Dân Nguyễn
(VNTB) – “Muốn có tiền” thì phải “vẽ” ra “dự án”; mà ở đây là “dự án” xây dựng hệ thống lọc nước thải. Muốn có “dự án” này, cá Hồ Tây phải chết. Đó là phương án “tối ưu” nhất (?).
Ai đã “quy hoạch” để nhan nhản khách sạn mọc lên bên Hồ Tây?
Từ “nguyên nhân” đến lý do
Có hai bài viết vào cùng một thời điểm (ngày 6/10), và đề cập cùng một vấn đề, mà nội dung gần như trùng khớp về cái gọi là “nguyên nhân cá Hồ Tây chết”, khiến dư luận liên tưởng tới hai bài viết này của cùng một tác giả. Một bài nêu tên tác giả-TS Nguyễn Đức Thắng, bài kia thì chỉ ghi BBC (?).
Tuy nhiên, điều mà bài viết này muốn đề cập là, liệu nguyên nhân cá Hồ Tây chết mà hai bài viết, bài “Về nguyên nhân cá Hồ Tây chết”, (TS Nguyễn Đức Thắng), và bài “Cá chết Hồ Tây là “bài học sau Formosa?””. (BBC), có đưa ra nguyên nhân đích thực, hay chỉ là nguyên nhân ngụy tạo, để nhằm một mục đích dọn đường dư luận, nhằm hợp thức hóa cho một dự án, xuất phát từ cái “nguyên nhân” mà nó đề cập?
Trong bài “Về nguyên nhân cá Hồ Tây chết”, tác giả-TS Nguyễn Đức Thắng viết: “…khi thấy cá chết cấp tính hàng loạt, rất nhiều, chỉ sau một đêm, để truy tìm nguyên nhân thì phải ưu tiên hàng đầu cho nguyên nhân cá chết vì thiếu oxy hòa tan trong nước (DO, dissolved oxygen). Đó là hướng đi nhanh nhất, tiết kiệm nhất và phổ biến nhất mà thế giới thường làm. Nếu yếu tố này bị loại trừ, tiếp đến mới xem xét đến cá chết cấp tính vì độc tố(cá chết hàng loạt)…”. TS Thắng còn nêu một nguyên nhân khác dẫn đến việc cá chết là do dịch bệnh. Tuy nhiên, TS Thắng cũng cho thấy, nếu cá chết do dịch bệnh, thì nó chết rải rác, kéo dài, chứ không như “cấp tính”, không “…hàng loạt, chỉ sau một đêm”…
Tóm lại, sau khi dẫn ra hàng loạt những số liệu, những thuật ngữ khoa học, khiến bạn đọc (trong đó có cả người viết bài này) mụ mẫm không biết “kiểm chứng” đâu là nguyên nhân thật (real cause), đâu là nguyên nhân ngụy tạo (false cause). Cũng theo TS Thắng, thì nguyên nhân dịch bệnh cần loại ra ngay, (vì cá chết hàng loạt, chỉ sau một đêm, chứ không chết rải rác.). Và, vẫn theo vị TS này, thì hiện tượng cá chết Hồ Tây phải được xem xét trên hai nguyên nhân- chết do thiếu ô xy hay chết do độc tố…; Và sau nhiều những luận chứng khoa học, vị TS này kết luận cá Hồ Tây chết do thiếu ô xy “trầm trọng”. Hơn nữa, vị TS còn chỉ rõ nguyên nhân thiếu ô xy là bởi các cống nước thải của nhiều nhà hàng, khách sạn quanh Hồ Tây đã xả thẳng xuống hồ, nên gây ra tình trạng thiếu “trầm trọng ô xy trong nước hồ(???)… (“…Xung quanh Hồ Tây có 24 cửa xả thải đã thu gom nước thải cuả toàn bộ khu dân cư sinh sống, nhà hàng, khách sạn kinh doanh ven hồ, không xử lý, mà xả thẳng vào Hồ Tây…”(“Về nguyên nhân cá chết…”-TS Nguyễn Đức Thắng);
Như trên đã nói, sau rất nhiều những dẫn chứng khoa học rối rắm, TS Thắng kết luận cá Hồ Tây chết là do thiếu ô xy; Mà thiếu ô xy là do hệ thống nước thải chưa qua xử lý được xả thẳng vào hồ… để rồi kết thúc bài viết, ông này đưa ra hướng giải quyết một cách rất “vô tư”, rất “khoa học”, là phải xử lý nước thải trước khi xả nó vào hồ.
