VNTB – Biển thủ ‘tiền công đức’: chưa có vụ án nào ở Việt Nam

VNTB – Biển thủ ‘tiền công đức’: chưa có vụ án nào ở Việt Nam

Phạm Lê Đoan

(VNTB) – Biển thủ ‘tiền công đức’ ở Việt Nam vẫn dừng ở mức nghi vấn, dù đã từng có vụ việc cụ thể xảy ra.

 

‘Vụ trộm’ xảy ra tháng 12-2013 khi ban quản lý đền Hoàng Mười tổ chức đếm tiền công đức cuối năm.

Do tiền công đức ở đây khá lớn nên UBND xã Hưng Thịnh cử thêm một số cán bộ tài chính, thủ quỹ phối hợp với Ban quản lý để đếm tiền. Trong lúc mọi người đang đếm tiền, ông Nguyễn Đình Tường, phó ban quản lý phát hiện ông Dương Ngọc Hải (cán bộ ban tài chính xã) giấu một gói tiền trong người đem đến vùi dưới chăn trên một chiếc giường trong phòng đếm tiền.

Ngay sau khi ông Tường phản ánh, ban quản lý lập biên bản và tiến hành kiểm tra. Tổng số tiền trong gói tiền bị trộm là 20 triệu đồng. Ban quản lý tổ chức kiểm điểm, ông Hải thú nhận “đã bàn với một số anh em cất số tiền này để tết uống rượu”. Sau đó ông Hải bị UBND xã kiểm điểm tiếp và đình chỉ việc đếm tiền thường niên ở đền Hoàng Mười.

Trước đó, tháng 6-2013, sau vụ ban quản lý cũ thuê xe chở bảy bao tiền công đức đi thuê doanh nghiệp Trung Long ở thành phố Vinh đếm bị phát hiện, UBND xã Hưng Thịnh giải tán ban quản lý cũ, thành lập ban quản lý mới. Hai hòm công đức cũng được thay bằng két sắt.

Bắt đầu từ năm 2014, đền ông Hoàng Mười tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, đã thay ban quản lý mới, trung bình mỗi năm nộp ngân sách 11 tỷ đồng. Trong khi đó, từ năm 2002 – 2013, tổng số tiền ngân sách đền ông Hoàng Mười nộp là 1,5 tỷ. Số tiền nộp mỗi năm chênh lệch hàng trăm lần khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của ban quản lý cũ, cũng như việc quản lý tiền công đức.

Phía ban quản lý cũ đưa ra lời giải thích: bảy bao tiền nêu trên không phải tiền công đức, mà gọi là tiền hành sai, tức tiền của người đi lễ để trên bàn thờ hoặc trên các con thú quý trong đền. Số tiền này dùng để chi tiền công cho người lau tro, quét bụi, thay nước… và trả công cho anh em trong ban quản lý vì 5% trong tổng tiền công đức không đủ.

Mười năm trước, tháng 6-2013, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết chỉ tính ở dịp lễ đầu năm, một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên chùa Hương đã thu được 6 tỷ đồng tiền lẻ. Với số tiền khổng lồ đó, nhà chùa không có khả năng kiểm đếm, buộc phải nhờ đến một chi nhánh ngân hàng ở địa phương đếm suốt một ngày mới xong.

Chuyện nhà chùa, nhà đền phải nhờ đến ngân hàng hay các công ty kiểm đếm tiền lẻ như vụ việc ở đền Hoàng Mười lúc đó không còn là chuyện lạ.

Như lời kể của ông Đào Minh Tú, chùa Hương (Hà Nội) dịp lễ đầu năm, người nhà chùa cứ cách giờ lại phải mang bao tải đi thu nhặt tiền lẻ được đặt trên các mâm cúng, voi chầu, bệ thờ… Hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh), giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ)… đều lâm vào tình cảnh bị tắc nghẽn vì tiền lẻ. Đến nỗi nhiều năm nay, ban quản lý di tích đền Hùng đã phải làm một tấm lưới chặn tránh việc tiền lẻ rơi xuống giếng nước.

Rồi kể từ khi đền Trần (Nam Định) phục hồi nghi lễ rước kiệu ấn quanh hồ thì quan khách cũng có thói quen mới là ném tiền lẻ vào kiệu ấn lấy may. Cứ đến giờ kiệu ấn đi qua, hàng trăm khách mời có thẻ – chủ yếu là quan chức và người nhà – chen lấn để ném tiền. Thậm chí lực lượng an ninh bảo vệ cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách tập hợp tiền lại rồi vò thành nắm lớn ném vào kiệu ấn.

Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách hành hương không chỉ nhét tiền lẻ vào tay, vào nếp áo mà còn nhét vào tai tượng Phật. Bất cứ chỗ nào có thể nhét tiền đều được tận dụng tối đa. Ngay tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) cũng phải chứng kiến cảnh du khách rải tiền lẻ cầu may trắng cả mái nhà Thái học.

Mười năm trước, tiền giọt dầu đặt trên các đĩa ở bệ thờ, nhét vào các địa điểm được coi là linh thiêng trong các chùa ở miền Bắc dù chỉ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, ít khi vượt quá 5.000 đồng nhưng khi “tập kết” lại không hề là con số nhỏ. Và số bạc này ở năm 2023, chắc rằng con số còn gấp bội, khi mệnh giá thấp nhất hiện nay cho tiền giọt dầu là 2.000 đồng.

Không xảy ra chuyện biển thủ nào những khoản tiền trên, gần như là điều… không tưởng, bởi, quan sát các đại án tham nhũng đã, đang bị bóc gỡ cho thấy các đối tượng đã lợi dụng triệt để kẽ hở luật pháp để trục lợi.

Điều này dễ dàng nhận thấy qua vụ án kit-test Việt Á hoặc hàng loạt vụ giao đất trái luật, gây thất thoát tài sản công ở nhiều tỉnh, thành. Ngay cả khi pháp luật hình sự, tố tụng đã quy định kín kẽ nhưng cơ chế giám sát quyền lực đối với người thực thi pháp luật không chặt thì cũng bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.

Vụ án “chuyến bay giải cứu” đang xét xử, dù còn nhiều ẩn khuất, vẫn cho thấy quá rõ điều này.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)