VNTB – Bộ Chính trị ‘họp bất thường’ về vụ ‘tấn công’ Tây Nguyên?!

VNTB – Bộ Chính trị ‘họp bất thường’ về vụ ‘tấn công’ Tây Nguyên?!

Nguyễn Huỳnh

 

(VNTB) – “Đừng để xảy ra tình hình xấu như ở một số nơi ở Tây Nguyên vừa mới đây.”

 

Ngày 16-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét nội dung quan trọng tại Hà Nội.

Về hình thức, cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho ý kiến về Đề án tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết 23 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trước đó, vào sáng ngày 15-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương 6 tháng đầu năm 2023, diễn ra tại Hà Nội. Ở bài diễn văn mang tính chỉ đạo của Tổng bí thư tại Hội nghị này, có đoạn đề cập về vụ ‘tấn công’ 11-6 ở Tây Nguyên:

Chủ động xây dựng các phương án, giải pháp cụ thể để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, số chống đối; nhất là hoạt động tình báo, gián điệp, thâm nhập, tác động chuyển hóa nội bộ, cài cắm nội gián, phá hoại; triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, phương án phòng, chống biểu tình gây rối, gây bạo loạn, khủng bố, bắt cóc con tin, “cách mạng đường phố”, “Cách mạng màu:, và xử lý tình hình phức tạp liên quan đến vấn đề Biển Đông. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị, văn hóa, đối ngoại quan trọng của đất nước, các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đoàn khách, hội nghị quốc tế tại Việt Nam.

Bảo đảm vững chắc an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội, tôn giáo, dân tộc và an ninh, trật tự các địa bàn chiến lược, thành phố lớn, trọng tâm là chủ động phát hiện, tham mưu ngăn ngừa, xử lý từ sớm, ngay tại cơ sở không để phát sinh “điểm nóng” về an ninh, trật tự. Đừng để xảy ra tình hình xấu như ở một số nơi ở Tây Nguyên vừa mới đây”.

Trong diễn văn này, Tổng bí thư kêu gọi, “Tôi tha thiết mong rằng, các đồng chí tiếp tục phát huy vai trò gương mẫu, tiếp tục coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo. Với tinh thần “Còn Đảng thì còn mình”…”.

Ở cuộc họp của Bộ Chính trị hôm 16-6, tin tức cho biết Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong “phát biểu kết luận”, về yêu cầu “quan tâm phát triển toàn diện khu vực miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt coi trọng, có chuyển biến tích cực, bảo đảm để Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đã hình thành cơ chế động viên nhân dân tham gia và dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua đó tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ”.

Cụm từ “khối đại đoàn kết dân tộc” là cách diễn đạt quen thuộc trong cách viết mang tính văn kiện Đảng khi muốn nói về các sắc tộc đang sinh sống ở Việt Nam.

Trong phát biểu kết luận ở cuộc họp Bộ Chính trị, ghi nhận mật độ đề cập đến “khối đại đoàn kết dân tộc” dường như là tâm điểm với việc “Bộ Chính trị khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, là đường lối chiến lược của Đảng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, là quan hệ gắn bó bền chặt giữa Đảng với dân, là niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Là đoàn kết giữa các giai tầng xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước, ngoài nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới”.

Theo lý luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì, “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

Đại đoàn kết là sự nghiệp của toàn dân tộc; chăm lo bồi đắp, bảo vệ, gìn giữ khối đại đoàn kết là trách nhiệm của hệ thống chính trị và của mỗi người dân. Đoàn kết trong Đảng là hạt nhân để xây dựng đoàn kết của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Cụ thể những công việc sắp tới đây cho mệnh lệnh “đại đoàn kết toàn dân tộc” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, theo ghi nhận tại cuộc họp nói trên, là sẽ được “trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 vào tháng 10-2023”…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)