Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế cho việc “thông tin phù hợp”

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Các ban biên tập báo chí đã nhận được yêu cầu “định hướng tuyên truyền” từ Ban Tuyên giáo Trung ương trong tình hình mới.

 

Đề bài của Bộ Chính trị đưa ra là “kịp thời cung cấp thông tin cần thiết đối với các sự việc nhạy cảm, phức tạp”.

Với đề bài này, nếu hiểu theo cách của cấu trúc tiếng Việt, có nghĩa Bộ Chính trị thừa nhận lâu nay ở Việt Nam vẫn còn chậm chạp trong công khai những thông tin được “định hướng” là “nhạy cảm, phức tạp”.

Bộ Chính trị kêu gọi thay đổi cách tuyên truyền đối ngoại

Cuối giờ chiều ngày 28-6, báo chí ở Việt Nam đồng loạt nhận được nội dung của một dạng thông cáo báo chí từ trung ương về nội dung Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký kết luận 57 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.

Kết luận 57 nói rằng công tác thông tin đối ngoại còn một số hạn chế, bất cập đó là chưa phản ánh đầy đủ, sâu sắc thành tựu nổi bật của đất nước; việc triển khai nhiệm vụ còn phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của thông tin đối ngoại…

Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới” – trích kết luận 57.

Từ nhận định trên, Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Việt Nam hoà bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam. Khơi dậy tinh thần yêu nước, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thông tin đối ngoại, tập trung giới thiệu, lan toả mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, vai trò lãnh đạo của Đảng, tính ưu việt của chế độ, đóng góp của Việt Nam vào kho tàng văn hoá, tri thức nhân loại…

Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường tuyên truyền, tôn vinh, giới thiệu giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các danh nhân Việt Nam được thế giới vinh danh. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá, các giá trị tiến bộ mang tính phổ quát của nhân loại, kinh nghiệm quốc tế… đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin trong nước; bảo đảm quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng trong thông tin đối ngoại đối với các vấn đề quốc tế và khu vực, vai trò của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu; chủ động xây dựng mặt trận công luận quốc tế ủng hộ Việt Nam.

“Tích cực đổi mới công tác thông tin đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp với nhu cầu trao đổi, tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau; phối hợp hài hoà, linh hoạt giữa đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; tiếp tục mở rộng việc sử dụng các ngôn ngữ phổ biến và đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại”, kết luận 57 có đoạn viết như vậy trong phần “định hướng” các phần việc.

Những đơn hàng cụ thể đã được giao đến các tòa soạn

Trong một diễn biến liên quan, các ban biên tập báo chí đã nhận được yêu cầu “định hướng tuyên truyền” từ Ban Tuyên giáo Trung ương với 9 yêu cầu cụ thể như sau:

Tuyên truyền về kết quả, thành tựu đã đạt được của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đặc biệt là:

(1) những chuyển biến tích cực trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng;

(2) kết quả xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”;

(3) nâng cao văn hóa chính trị, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên;

(4) đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ;

(5) hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; phát huy dân chủ đi đôi với kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đối với các tổ chức trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên;

(6) xây dựng, thực hiện cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; xử lý những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước;

(7) kết quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực;

(8) vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác giám sát, phản biện và huy động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh;

(9) kết quả thể chế hóa các nội dung trong các nghị quyết, quy định, kết luận nêu trên, nhất là những vấn đề về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để mọi cán bộ, đảng viên “không thể, không dám, không muốn tham nhũng”.

“Chú trọng phát hiện những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, đề xuất, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới” – là nội dung mà giới biên tập viên cho rằng có thể “vận dụng” để xây dựng tuyến bài “phản biện” nhằm tìm kiếm độc giả bởi sự mạo hiểm của nó ở lằn ranh của “phản động”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đối thoại – Thêm bạn bớt thù. Tại sao không?

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam ủng hộ chủ nghĩa đa phương

Phan Thanh Hung

VNTB – Giải pháp lâu dài cho… kiểm soát tham nhũng

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo