Việt Nam Thời Báo

VNTB – Biết hiệu quả kém, vậy nhập làm gì?

Triệu Tử Long

 

(VNTB) – ‘Hoa hồng’ trong hợp đồng 5 triệu liều vắc xin Sinopharm sẽ nằm trong túi của phe nhóm quyền lực chính trị nào ở Bộ Y tế và chính quyền TP.HCM?

 

Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn được cấp phép nhập khẩu lô vắc xin Covid-19 Sinopharm của Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch.

Số lượng được cấp phép là 5 triệu liều.

Tại Việt Nam, văn phòng đại diện của Sinopharm đã ra đời năm 1993 và xây dựng doanh nghiệp sản xuất liên doanh năm 2003.

Vắc xin Sinopharm được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn từ 2-8 độ C; với thời hạn sử dụng 2 năm. Điều kiện bảo quản và vận chuyển dễ dàng của vắc xin Sinopharm  giảm chi phí vận chuyển và lưu kho, tăng khả năng tiếp cận của vắc xin trên toàn thế giới.

Theo nguồn tin của một công ty quốc doanh tại Indonesia cho biết, mức chi phí khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Trung Quốc tại địa phương dao động tầm khoảng 200.000 rupiah, tương đương 13,6 đô la Mỹ. Với mức chi phí này, vắc xin phòng Covid-19 của Trung Quốc có giá cao hơn vắc xin của Oxford (4 đô la/liều), nhưng lại thấp hơn so với vaccine Moderna (33 đô la/liều).

Như vậy, giả dụ Trung Quốc bán giá theo tình đồng chí với Việt Nam với mức giảm đến một nửa của con số 13,6 đô la Mỹ, tức vào khoảng 6,5 đô la Mỹ/ liều, thì vị chi 5 triệu liều Sinopharm mà Dược Sài Gòn nhập về sẽ ngốn khoản ngoại tệ không hề nhỏ.

Nếu 5 triệu liều Sinopharm này được ‘chích dịch vụ’, chắc hẳn không có nhiều người dân lựa chọn, vì không hẳn chuyện ghét cộng sản Bắc Kinh, mà chủ yếu là tính hiệu quả của loại vắc xin này được kiểm chứng là hiệu quả bị giảm theo thời gian và suy yếu trước biến chủng Delta.

Ông Phùng Tử Kiện, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc hồi tháng 6 vừa qua, nói kháng thể tạo ra từ 2 vắc xin Covid-19 của Trung Quốc ít hiệu quả đối với biến chủng Delta so với các chủng khác, nhưng vắc xin này vẫn giúp bảo vệ. Ông không nói rõ tên của 2 vắc xin.

Giới chuyên gia đang yêu cầu làm rõ thêm thông tin về hiệu quả của vắc xin đối với biến chủng Delta, và liệu liều tiêm thứ ba có cần để tăng cường miễn dịch?.

Indonesia là một trong những nước sử dụng nhiều vắc xin Sinovac. Theo dữ liệu của nhóm nghiên cứu độc lập LaporCovid-19, hơn 130 nhân viên y tế Indonesia đã tử vong vì Covid-19 từ tháng 6 , trong đó 58 ca trong nửa đầu tháng 7. Nhóm nghiên cứu không nêu rõ có bao nhiêu nạn nhân đã tiêm vắc xin đầy đủ nhưng khoảng 95% nhân viên y tế Indonesia đã được tiêm vắc xin.

Thái Lan cũng tình cảnh tương tự với loại vắc xin đến từ Trung Quốc.

Chính phủ Thái Lan đã thừa nhận một biên bản trong đó các quan chức ngầm cho rằng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc không hiệu quả. Tài liệu này cho biết các quan chức Thái Lan bàn bạc phương án phân phối vắc xin Covid-19 của Pfizer, với 1,5 triệu liều sẽ đến trong tháng 7 và 20 triệu liều trong Quý 4/2021.

Theo biên bản cuộc họp, một trong những vấn đề được bàn bạc là tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng nào trong 3 nhóm: người từ 12-18 tuổi; người có nguy cơ như người già, mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai; và nhân viên y tế (đã tiêm 2 liều). Có 16 ý kiến được ghi lại và ý kiến gây tranh cãi nhiều nhất nói rằng: “Ở thời điểm hiện tại, nếu vắc xin Pfizer được tiêm cho nhóm thứ ba, điều đó giống như thừa nhận rằng vắc xin Sinovac không mang lại sự bảo vệ nào…”.

Từ khi biến chủng Delta xuất hiện, đã có nhiều báo cáo về việc các nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, thậm chí nguy kịch và tử vong. Do đó, các bệnh viện tại Thái Lan đã kêu gọi tiêm nhắc liều thứ ba bằng vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna) cho nhân viên y tế vốn trước đó đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Sinovac.

“Chúng tôi thật sự không có cơ sở khoa học hay y khoa hoặc dữ liệu để xác định vắc xin Sinovac có hiệu quả như thế nào trong các ca nhiễm và ca bệnh nặng liên quan biến thể Delta”, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhấn mạnh trong cuộc họp báo hôm 7-7, theo Reuters.

Reuters cho biết thêm hồi tháng trước, giám đốc phụ trách các dịch vụ y tế thuộc Bộ Y tế Singapore Kenneth Mak nói rằng bằng chứng từ những nước khác cho thấy những người được tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac vẫn bị nhiễm.

Singapore bắt đầu cho các phòng khám tư cung cấp dịch vụ tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac từ giữa tháng 6, theo sau việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê chuẩn cho việc dùng khẩn cấp. Tính đến ngày 3-7, có hơn 17.000 người nhận tiêm một liều vắc xin Covid-19 Sinovac, và giới chức cho hay nhu cầu tiêm vắc xin này của Trung Quốc sau đó giảm dần.

Hiện tại, giới chức Singapore đã thông báo người tiêm vắc xin Covid-19 Sinovac không được liệt vào tổng số người đã tiêm vắc xin Covid-19.

Trở lại với kế hoạch nhập khẩu 5 triệu liều vắc xin Sinopharm của Dược Sài Gòn.

Dược Sài Gòn là công ty 100% vốn Nhà nước. Nếu 5 triệu liều vắc xin mua về này không hiệu quả trong ngừa Covid, vậy thì không chỉ ngân sách bị thiệt hại, mà còn là tạo gánh nặng cho ngành y tế khi phải thực hiện việc tiêm ngừa trở lại với những ai đã từng sử dụng Sinopharm.

Trong các hợp đồng làm ăn với các đối tác Trung Quốc luôn có việc trích phần trăm giá trị hợp đồng để gửi tặng bên ký hợp đồng mua, người ta hay gọi đó là ‘hoa hồng’. Vậy thì liệu ‘hoa hồng’ trong hợp đồng 5 triệu liều vắc xin Sinopharm sẽ nằm trong túi của phe nhóm quyền lực chính trị nào ở Bộ Y tế và chính quyền TP.HCM?


Tin bài liên quan:

VNTB – Thiên hạ luận: Sài Gòn đành tạm nghỉ

Phan Thanh Hung

VNTB – Tại sao biến thể Delta lan truyền cực nhanh?

Phan Thanh Hung

VNTB – 25 Du khách Hà Lan bị cách ly ở Việt Nam: khách sạn bẩn, chính quyền địa phương vô dụng

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo