Hồng Dân
(VNTB) – 80 người dân cùng rủ nhau đi bộ đến trụ sở chính quyền xã để đòi tiền hỗ trợ Covid, để rồi sau đó một số người bị bắt ở tù, cải tạo không giam giữ.
Vụ án đã được xét xử phiên sơ thẩm hôm 21-3-2022. Có thể tóm tắt như sau: ngày nọ, ông Ngô Văn Đực nảy sinh ý định muốn rủ những người đang sinh sống tại xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cùng nhau đi tuần hành để chính quyền xã hỗ trợ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
Ông Đực đến cơ sở mai táng gần nhà xin tấm vải màu trắng lớn rồi dùng sơn xịt màu đen viết lên tấm vải với nội dung: “Nhân dân xã Tân Lý Tây cần hỗ trợ gấp”. Sau đó, ông Đực thông báo đến những người dân cư trú gần nhà, hẹn 7 giờ ngày 4-10 tập hợp tại nhà Đực để cùng đi đến trụ sở ủy ban nhân dân xã Tân Lý Tây. Đến thời gian đã hẹn, có khoảng 40 người đến nhà Đực.
Ông Đực quấn tấm băng-rôn vào 2 thanh tre rồi giao cho 2 người trong nhóm cầm đi phía trước đoàn người. Ngoài 40 người tham gia lúc xuất phát, trên đường đi có thêm khoảng 40 người nhập vào đoàn.
Lãnh đạo UBND xã Tân Lý Tây mời tất cả vào hội trường nhà văn hóa của xã để làm việc.
Hội đồng xét xử nhận định ông Đực là người khởi xướng, chuẩn bị công cụ phạm tội, rủ rê và trực tiếp thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng với vai trò chủ chốt. Các bị cáo Nguyễn Văn Phước, Lâm Minh Tuân và Nguyễn Hoàng Tuấn tham gia giúp sức cho ông Đực mang tính chất bột phát, không có sự câu kết, phân công chặt chẽ từ trước với ông Đực nên đây là vụ án có đồng phạm thuộc trường hợp đơn giản.
Tòa tuyên phạt bị cáo Ngô Văn Đực 7 tháng tù, Nguyễn Văn Phước và Lâm Minh Tuân mỗi người 4 tháng tù, riêng Nguyễn Hoàng Tuấn 9 tháng cải tạo không giam giữ.
Tình tiết đơn giản của vụ án kể trên cho thấy đây là một hành vi của quyền biểu tình để đòi hỏi được nhận hỗ trợ an sinh từ các chính sách liên quan được Đảng và Nhà nước đưa ra trong thời gian dịch giã. Nếu hình sự hóa một quyền hiến định như vụ việc trên cho thấy cần phải có Luật biểu tình để người dân có hành lang pháp lý trong thực hiện quyền hiến định.
Sở dĩ có thể nhìn nhận bản án ở trên là hình sự hóa một quan hệ dân sự, vì pháp luật hình sự tội “Gây rối trật tự công cộng”, được hiểu là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
Điều 318 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về “Tội gây rối trật tự công cộng”, theo đó người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nơi công cộng là nơi phục vụ chung cho nhiều người: như quảng trường, công viên, đường phố,…
Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Hậu quả có thể là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.
Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xóa án tích.
Như vậy với thực tế là trước khi diễn ra việc tuần hành đòi quyền lợi này, các ông Ngô Văn Đực, Nguyễn Văn Phước, Lâm Minh Tuân và Nguyễn Hoàng Tuấn đều chưa lần nào “bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này”, thì việc xử với các mức án tù giam, cải tạo không giam giữ, có lẽ chỉ mang đến tác dụng là khiến dân chúng sợ hãi không dám lên tiếng đòi hỏi quyền lợi an sinh nữa ở mai này nếu dịch giã lại khiến phải phong tỏa, giãn cách.