Những tin tức gần nhất cho biết mặc dù chính quyền Trung Cộng đang thực hiện nhiều giải pháp để giải cứu hàng nghìn dự án bất động sản không bán được tại nước này, nhưng thị trường nhà ở vẫn tiếp tục im ắng lạ thường. Các chuyên gia kinh tế Trung Cộng cảnh báo rằng “bong bóng” bất động sản chuẩn bị bùng phát.
Vô số thành phố ma ở Trung Cộng. (Ảnh: Internet)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hong Kong cho biết tồn kho bất động sản tại Trung cộng đang tăng ở mức kỷ lục, với 6.2 tỷ m2 nhà ở vào cuối năm 2015. Theo con số thống kê của Tổng Cục Thống kê Trung cộng, phải mất ít nhất là 5 năm mới có thể “ngốn” hết số lượng nhà ở trên, nhưng phải duy trì được tốc độ bán nhà như hiện nay.
Một chuyên gia kinh tế của nước này còn nhận định: “Thách thức trên thị trường bất động sản nước này đang quá lớn, những con số thống kê lượng hàng tồn kho trên cũng chỉ là bền nổi của một tảng băng chìm”.
Còn theo một số phân tích khác, giá bất động sản tại Trung cộng trong hai năm trở lại đây đang tụt giảm tệ hại, hoạt động xây dựng và bán các dự án nhà ở chững lại trong thời gian quá dài, chính quyền địa phương đang thắt chặt các biện pháp cho vay đầu tư bất động sản … đang làm cho hàng loạt dự án đầu tư bất động sản trở nên hoang tàn, triển khai dở đang tại Trung cộng đại lục…
Một nhà kinh tế cho biết: “Nếu tình hình này càng thêm tồi tệ từ nay đến cuối năm 2016, thị trường bất động sản có khả năng sẽ đóng băng hoàn toàn, không khác gì nằm ở tâm động đất”.
Từ năm 2000 đến nay, thị trường bất động sản nước này đã tiếp nhận hàng triệu dự án đầu tư nhà ở thương mại, chung cư cao cấp để đón đầu cơ hội trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 xảy ra ở Mỹ, lập tức lan nhanh đến Trung cộng, làm cho thị trường bất động sản nước này trầm lắng từ đây.
Hệ quả là, con số chủ đầu tư và người dân lâm vào nợ nần tăng rất cao, chiếm khoảng 33%/GDP. Chính thị trường tụt dốc đã làm cho người dân và nhà đầu tư không có khả năng trả nợ, huy động vốn đầu tư, tiếp theo là người dân ồ ạt phải bán lại nhà để trả nợ làm cho giá bất động sản tại nước này giảm thê thảm nhưng lượng người mua nhà lại không cao. Theo ước tính của chính quyền nước này, đến nay đã có khoảng trên 90,000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phá sản…
Tình trạng thảm hại trên của thị trường bất động sản Trung cộng lại khá giống với tình trạng thị trường nhà đất Việt Nam vào đầu năm 2011.
Ở Việt Nam, sau giai đoạn “phục hồi kinh tế” năm 2009 – 2010, mà thực chất chỉ là kích hoạt tính đầu cơ trở lại của hai thị trường chứng khoán và bất động sản, thị trường nhà đất ở Sài Gòn và đặc biệt là tại Hà Nội đã rơi vào cảnh đóng băng không thể có người mua. Giai đoạn đóng băng này đã kéo dài suốt từ năm 2011 đến tận cuối năm 2014. Chỉ đến năm 2015, thị trường nhà đất ở Việt Nam mới tăng được thanh khoản giao dịch, tuy không thể tăng về giá.
Diễn tiến của thị trường bất động sản Trung cộng đang cho thấy nhiều khả năng thị trường này lâm vào cảnh chợ chiều như Việt Nam. Bất động sản và nợ xấu của hai quốc gia này lại khá tương đồng nhau và đều có thể dẫn đến thế rệu rã hơn của chân đứng chính trị.
4 năm sau 2011, nền kinh tế Việt Nam đã tiến đến thế cận kề vỡ nợ ngân sách, trong khi chính trị Việt Nam rơi vào cảnh xung đột khốc liệt và có thể dẫn đến tương lai tách đảng. Còn vận mệnh chính trị Trung cộng sẽ ra sao kể từ năm 2016, khi thị trường bất động sản chính thức rơi vào cơn suy trầm?
Lê Dung / SBTN