“Hiện tượng cá chết ở Hồ Tây sẽ được lặp lại trong tương lai nếu như việc xả thải như vậy tiếp tục được gia tăng, (Cần quái gì gia tăng, mà chỉ cần tiếp tục được duy trì…-NV) gặp thời tiết thuận lợi cho thực vật tảo tiếp tục phát triển bùng nổ…”. Và, “…Để ngăn ngừa, không cho hiện tượng cá chết lặp lại (ai chẳng muốn -NV)…,cách tốt nhất là HN nên đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống cống thu gom dẫn về một trạm xử lý nước thải của toàn bộ khu này trước khi xả thải vào Hồ Tây…”.(!?). Có lẽ đây mới là cốt lõi, là cái mà bài viết của ông TS Thắng muốn “chốt” lại!
Còn về bài “Cá chết Hồ Tây là bài học sau Formosa”- bài viết “anh em song sinh” với bài của TS Thắng “Về nguyên nhân cá Hồ Tây chết”, nói gì?
“Hiện tượng cá chết Hồ Tây là một bài học sau Formosa đắt giá cho Việt Nam, nhà nghiên cứu thủy sản nói…”.
Ngay vào đầu bài viết, BBC đã cho độc giả biết vậy. Sau đó bài viết đưa ra một loạt những thông tin, rồi dẫn đến kết luận có cùng “gene” với bài của ông Thắng. Đó là kết luận Hà Nội phải cấp kinh phíxây dựng hệ thống lọc nước thải trước khi cho nó đổ vào Hồ Tây.
“Kết quả kiểm tra ban đầu nói rằng toàn bộ nước mặt của Hồ Tây không có ô xy, chỉ số ô xy=0”.
“Cá chết do thiếu ô xy thì rõ ràng nước hồ đã bị ô nhiễm hữu cơ cực mạnh…”.
BBC cũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến thiếu ô xy để cá Hồ Tây phải chết là do thiếu ô xy; Mà thiếu ô xy cũng do bởi xả thải của hệ thống nhà hàng, khách sạn ven hồ…
Đặc biệt, bài viết này còn lấy thảm họa môi trường Formosa để ví với việc cá chết Hồ Tây,…để dư luận thấy hết sự nguy hại, cũng như tính cấp bách của việc giải quyết nạn xả thải trực tiếp xuống hồ…
“Đầu tiên phải ngăn chặn không cho nguồn nước thải vào trong hồ nữa…”
“…Thứ hai, vài trăm tấn cá đã nổi lên.Nhưng cá nổi lên một thì ở dưới đáy chết cả trăm (!?). Phải vớt và hút hết thảy…”.
“Thứ ba là thành phố cũng làm nhanh được rồi. Do ô nhiễm nặng nguồn hữu cơ gây thiếu ô xy, phải bơm ô xy xuống, thì đã lắp đặt hệ thống bơm ô xy xuống rồi…”.
“Sau đó là dùng hóa chất, chế phẩm vi sinh làm sạch hồ-tiến sỹ Tề nói, nhưng ông thừa nhận cách này “không biết thành phố có đủ tiền không” (?), vì đắt giá (!)…”.
Có lẽ tác giả bài viết (BBC?) muốn chốt lại ở bài này chính là ở câu hỏi “Không biết thành phố (HN) có đủ tiền không”
Cho dù rông dài bao nhiêu với những luận chứng, luận cứ “khoa học”, hai bài viết trên cũng chỉ nhắm tới mục đích là HN cần cấp kinh phí xây dựng lại hệ thống nước xả thải vào Hồ Tây!
Thấy gì qua hai bài viết trên?
