Việt Nam Thời Báo

VNTB – Bức tranh xám xịt của ‘lao động chui’ Việt Nam ở xứ người

Định Tường

(VNTB) – “Mây đen phủ lên toàn cầu, nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam…”

 

Mẫu câu trên từng được Tổng bí thư ưa dùng suốt từ năm 2019 đến nay, đến độ để rồi dường như ông tự mãn với sự ve vuốt ấy mà không chấp nhận nhìn thẳng vào thực tế về đời sống mưu sinh của người Việt.

Tháng 10-2019, có 39 thi thể có độ tuổi từ 15 đến 44 tuổi, bao gồm cả đàn ông, phụ nữ và thiếu niên, đã được tìm thấy tử vong trong một chiếc xe container khi đang được vận chuyển từ cảng Zeebrugge của Bỉ đến Purfleet ở Essex, Anh. Tất cả nạn nhân đều là người Việt tìm đến Anh để… ‘lao động chui’.

Ngày 19-1-2022, tòa án ở Bỉ đã tuyên phạt một công dân Việt Nam 15 năm tù, sau khi cáo buộc người này là kẻ cầm đầu đường dây buôn người trong vụ 39 người Việt thiệt mạng trong xe tải từ Bỉ sang Anh cách đó 3 năm.

Tháng 9-2021, “One year on the Essex lorry tragedy” (Một năm sau thảm kịch xe tải Essex) là phim tài liệu năm 2020 về gia đình của 39 người Việt thiệt mạng ở Anh. Phim vừa được chọn tham dự Liên hoan phim ngắn Pune (Ấn Độ). Phim dài gần 27 phút, do 2 nhà báo thực hiện chính. Hỗ trợ họ là các đồng nghiệp trong bộ phận đa phương tiện của Việt Nam News.

Việc đưa bộ phim “Một năm sau thảm kịch xe tải Essex” đến một liên hoan phim ngắn quốc tế có ý nghĩa quan trọng vì đây là một bộ phim Việt Nam, kể câu chuyện của Việt Nam với thế giới, từ góc nhìn của những người đang sinh sống tại Việt Nam.

Tháng 12-2021, “One year on the Essex lorry tragedy” giành giải Phim tài liệu ngắn hay nhất ở Liên hoan phim quốc tế Erie 2021 ở Mỹ. Theo trang web của Liên hoan phim quốc tế Erie (Pennsylvania, Mỹ), “One year on the Essex lorry tragedy” giành giải Phim tài liệu ngắn hay nhất. Phim giành chiến thắng trước Everything in Hardware, một phim tài liệu ngắn của đạo diễn Jamie Wright, Mỹ.

Một vụ việc mới hơn, đó là chiều 22-8-2022, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 2 bị can về tội “tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép”, liên quan vụ 40 người tháo chạy khỏi casino Campuchia.

Tin tức ban đầu cho biết, nhóm 40 người này từ một casino thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia bơi qua sông Bình Di, nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Trong đó có 9 người bị thương nhẹ, được y tế địa phương thăm khám, chăm sóc.

Công việc hằng ngày của họ là làm game online, lên các trang mạng làm theo sự chỉ đạo của casino. Do làm việc thời gian dài, không được nghỉ ngơi và không được trả lương nên họ bàn bạc tìm cách vượt biên giới về Việt Nam bằng cách chạy ra cổng casino và bơi qua sông Bình Di, nhập cảnh vào Việt Nam.

Trước đó nữa là tin tức cũng không kém gây sốc, khi Hàn Quốc vẫn dừng nhận lao động ở một số tỉnh của Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An và Thanh Hóa. Việc tạm dừng tuyển chọn lao động tại một số địa phương căn cứ theo Bản ghi nhớ về Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) với Hàn Quốc và mục tiêu, lộ trình giảm lao động cư trú bất hợp pháp giai đoạn 2020-2022.

