Nguyễn Thiện Nhân
(VNTB) – Triết gia St. Augustine nói: “Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?”. Trời đất như tối đen, cánh cửa công lý đóng sập lại, niềm tin đã mất hoàn toàn khi những lá đơn kêu cứu gửi đến Bí thư Đinh La Thăng vẫn không có hồi đáp.
UBND Quận Bình Thạnh vừa gửi quyết định cưỡng chế thêm 12 hộ dân nữa, trong tổng số 138 hộ ở khu đất cạnh Sài Gòn Pearl để giao cho Công ty Vinh Phát xây nhà cao tầng kinh doanh siêu lợi nhuận, mặc cho các hộ dân đã gửi đơn khiếu kiện và kêu cứu khắp nơi.
Điều đáng nói là chính quyền Bình Thạnh vi phạm nghiêm trọng Luật đất đai 2003 và Nghị định 197/2004/NĐ-CP của chính phủ. Các hộ hộ đã sử dụng đất ổn định, không tranh chấp từ trước 1990. Vì vậy, chiếu theo pháp luật, các hộ dân phải được bồi thường theo giá thị trường, nhưng thực tế phần thổ cư chỉ bồi thường 60% giá đất 2009 còn phần đất nông nghiệp thì không bồi thường. Kết quả, tiền bồi thường chỉ bằng 17 – 20% giá thị trường, không đủ cho các hộ dân di dời ổn định chỗ ở mới.
Những việc làm bất minh và phi pháp của UBND Quận Bình Thạnh đã được VNTB phanh khui qua hai bài viết:
– Bình Thạnh – Tp.HCM ức hiếp dân oan: Trăm tỷ chênh lệch chui vào đâu?
– Chính quyền vi phạm luật trong bồi thường, cưỡng chế dân Phường 22, Quận Bình Thạnh: Bí thư Đinh La Thăng làm gì?
Thủ đoạn “chia nhỏ để cướp”
Nếu làm đúng theo pháp luật thì nhà đầu tư sẽ gặp gỡ tất cả 138 hộ dân để thông báo kế hoạch và thương lượng giá bồi thường. Nhưng vì chủ đích cướp đoạt, nên chủ đầu tư đã giấu mặt, thay vào đó chính quyền ra mặt dùng thủ đoạn tinh vi để cướp đất giao cho nhà đầu tư kinh doanh.
Câu hỏi được đặt ra là 29 nhà liền kề có đến 25 hộ không đồng ý, tại sao đợt này chỉ cưỡng chế 12 hộ?
Đó chính là vì chính quyền làm sai luật nên bị đa số hộ dân phản kháng, vì vậy phải chia nhỏ các hộ dân và dùng lực lượng hùng hậu để trấn áp, cưỡng chế từng phần.
Tổng thể dự án kinh doanh nhà ở cao tầng có 138 hộ bị thu hồi đất. Thủ đoạn của chính quyền là chia nhỏ 138 hộ ra nhiều phần để vận động và cưỡng chế riêng lẻ, cướp từng phần một. Lần gần nhất là tháng 12/2015, chính quyền tổ chức đoàn cưỡng chế cả trăm người đập nát dãy nhà 30 căn, đẩy dân ra đường trong đó có nhiều hộ không đồng ý giá bồi thường, chưa nhận bồi thường và chưa có nhà ở mới, họ bỗng chốc trở thành những kẻ vô gia cư vì bị chính quyền cấu kết với trọc phú cướp nhà đất.
Hiện còn dãy nhà liền kề 29 hộ chưa bị cưỡng chế, trong đó có 3/29 hộ đồng ý giao mặt bằng, 1/29 hộ đồng ý giao kèm điều kiện tái định cư, 25/29 hộ không đồng ý. Vẫn mưu kế cũ, chính quyền “chia nhỏ” 29 hộ ra để cưỡng chế từng phần. Theo quyết định của UBND Quận Bình Thạnh mà 12/29 hộ vừa nhận được, thời gian cưỡng chế thu hồi đất từ ngày 12 tháng 11 năm 2016 đến ngày 30 tháng 11 năm 2016.
Lập bầy đàn đối phó sự phản kháng của người dân
Hơn 10 hộ dân bị thu hồi đất đã phản kháng mạnh mẽ, họ trương biểu ngữ trước cổng khu phố để kêu cứu và tố cáo ông Hoàng Song Hà-Chủ tịch UBND Quận Bình Thạnh.
Để đối phó với sự phản kháng của người dân, ngày 3.11.2016 UBND Phường 22 ra một thư mời đại diện của 16 hội đoàn để họp bàn cách “vận động” các hộ dân giao mặt bằng.
Các hộ dân cho biết họ sẵn sàng giao mặt bằng để di dời nếu được bồi thường thỏa đáng, nhưng thực tế giá đền bù chỉ bằng 17-20%, thiệt thòi cho dân quá lớn.
Những năm qua, “ban vận động” không tuân thủ pháp luật, nhiều lần ép người dân nhận bồi thường giá rẻ mạt để lấy đất giao cho công ty Vinh Phát kinh doanh. Người dân yêu cầu được gặp Công ty Vinh Phát (chủ đầu tư) nhưng đều bị chính quyền phớt lờ. Ông Trương Văn Chẳng cho biết ông bị chính quyền đe dọa, ép nhận tiền bồi thường và di dời.
Phải chăng dưới chế độ một đảng cai trị, các lãnh đạo chính quyền đều là đồng đảng nên dính líu quyền lợi, bao che nhau, những hội đoàn đều răm rắp theo lệnh trên mà không cần biết luật qui định như thế nào? Đại diện 16 hội đoàn hùa vào phối hợp với chính quyền ép dân mà không cần biết làm như thế có vi phạm pháp luật hay không?
Hành động răm rắp theo lệnh từ trên xuống một cách vô cảm đã hình thành nên tính bầy đàn của các hội đoàn do nhà nước quản lý.
Công lý bị giẫm đạp
Bị chính quyền Bình Thạnh cấu kết với trọc phú cướp đất, người dân gửi đơn kêu cứu lên Bí thư Đinh La Thăng. Nhiều lá đơn gửi đi nhưng vẫn bặt tăm, không thấy hồi đáp. Phải chăng Bí thư Thăng đang đồng lõa với tội ác?
Ở Tp.HCM rất nhiều vụ cưỡng chế đất oan nghiệt, kết quả là nhiều người dân thấp cổ bé họng bị hất khỏi thành phố phồn hoa do nhà đất bị trọc phú bắt tay quan chức cướp mất. Cụ thể, nóng lên mấy ngày qua là vụ cưỡng chế ở Chung cư Cô Giang và vụ người dân Thủ Thiêm lê thân đi khiếu kiện lên trung ương vì bị thu hồi nhà đất.
“Quan luôn thắng dân và không ít cán bộ thù lâu, nhớ dai” là thực trạng xã hội hiện nay, được Đại biểu quốc hội Chu Sơn Hà nói ra ngày 27.10.2016.
Ở khắp nơi trên cả nước, dân oan mất đất ngày một đông. Những lá đơn khởi kiện ra tòa án đều bị tòa xử kiểu “quan thắng, dân thua”. Và những lá đơn gửi đến thanh tra nhà nước đều bị hứa hẹn, giải thích vòng vo rồi ngâm giấm. Còn những nơi khác thì đều chuyển về bộ phận tiếp dân của nơi gây ra oan ức.
Dân oan mất đất là nạn nhân của chế độ tự xưng “của dân, do dân, vì dân”, thực tế thì ngược lại hoàn toàn. Hàng nghìn người kêu khóc rồi sải bước đi tìm công lý từ năm này qua năm khác, nhưng chỉ thấy oan nghiệt.
Câu nói nổi tiếng của triết gia St. Augustine: “Nếu không có công lý, nhà nước sẽ là gì nếu không phải là một băng cướp có tổ chức?”
Vâng, chính là băng cướp có tổ chức, phải gọi thẳng thừng như thế!