Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bị kỷ luật Đảng là đồng nghĩa vi phạm pháp luật?

Lê Thanh Hải

Hà Nguyên

(VNTB) – Các đảng viên Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang… bị kỷ luật đảng, nhưng về “mặt chính quyền” lại vô can.

Hệ thống văn bản pháp luật ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có các luật như luật biểu tình, luật về quyền lập hội, luật về đảng chính trị…

Tuy chưa có luật về đảng chính trị, song có một nguyên tắc, hễ một viên chức là đảng viên đảng cộng sản bị đảng thi hành mức kỷ luật, thì người ấy dễ được coi là vi phạm pháp luật nào đó được quy định trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam – dĩ nhiên ở đây cũng có nhiều loại trừ như các đảng viên Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang… bị kỷ luật đảng, nhưng về “mặt chính quyền” lại vô can.

Tại cuộc họp giao ban báo chí quý 3 của cơ quan Tổng liên đoàn lao động Việt Nam vào chiều 22-9, ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch Tổng liên đoàn khi đề cập đến vụ việc ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng, có nói thế này (trích):

“Việc đi đến một hình thức xử lý kỷ luật của Đảng là theo điều lệ Đảng, theo quy trình và cách làm của Đảng. Tổng liên đoàn tôn trọng quyết định ấy của tổ chức Đảng.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật và của Đảng, sau khi xử lý về Đảng sẽ tiếp tục xử lý về mặt chính quyền, và việc này đang tiếp tục xử lý theo quy định. Tôi hôm nay chưa nói được vì đang trong quá trình thực hiện, nhưng vài hôm nữa sẽ trao đổi đầy đủ hơn”.

Trước đó, ngày 18-9, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối đại học, cao đẳng TP.HCM đã công bố quyết định kỷ luật, và thông báo kết luận của Ban thường vụ Đảng ủy khối về việc xem xét, xử lý kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (đang bị tạm đình chỉ chức vụ hiệu trưởng).

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng đã quyết định đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, ban chấp hành đối với ông Lê Vinh Danh. Căn cứ vào quyết định này, ngày 25-8, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định đình chỉ chức vụ hiệu trưởng 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh.

Như vậy, quả thật đúng như lời của ông Trần Thanh Hải – người từng có thời gian được Liên đoàn lao động TP.HCM phân công ông sang giữ chức Tổng biên tập báo Người Lao Động, thì mọi chuyện liên quan đến chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được phía Đảng xử trí mà không cần căn cứ vào Luật Giáo dục đại học; và tiếp theo đó, dường như theo lời của ông Trần Thanh Hải, Đảng đã yêu cầu chính quyền TP.HCM ‘đồng bộ’ xử trí ông Lê Vinh Danh, tránh tình cảnh sắp tới đây là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong vụ việc này.

Từ vụ việc cụ thể nêu trên, cho thấy nhân chuẩn bị nhiệm kỳ mới của Đảng và của Quốc hội Việt Nam, cần thiết đặt vấn đề nghiêm túc trong các văn kiện chính trị về luật đảng chính trị. Theo đó, để đáp ứng  yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi Việt Nam phải đổi mới chính trị, đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước có hiệu quả.

Để làm được điều trên từ vị trí của một quốc gia đi sau, chúng ta cần tự tin nghiên cứu sự tham gia của các đảng chính trị, các tổ chức xã hội ở một số nước trên thế giới vào hoạt động kiểm soát quyền lực nhà nước, qua đó có thể rút ra một số kinh nghiệm cho Việt Nam.

Nếu chúng ta chọn tham khảo Trung Quốc, vì Trung Quốc cũng là nước xã hội chủ nghĩa, nhưng pháp luật của họ cho phép nhiều đảng chính trị được hoạt động. Tuy nhiên, các đảng đó phải chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Thay vì tranh giành ảnh hưởng, hợp tác nhiều đảng được coi là đặc điểm đặc thù của hệ thống chính trị – xã hội Trung Quốc.

Ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền, 8 đảng khác hoạt động với mục đích tồn tại cùng nhau, giám sát lẫn nhau và “giám sát dân chủ” đối với các cơ quan nhà nước, vì lợi ích của đất nước, nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động của các đảng chính trị ở Trung Quốc mờ nhạt, không có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống chính trị – xã hội. Vì vậy, vấn đề các đảng phái chính trị kiểm soát quyền lực nhà nước ở Trung Quốc thực chất không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn.

Trường hợp chúng ta vẫn trung thành với chủ nghĩa cộng sản và chọn tham khảo Hoa Kỳ thì sao?

Giáo trình mà sinh viên trường luật được học cho biết như sau, Hoa Kỳ có hàng trăm đảng chính trị cùng hoạt động. Tuy nhiên, trong lịch sử nước Mỹ chỉ có đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà là thay nhau cầm quyền và việc cầm quyền được thông qua các cuộc bầu cử cạnh tranh quyết liệt, còn lại các đảng khác chỉ có thể tham gia vào đời sống chính trị – xã hội ở một mức độ hạn chế.

Mặc dù các đảng chính trị luôn cạnh tranh với nhau nhằm giành quyền kiểm soát bộ máy nhà nước, nhưng họ vẫn cùng nhau chia sẻ những cam kết chung và những giá trị cơ bản của xã hội: đó là chế độ nhà nước cộng hòa, tôn trọng Hiến pháp và các nguyên tắc của nó.

Hiến pháp, pháp luật ở Mỹ buộc mọi đảng chính trị, kể cả đảng cầm quyền, nhóm lợi ích phải tuân thủ, thực hiện pháp luật, hoạt động cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng và sự ủng hộ của cử tri phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, của “luật chơi” đã thoả thuận. Mọi vi phạm đều xử lý theo quy định của pháp luật. Pháp luật tạo cơ sở pháp lý cho các đảng chính trị đấu tranh giành và kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vì sao cần tạm hoãn phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án “tịnh thất Bồng Lai”?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Làm luật ở Việt Nam

Phan Thanh Hung

VNTB – Thực hiện theo yêu cầu bạn đọc: Cho vay tiền để bài bạc có vi phạm pháp luật không?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.