Sau khi thống nhất với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển lao động đi làm việc tại Hàn Quốc năm 2022 đối với 8 quận/huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Cẩm Xuyên); Hải Dương (thành phố Chí Linh); Nghệ An (Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Cửa Lò); Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hóa).

Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên.

“Giai đoạn 2013-2021, có gần 1 triệu lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thu nhập cao so với cùng công việc trong nước và đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình” – trích báo cáo của Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Bá Hoan.

Nếu Việt Nam thật sự mặt trời vẫn đang toả nắng, trong khi mây đen phủ lên toàn cầu như rất nhiều lần đã mạnh miệng tuyên bố như vậy của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thế thì người Việt Nam chẳng phải ‘lao động chui’ để rồi mất mạng ở Anh.

Đi con đường lao động chính thức thì Hàn Quốc từ chối. Ngay cả hàng xóm Campuchia mà người Việt cũng phải tìm sang đó ‘lao động chui’, thì xem ra mặt trời tắt nắng ở xứ Việt lâu lắm rồi, chứ không hề “hào quang phản chiếu” như cách nhìn của người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam từ ngần ấy năm là, “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” mà ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn nhà ở “Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII”.

***

[ads_color_box color_background=”#f7e9e9″ color_text=”#444″]

Một phóng sự truyền hình trên kênh VTV phát ngày 23-12-2021 có chủ đề “Sống chui lủi, đói khát, người nhập cảnh trái phép thậm chí… bỏ mạng”, do Ban Thời sự thực hiện, có thể tóm tắt như sau, qua đó góp phần nào lý giải cho nhận xét của tác giả Định Tường về cách nhìn vấn đề nói chung của người đứng đầu đảng:

Nhóm 27 người từ nhiều địa phương Việt Nam sang Trung Quốc lao động trái phép được các đối tượng kết nối đi qua nhiều phương tiện xe khách, đi bộ… thậm chí phải ẩn nấp ở trong ruộng mía bên Trung Quốc 3 ngày đêm vì bị công an Trung Quốc phát hiện.

Sau 6 ngày, họ đã về đến Việt Nam. Không một ai còn đồ gì giá trị ngoài vài bộ quần áo. Mỗi người phải trả từ 4 đến gần 10 vạn tệ, tương đương 15-30 triệu đồng cho đối tượng để về được Việt Nam.

Theo con đường mòn khác, một nhóm lao động đều bị thương sau nhiều ngày leo núi. Không giấy tờ, lao động bất hợp pháp, họ lại tìm cách về Việt Nam theo con đường bất hợp pháp. Sau 2 năm đi làm không được chủ trả lương, anh Hoạt phải vay mượn bạn bè để gửi cho các đối tượng giúp anh về lại Việt Nam.

Theo tìm hiểu, những lao động này chủ yếu kết nối với những đối tượng của các đường dây qua mạng xã hội của Trung Quốc, không gặp mặt trực tiếp. Đã có những trường hợp bị thương, thậm chí bỏ mạng trước khi về đến quê hương, cái giá phải trả quá lớn.

Các cơ quan chức năng cũng cảnh báo, bên cạnh nguy cơ lây lan dịch bệnh không được kiểm soát, khi tham gia những đường dây xuất nhập cảnh trái phép, người dân còn có thể trở thành nạn nhân của những đối tượng tội phạm mua bán người; bóc lột tình dục và nhiều loại tội phạm lừa đảo phức tạp khác.

[/ads_color_box]


Tin bài liên quan:

VNTB – Khuyến khích người lao động Việt Nam ‘đi luôn đừng về’

Phan Thanh Hung

VNTB – Việt Nam đã khai thác đường bay thương mại ngay trong đại dịch Covid-19?

Phan Thanh Hung

VNTB – World Cup 2022 – Tại sao lại Nhật Bản, Hàn Quốc mà không là Trung Cộng?

Baraju T. Ogelefecejo

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.