VNTB – Sức ép trong 2 tháng Việt Nam ngồi chiếc ghế chủ tịch HĐBA LHQ

VNTB – Sức ép trong 2 tháng Việt Nam ngồi chiếc ghế chủ tịch HĐBA LHQ

 

Lynn Huỳnh

 

(VNTB) – Ngày 12/12, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế về việc Việt Nam chính thức đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Mẫu câu quen thuộc về ‘đảng và nhà nước’ tại buổi họp báo được thứ trưởng Lê Hoài Trung phát biểu: “Với việc tham gia HĐBA LHQ, Việt Nam có thể có cơ hội quan trọng để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước là thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa và Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Trong nhiệm kỳ làm Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam có 2 tháng làm chủ tịch Hội đồng vào tháng 1/2020 và tháng 4/2021. Nói cho rõ, chức vụ chủ tịch HĐBA LHQ chỉ kéo dài một tháng và được bổ nhiệm luân phiên, đảm nhiệm những công việc như thiết lập nghị trình, chủ tọa các buổi họp và xem xét, đôn đốc khi xảy ra khủng hoảng. Chức vụ này được bổ nhiệm theo thứ tự trên bảng chữ cái tên của các thành viên bằng tiếng Anh.

Câu hỏi đặt ra là đảng và nhà nước Việt Nam sẽ ‘tranh thủ’ để thể hiện mình ra sao trong tháng đầu tiên của năm 2020 tại HĐBA LHQ? Giả dụ như Trung Quốc lại ngang ngược kéo những dàn khoan dầu vào vùng lãnh hải của Việt Nam, thì liệu vị chủ tịch HĐBA LHQ sẽ ‘thúc đẩy hòa bình’ – như lời của thứ trưởng Lê Hoài Trung ở hôm họp báo 12/12, ra sao?

Tháng 4/2021 mới thực sự là thời gian để – nói như than vãn của Hồ Tôn Hiến qua ngòi bút của thi hào Nguyễn Du: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Theo như lời mở đầu của văn bản có tên Chỉ thị số 35-CT/TW của Ban chấp hành trung ương đảng, do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, thì: “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại của đất nước. Đại hội tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2015 – 2020 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo và bầu Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 – 2026”.

Đại hội đại biểu toàn quốc của đảng cộng sản Việt Nam được tổ chức 5 năm một lần, nó được ví như một ngọn hải đăng của hệ thống chính trị một đảng tại Việt Nam.

Mỗi lần đại hội, đảng lại nỗ lực ‘trình làng’ một thế hệ lãnh đạo mới chất lượng mang đậm hàm ý ‘đổi mới’.

Như vậy, vào tháng 4/2021, khi mà Quốc hội Việt Nam chưa bước vào kỳ nhóm họp đầu tiên của năm, có nghĩa nội các của nhiệm kỳ mới của chính phủ chưa được thành lập, thì chiếc ghế chủ tịch HĐBA LHQ mà Việt Nam lại ngồi vào lần thứ hai, sẽ là phép thử của thế hệ lãnh đạo mới của đảng cộng sản Việt Nam.

Nghĩ mình phương diện quốc gia

Quan trên trông xuống, người ta trông vào”.

Ông quan Hồ Tôn Hiến biết ngượng, biết xấu hổ.

Một Việt Nam đa phương hóa trong kinh tế và trong chính trị sẽ ra sao, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ, chờ đợi.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)