Việc cá Hồ Tây đột ngột “lăn ra chết” cả đàn cả lũ, chỉ “trong một ngày” (TS Thắng); Tới 200 tấn (BBC), là hoặc do thiếu ô xy, hoặc do độc tố. Nếu do thiếu ô xy, thì đã có lý do xả thải trực tiếp của khu dân cư và hệ thống nhà hàng lân cận hồ mà hai bài viết trên khẳng định. Tuy nhiên, người ta có lý do để hoài nghi về nguyên nhân này, mà không cần viện dẫn những luận cứ, hay luận chứng “khoa học”, như mấy nhà khoa học trong hai bài viết trên trưng dẫn…; Mà người ta chỉ cần dựa trên những sự kiện mang tính logic, thông qua những cách đặt vấn đề, thậm chí là qua những câu hỏi “vô hại” tới các “nhà khoa học” trong hai bài viết trên. Cần phải hiểu rằng, “hệ thống” khách sạn nhà hàng xung quanh Hồ Tây không phải bỗng dưng “mọc lên” chỉ sau một đêm; Ngược lại, nó được xây dựng dần theo năm tháng, nghĩa là mỗi năm hay vài năm có một hay vài nhà hàng, khách sạn “mọc lên”; Và trong quá trình “mọc lên”, lượng nước thải cũng đã và đang đổ vào hồ. Như thế, nếu nguyên nhân thiếu ô xy là đúng, thì cá không thể đột ngột chết cả dàn (chỉ trong một ngày), mà chính hai bài báo trên khẳng định. Thiếu ô xy sẽ khiến cá chết từ từ, từ ít sang nhiều; Từ cá nhỏ trước, sau đến cá to (vì cá nhỏ sức đề kháng kém sẽ chết trước), Nếu thiếu ô xy, thì không thể có chuyện cá chết hàng loạt chỉ trong một ngày, theo kiểu “giọt nước tràn ly” được. Nó phải chết theo kiểu dịch bệnh, nghĩa là chết với số lượng rải rác…
Như vậy, chỉ còn nguyên nhân duy nhất đủ điều kiện ứng với trường hợp cá chết hàng loạt, bất kể là cá lớn cá bé, cá mẹ cá con. Đó là trường hợp cá chết do độc tố, nghĩa là cá bị “đầu độc!”.
Vậy, nếu điều này là đúng, thì nó phải có nguyên nhân từ đâu, hay vì lý do gì mà kẻ nào đó đã đầu độc cá Hồ Tây? Liệu có phải cá Hồ Tây chết oan uổng, chết tức tưởi bởi cái “dự án” thu gom và xử lý nước thải trước khi đổ vào hồ kia chăng? “Muốn có tiền” thì phải “vẽ” ra “dự án”; mà ở đây là “dự án” xây dựng hệ thống lọc nước thải. Muốn có “dự án” này, cá Hồ Tây phải chết. Đó là phương án “tối ưu” nhất (?).
“Dự án” này khiến người ta nhớ lại “dự án” trồng cây xanh, thay cây xanh (thế thảo) mà chính quyền thủ đô tiến hành hai năm trước đây- một dự án đầy tai tiếng, và đã vấp phải sự lên án, phản kháng quyết liệt từ phía người dân. “thay cây cong queo xấu xí mất mỹ quan thành phố, thay cây sâu gốc mọt thân không đảm bảo an toàn…là lý do người ta đưa ra để cho “dự án” “Thế Thảo” được triển khai. Tuy nhiên, khi chiến dịch được tiến hành, khối cây thẳng, đẹp và đầy cây khỏe mạnh không sâu mọt cũng bị cưa, bị đốn… Điều đó tự nó phơi bày dã tâm của những kẻ chủ trương dự án. Đó là chưa kể tới việc người ta phù phép cho những cây mỡ trở thành cây vàng tâm, cây gỗ rẻ tiền thành cây gỗ quý trong quyết toán. Thậm chí người ta còn được thấy sự tắc trách tới mức đáng phỉ nhổ của bọn người trục lợi “dự án cây xanh” khi những cây mới được người ta trồng mà không cả tháo bọc nilon bao quanh gốc!…
Nếu “dự án” xây dựng lại hệ thống xả thải vào Hồ Tây được triển khai, thì Hà Nội đầu tư vào đây bao trăm tỷ? Chắc chắn, con số phải là ngàn tỷ; Bởi có dự án xây nhà WC một hai chục mét vuông mà người ta đã dự toán cho nó tới hàng tỷ đồng, khiến dư luận phải gắn cho những nhà WC kiểu này là những nhà WC dát vàng!.
