Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Chính trị và Quốc hội Việt Nam đang cùng bế tắc

Thới Bình

 

(VNTB) – Về nguyên tắc thì sắp tới đây Chủ tịch nước Tô Lâm có quyền bãi nhiệm Phạm Minh Chính. Ngược lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có quyền trình Quốc hội bãi nhiệm Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

 

Bộ Chính trị và Quốc hội đang cùng bế tắc

Ngày 19-5, tại Trung tâm Báo chí, Nhà Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì Họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV.

Ông Bùi Văn Cường nói rằng “hiện nay, cơ quan có thẩm quyền chưa giới thiệu nhân sự Bộ trưởng Bộ Công an. Vì thế tại Kỳ họp này, Quốc hội chưa tiến hành phê chuẩn, miễn nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Công an”.

Tức Tô Lâm sẽ “một chân chống hai xuồng” đầy tróe ngoe, khi về lý thuyết thì Tô Lâm vừa là cấp trên, vừa là cấp dưới của ông Thủ tướng. Tức một đàng ông Chủ tịch nước Tô Lâm có quyền trình Quốc hội bãi nhiệm ngài Thủ tướng Phạm Minh Chính. Đàng khác ngược lại, Thủ tướng có đầy đủ thẩm quyền trình Quốc hội bãi nhiệm đồng chí Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Trớ trêu khác nữa là nếu trong thời gian Quốc hội không tổ chức họp, thì ông Thủ tướng vì lẽ gì đó như theo “ý chỉ của Bộ Chính trị” chẳng hạn, có thể trình Chủ tịch nước Tô Lâm tạm đình chỉ chức vụ của Bộ trưởng Công an Tô Lâm để chờ Quốc hội họp bất thường phê chuẩn (!?).

Ở đây hoàn toàn không thể so sánh trường hợp ông Trần Hồng Hà khi làm Phó Thủ tướng, vẫn tiếp tục kiêm chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thêm một thời gian nữa để chờ phần thủ tục hành chính từ phiên họp Quốc hội. Bởi cả hai chức vụ này vẫn là ở bên Chính phủ, tức vẫn là cấp dưới của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Có ý kiến thắc mắc khác về chút lấn cấn, rằng nếu họp Chính phủ do Thủ tướng Phạm Mình Chính chủ trì, thì vị trí mà Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Công an ngồi, là ở đâu; và Thủ tướng có điều hành được, hay phải thưa gửi “báo cáo đồng chí Chủ tịch nước và các đồng chí” theo kiểu lễ thức chung chung vậy?

Giới học thuật cho rằng tình huống này lần đầu tiên xuất hiện ở nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(Nói đúng hơn là lịch sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từng có tiền lệ vừa là Chủ tịch nước vừa là một Bộ trưởng trong Chính phủ, đó là Hồ Chí Minh, khi ông nắm Chủ tịch nước và Bộ trưởng Ngoại giao giai đoạn 1945-1946 và 1946-1947. Tuy nhiên, đó là giai đoạn tranh tối tranh sáng, và Hồ Chí Minh nắm luôn cả chức Thủ tướng nên không có vấn đề gì về xung đột quyền lực. Khi ấy cũng chưa có hiến pháp hiệu lực).

Luật Tổ chức chính phủ, tại Điều 2 về “Cơ cấu tổ chức và thành viên của Chính phủ”, ghi:

“1. Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

2. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định”.

Cũng tại luật này thì “Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước” – Điều 4.1.

 

Một Quốc hội vi Hiến

Theo Điều 88 Hiến pháp 2013 quy định quyền hạn Chủ tịch nước như sau: Công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất;

Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ;

Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;

Quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng nhà nước, danh hiệu vinh dự nhà nước; quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam;

Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương;

Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước; trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước.

Từ các quy định của pháp luật, cho thấy hai chức danh Chủ tịch nước và Bộ trưởng có chức năng và quyền hạn khác nhau. Mỗi chức danh pháp luật trao cho một quyền hạn riêng không gây chồng lấn, xung đột lẫn nhau.

Nếu nay có tiền lệ Chủ tịch nước kiêm Bộ trưởng Công an thì trước tiên sẽ xung đột quyền lực với quân đội; khi quân đội buộc phải chấp nhận việc một người là Bộ trưởng Công an, nay chỉ cần thay đổi mỗi bộ sắc phục bằng chiếc áo Chủ tịch nước là được quyền “phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam”.

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng kêu gọi tự chỉ trích, sao lại nổi đóa khi bị người dân ý kiến?

Trương Thế Tử

VNTB – Rối rắm với quy định quyền sử dụng đất của “hộ gia đình”

Do Van Tien

VNTB – Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao với Pháp

Do Van Tien

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo