Lynn Huỳnh
(VNTB) – Có tin 120 người Việt mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc qua sân bay Yangyang.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không phủ nhận thông tin trên, nhưng cho rằng con số ở đây là gần 100 người. “Về việc này, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng Hàn Quốc xác minh, tìm hiểu thông tin về vụ việc.
Thông tin ban đầu cho biết có khoảng 100 công dân Việt Nam mất liên lạc sau khi nhập cảnh Hàn Quốc với mục đích du lịch qua sân bay quốc tế Yangyang tỉnh Gangwon. Do đó những hãng bay và các công ty du lịch có liên quan phải tạm dừng đưa khách du lịch đến đảo Yangyang của tỉnh Gangwon đến hết ngày 31-10” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết như vậy.
Theo quy định có hiệu lực từ 1-6-2022 tới 31-5-2023, khách du lịch Việt Nam theo đoàn 5 khách trở lên nhập cảnh tại sân bay quốc tế Yangyang theo công ty du lịch, được chỉ định sẽ được hưởng chính sách miễn visa của tỉnh Gangwon, với thời gian lưu trú tối đa 15 ngày.
Tuy nhiên bất ngờ vào hôm 22-10-2022, Fly Gangwon – hãng hàng không đang khai thác đường bay thẳng duy nhất từ Việt Nam đến sân bay Yangyang – ra thông báo tỉnh Gangwon tạm thời ngưng cấp thị thực cho người Việt nhập cảnh vào sân bay Yangyang đến hết tháng 10.
Lý do tạm dừng là để sắp xếp lại công tác quản lý và cấp visa cho người Việt nhập cảnh tại sân bay Yangyang sau hơn 4 tháng thử nghiệm đón khách Việt đến đây với chính sách miễn visa.
Gangwon là một tỉnh miền núi phía Bắc của Hàn Quốc, cách thủ đô Seoul 110 km. Nơi này từng đăng cai Thế vận hội mùa đông 2018 và là nơi có khung cảnh rất đẹp khi tuyết rơi. Đây là điểm đến mùa đông nổi tiếng ở Hàn Quốc nhưng chưa được nhiều du khách Việt biết tới.
Chính quyền Gangwon gần đây thực hiện nhiều chương trình xúc tiến du lịch tại Việt Nam, kết hợp với các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM…
Trở ngược thời gian.
Từ khi Việt Nam bị cuốn theo cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra từ năm 2008 đến nay thì việc làm ăn kinh tế ở trong nước đã khó, lại các khó khăn hơn. Trong khu vực, có Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá cao nhất về nhập khẩu lao động từ nước ngoài đến làm việc.
Trước đây, thì chính phủ Hàn Quốc cũng nhận số lượng lớn người Việt sang làm việc. Tuy nhiên, do số người Việt sang lao động dù đã hết hạn và kết thúc hợp đồng nhưng lại không chịu về nước, khiến cho sau này việc đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc được coi là còn khó hơn cả việc thi đại học tại Việt Nam.
Từ năm 2018, do nhiều yếu tố tác động mà người ta vẫn thường nói là “mưa thuận gió hòa”, chính phủ Hàn Quốc đã có chính sách cực kỳ ưu ái cho người Việt đó là cung cấp visa Hàn Quốc 5 năm cho người Việt thuộc hộ khẩu 3 thành phố lớn là: Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng từ đây, người Việt dựa vào việc đi du lịch Hàn Quốc rồi trốn ra ngoài làm việc bắt đầu xảy ra.
Một dẫn chứng: ông Nguyễn Văn Dương quê Quốc Oai, Hà Nội đi lao động Hàn Quốc từ năm 2006 theo Chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS).
Ông Dương chọn Hàn Quốc bởi mức thu nhập cao, nếu chẳng may gặp rủi ro, tai nạn lao động thì các công ty Hàn Quốc hỗ trợ mức bảo hiểm khá cao. Khi mới sang, ông Dương làm công nhân may ghế ôtô với mức lương tương đương gần 1.000 USD mỗi tháng. Năm 2012, hết hạn hợp đồng phải về nước nhưng ông vẫn ở lại, trở thành lao động bất hợp pháp với đủ ngành nghề, từ bốc vác, lau chùi máy móc đến thợ cơ khí.
Ông Dương cho hay, những công việc này đều không được đóng bảo hiểm xã hội, chịu rủi ro lớn nhưng thu nhập cao hơn. Khi còn làm hợp đồng trong công ty, mỗi tháng ông nhận được hơn 1.000 USD. Thời điểm kinh tế Hàn Quốc suy thoái, thu nhập giảm chỉ còn khoảng 500 USD. Nhưng khi ra ngoài làm, số tiền nhận được từ 1.700 USD trở lên.
“Cùng lao động ba năm nhưng chỗ được 500 triệu, chỗ được 200 triệu thì lẽ đương nhiên là nhìn vào nơi 500 triệu”, ông Dương nói và lý giải, chế độ đãi ngộ trong các công ty ở nước sở tại khá tốt, song có một số công ty chỉ làm giờ cơ bản, không cho làm thêm. Trong khi nhiều lao động Việt Nam thích làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập nên tìm cách trốn ra làm ngoài.
Cuối năm 2015, ông Dương bắt buộc phải về nước trong một đợt truy quét lao động bất hợp pháp. Trên chuyến xe ra sân bay có hơn 30 lao động đến từ nhiều nước, riêng Việt Nam có 8 người.
Giờ thì ông Dương làm thợ cơ khí trong một công ty liên doanh gần nhà với mức thu nhập chỉ bằng 1/4 so với khi còn đi làm ngoài ở Hàn Quốc.
Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp với mức lương từ gần 1.500-2.500 USD/tháng tùy lĩnh vực và tay nghề.
Trong năm 2022, có 1.285 chỉ tiêu lao động trong ngành nông nghiệp và 1.085 lao động trong ngành ngư nghiệp đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của quốc gia này.