Cát Tường
(VNTB) – Pháp luật Việt Nam cho đến nay hoàn toàn không có từ ngữ pháp lý nào là “công đoàn độc lập”.
Ý kiến lạc quan tạm hài lòng với khoản 2, Điều 170, Bộ luật Lao động phiên bản sửa đổi 2029: “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các Điều 172, 173 và 174”. Theo đó, lập luận cho sự lạc quan đó là nếu so với trước đây, thì các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 (sửa đổi) đã mở rộng theo hướng cho phép người lao động có sự lựa chọn tham gia tổ chức đại diện lao động theo nhu cầu của mình, họ có thể lựa chọn tham gia công đoàn hoặc các tổ chức đại diện khác hoặc không tham gia các tổ chức đại diện.
Tuy nhiên điều này không thể hiện về quyền tự do liên kết của người lao động. Theo nội dung của Điều 173.2 Bộ luật Lao động 2019, thì phạm vi mà người lao động được quyền thành lập tổ chức đại diện người lao động bị giới hạn trong phạm vi một doanh nghiệp, mà chưa được mở rộng phạm vi như cấp ngành hay các cơ quan, tổ chức khác ngoài doanh nghiệp.
Tại các cơ quan, tổ chức này, người sử dụng lao động vẫn thực hiện hoạt động thuê mướn, tuyển dụng người lao động nhưng người lao động không được thực hiện quyền tự do liên kết của mình. Đối với tổ chức đại diện cấp ngành hay tại các cơ quan, tổ chức khác ngoài doanh nghiệp, chủ thể đại diện, bảo vệ cho quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn là tổ chức công đoàn nhà nước.
Việc giới hạn phạm vi thành lập này quy định ở Bộ luật Lao động hiện hành của Việt Nam không đảm quyền tự do liên kết giữa người lao động làm việc tại các doanh nghiệp với người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức khác, đã dẫn đến các quy định liên quan của bộ luật này chưa có sự tương thích hoàn toàn với các quy định về quyền tự do liên kết của ILO (Tổ chức Lao động thế giới) tại Công ước số 87.
Một yếu tố pháp lý khác cần được nhấn mạnh, đó là quy định trên cũng thiếu rõ ràng đối với người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, đơn vị công như cán bộ, công chức, viên chức, những người làm việc không có quan hệ lao động theo kiểu “chủ – người làm công”.
Những người lao động nói trên không thể lựa chọn thành lập, tham gia tổ chức đại diện người lao động khác, mà chỉ có sự lựa chọn thành lập, gia nhập tổ chức công đoàn nhà nước.
Hoàn toàn có lý khi cho rằng, không chỉ người lao động làm việc trong khu vực tư nhân của nền kinh tế, mà gồm cả công chức và người làm việc trong khu vực công nói chung đều cần được bảo đảm quyền tự do hiệp hội, không nên có sự phân biệt đối xử nào khi thực hiện quyền này.
Việc giới hạn đối tượng thực hiện quyền thành lập, gia nhập tổ chức đại diện người lao động đã thể hiện sự không phù hợp với tinh thần của Công ước 87 về quyền tự do liên kết, chưa bảo đảm bình đẳng về quyền thành lập, gia nhập tổ chức đại diện giữa người lao động – và thực tế Quốc hội Việt Nam đến nay vẫn chưa động thái nào cho cụ thể phê chuẩn việc đồng ý gia nhập Công ước 87.
Tất nhiên ở đây người viết hoàn toàn đồng ý rằng, nếu có tên gọi cho loại hình “công đoàn độc lập” đi nữa, thì không có nghĩa là đứng ngoài luật pháp và không cần đăng ký. Việc đăng ký vẫn là quy định bắt buộc và hợp lý. Bên cạnh đó, các công đoàn độc lập này cũng phải đăng ký phải tuân thủ các chuẩn mực của ILO, tức là phải có tính minh bạch, rõ ràng về thời gian và quy trình, phải có số lượng thành viên tối thiểu, và không được có tính tùy tiện. Đồng thời, công đoàn độc lập cũng được hưởng các quyền liên quan đến lao động theo luật lẫn thực tiễn như các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Các tổ chức công đoàn độc lập này cũng phải được luật cho phép được liên kết với nhau ở mức độ liên doanh nghiệp, hoặc cấp độ ngành, cấp độ vùng…
Và người viết cho rằng “công đoàn độc lập” cũng là chủ đề cần thiết trong bàn luận về “Nhân quyền” hiện nay của Nhà nước Việt Nam.