(VNTB) – Câu lạc bộ HAGL đã nộp đơn tố cáo cầu thủ Martin Dzilah vì cầu thủ này đã dám “kiện đội bóng phố Núi lên FIFA để đòi số tiền đền bù 29.000 USD”
Hồi tháng 2, khi cầu thủ Martin Dzilah (người Ghana) bị chấn thương nặng và không thể tiếp tục thi đấu tại V-League thì câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) quyết định thanh lý hợp đồng với cầu thủ này. Phía HAGL yêu cầu Dzilah ký xác nhận đã nhận đủ tiền đền bù là 20.000 USD rồi sẽ chuyển khoản sau, nhưng rốt cuộc thì câu lạc bộ Việt Nam không chuyển tiền.
Cầu thủ Martin Dzilah đã nộp đơn kiện ra FIFA, và Liên đoàn Bóng đá Thế giới đã xử HAGL thua vì câu lạc bộ này đã không phản hồi đúng thời hạn, không cung cấp được tài liệu chứng minh. Câu chuyện chỉ là tranh chấp dân sự giữa hai bên, theo dạng nhân viên đòi lương công ty. Nhưng câu lạc bộ phía Việt Nam lại có một bước đi khó tin, đó là đưa vụ việc ra công an, kiện ngược lại cầu thủ của mình. (1)
Theo thông tin báo chí trong nước thì câu lạc bộ HAGL đã nộp đơn tố cáo cầu thủ Martin Dzilah vì cầu thủ này đã “kiện đội bóng phố Núi lên FIFA để đòi số tiền đền bù 29.000 USD”. Phía HAGL cho rằng Dzilah “vu khống” và sở dĩ HAGL không chuyển hồ sơ cho FIFA kịp thời hạn là do “bị lỡ email”. Ngày 7/10 công an tỉnh Gia Lai đã gửi giấy triệu tập cho cầu thủ này.
Lý do “lỡ email FIFA” của HAGL đưa ra khiến nhiều người khó lòng chấp nhận được. Là một câu lạc bộ chuyên nghiệp thì phải tuân thủ đúng luật FIFA, phải có bộ phận tiếp nhận mail, giải quyết tranh chấp. Thử hỏi email của Liên đoàn Bóng đá Thế giới mà HAGL không đọc, để rồi phải đứng trước nguy cơ đền hợp đồng, cấm chuyển nhượng thì thật vô lý.
Một số người dân thậm chí còn cho rằng cầu thủ người Ghana đã bị HAGL lừa ký giấy nhận tiền rồi phủi tay. Bây giờ đưa công an vào cuộc, cấm Dzilah xuất cảnh để gây áp lực buộc cầu thủ này phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để được tự do.
Cách hành xử này không lạ ở Việt Nam. Mối quan hệ của cầu thủ và câu lạc bộ bóng đá cũng giống quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp. Khi ký hợp đồng lao động thì hai bên sẽ phải tuân thủ đúng hợp đồng, đây là chuyện ở các nước phát triển. Nhưng người lao động Việt Nam thì luôn luôn đứng ở thế yếu trong các tranh chấp về tiền lương, vì pháp luật Việt Nam nằm trong tay những kẻ nhiều tiền. Khi người lao động bị chèn ép, trừ lương, huỷ hợp đồng, thậm chí giật lương thì cũng chẳng biết kiện ai, vì kiện thì lại tốn tiền luật sư, tốn thời gian, mà khả năng cao là thua nhiều hơn thắng.
Cầu thủ Dzilah được FIFA xử thắng là do được luật quốc tế bảo vệ, nhưng tại Việt Nam thì vẫn không thắng nổi cường quyền. Còn người lao động Việt Nam thì đâu có tổ chức quốc tế nào bảo vệ. Cùng lắm thì có “công đoàn”, nhưng công đoàn thì lại là cánh tay nối dài của đảng, tiếp tay cho doanh nghiệp bóc lột sức lao động người dân. Dân đi kiện công ty thì có khi lại bị phạt ngược lại.
Không quá khó để mường tượng kết cục của vụ Dzilah và câu lạc bộ HAGL. Có lẽ các cầu thủ, nhân sự ở nước ngoài cần phải nghiên cứu kỹ cách hành xử của những doanh nghiệp tại Việt Nam để khỏi bỡ ngỡ. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu nhà cầm quyền tiếp tay, bao che cho doanh nghiệp thì rất khó thu hút nhân tài, nhất là các doanh nghiệp lớn cần nhân sự giỏi trên thế giới.
Riêng bóng đá, nếu chèn ép các cầu thủ thì chúng ta sẽ khó lòng tuyển mộ ngoại binh, nâng cao chất lượng bóng đá trong nước. Nếu xử không khéo vụ Dzilah và HAGL này thì sẽ gây một ấn tượng xấu với quốc tế về bóng đá Việt Nam cũng như hệ thống pháp luật, công an trong nước.
Rồi thì ai dám sang Việt Nam làm việc, thi đấu nữa?!
_____________________
Tham khảo: