phố Thủ Đức) phân tích: Nghị định 90/2019 quy định về việc áp dụng lương tối thiểu vùng, có khoản 1b, Điều 5, yêu cầu đảm bảo “cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định”.
Thực tế, tại doanh nghiệp, tất cả người lao động đều phải qua đào tạo mới có thể làm việc, nên lâu nay tất cả doanh nghiệp đều áp dụng mục 1b này và lương tối thiểu vùng I đều không thấp hơn mức 4,73 triệu đồng/tháng, tức đã cao hơn mức 4.680.000 đồng/ tháng của Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
Theo các quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ quy định lương tối thiểu để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với các công việc có mức lương khác cao hơn, như lao động đã qua đào tạo và số lượng này là đa số, thì người lao động tự thương lượng, tự thỏa thuận với chủ sử dụng lao động.
Thực tế như nêu ở trên, tất cả công nhân nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đều là lao động đã qua đào tạo, và thử hỏi có công nhân nào dám tự thương lượng mức lương tối thiểu với chủ doanh nghiệp và thương lượng thành công không?
“Bản thân tôi là chủ tịch công đoàn đã 12 năm, mỗi khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì tôi và ban chấp hành công đoàn còn không thương lượng được thì làm sao có công nhân nào thương lượng được việc này?”, ông Lưu Kim Hồng nói, và dẫn chứng, hiện tại lương tối thiểu tại công ty là 4,73 triệu đồng/tháng, cao hơn mức tối thiểu Nghị định 90 là 600.000 đồng.
“Chúng tôi chỉ có thể thương lượng được phần tăng lương cho các vị trí công việc khác trong thang bảng lương theo chức danh và theo công việc. Tình trạng của chúng tôi cũng là chung của đại đa số công đoàn doanh nghiệp FDI hiện tại. Không phải chúng tôi không dám đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhưng trường hợp này, chúng tôi ở thế yếu khi ngồi vào bàn thương lượng vì không có cơ sở để thương lượng khi không có hành lang pháp lý để dựa vào”, ông Lưu Kim Hồng giải thích.
Ông Hồng kể thêm rằng lúc được công nhân tín nhiệm bầu vào ban chấp hành công đoàn năm 2008, lúc ấy, ông chỉ nghĩ đơn giản công việc này vừa giúp được công nhân, vừa giúp bản thân trưởng thành hơn nên vui vẻ nhận lời.
Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm, ông Hồng mới hiểu để trở thành người đại diện đúng nghĩa của hàng ngàn công nhân không hề dễ dàng. Ông kể có lần đang tham gia hướng dẫn về an toàn lao động cho công nhân mới, thấy họ lúi húi ghi chép nên xuống xem thử.
Lúc ấy, ông phát hiện công nhân đang ký cam kết không sinh con trong thời gian một năm ký hợp đồng lao động. Điều đáng nói là không một ai thắc mắc về nội dung bản cam kết bởi phần lớn không biết đó là quy định trái luật.
“Dù sau đó đã thương lượng với ban giám đốc để bãi bỏ quy định này nhưng tôi vẫn rất trăn trở. Trong nhiều trường hợp, công nhân không hề hay biết mình bị xâm phạm quyền lợi, thậm chí đôi khi doanh nghiệp cũng không biết mình sai. Vì vậy, trách nhiệm của người làm công việc công đoàn rất lớn. Đó cũng chính là lý do khiến tôi luôn kiên trì mỗi khi thương lượng quyền lợi cho công nhân, dù chỉ là mấy chục ngàn đồng tiền phụ cấp” – ông Hồng chia sẻ.
Và ở lần sắp tăng lương vào tháng 7 tới đây, theo ông Hồng, “người lao động rất mong Thủ tướng xem xét lại việc điều chỉnh tăng lương của lần này sao cho thật sự tăng ít nhất 6% hay không?”.