Nếu đó là nguyên nhân thật…
Nếu nguyên nhân cá Hồ Tây chết là do bị “đầu độc”, là thật, thì những kẻ tiến hành thật táng tận lương tâm, bất chấp tất cả. Sự toan tính của chúng là “nhất cử lưỡng tiện”, “Một mũi tên trúng hai đích”. Vừa có cớ để rút kinh phí từ ngân khố quốc gia vốn đang còm cõi cho một “dự án mới”; mặt khác “pha loãng” dư luận, đánh lạc hướng về những bức xúc của Nhân Dân trong sự kiện đang nóng bỏng về Biển chết, “chia lửa” với Formosa, “bình thường hóa” hiện tượng cá chết hàng loạt không chỉ dưới biển mà còn trong ao hồ; không chỉ do tắc trách của phía Formosa, mà cả vô trách nhiệm của chính người Việt “chúng ta”…Sự kiện cá Hồ Tây đồng loạt chết khiến người ta nhớ lại, trong lúc các cuộc biểu tình phản đối Formosa đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành thì cá trên một số sông ngòi ở Miền Bắc cũng đột ngột “Đang sống chuyển sang từ trần”. Rồi VTV “vào cuộc” với những phóng sự nào là có doanh nghiệp tắc trách xả thải khiến cá sông chết, nào là doanh nghiệp đã tự giác bồi thường 1,4 tỷ đồng về hành vi thiếu trách nhiệm của mình. Vv và vv…
Khách quan mà nói, với tin như thế, VTV đã “hạ nhiệt” tương đối hiệu quả sức nóng từ Formosa. Cũng khách quan mà nói, hiện tượng này khiến dư luận cũng liên hệ tới sự kiện Formosa sau khi “bồi thường” 500 triệu đô cho ngư dân Miền Trung, đã được CP VN giảm thuế tới cả ngàn tỷ…
Hiện tượng cá chết dọc biển bốn tỉnh Miền Trung, không lâu, không khó khăn gì dư luận đã khẳng định kẻ nghi can số một, và gần như chắc chắn, là Formosa. Trái ngược với dự đoán của dư luận, “các nhà khoa học” lại có những “nghiên cứu” và phát ngôn “đồng thuận” với các chính khách VN. Họ đưa ra những “nghiên cứu”, những “bằng chứng khoa học” gây ra cá biển chết nào là tảo đỏ nở, nào là độc tố từ lòng biển trào lên do những hiện tượng đứt gãy dưới thềm lục địa, hay do những độc tố, nhưng không phải do Formosa, nhưng do con người thải ra từ tàu bè qua lại (!?). Đến khi Formosa buộc phải thừa nhận tội của mình, thì “các nhà khoa học” không có sự cải chính nào. Họ im re. Họ đã bộc lộ là người của đảng, là “trí thức xã hội chủ nghĩa”!…
Mang danh khoa học mà chẳng khoa học. Tảo đỏ, thủy triều đỏ đã được “các nhà khoa học” đưa ra giải thích, “Vận dụng một cách sáng tạo” cho nguyên nhân cái chết của biển VN. Giờ thì, vẫn các “trí thức XHCN” này lấy nguyên nhân “thiếu ô xy trầm” trọng để biện hộ cho cái chết của hàng trăm tấn cá Hồ Tây, một hiện tượng không thể xem nhẹ, cần được “ngợi khen” bằng búa rìu dư luận, nhất là qua những nghiên cứu, lập luận của những nhà khoa học chân chính nhằm phản biện…
Sau “Cá chết Hồ Tây” sẽ là những gì? Và sau hết, để tìm ra bản chất thực của những nguyên nhân gây ra những thảm họa môi trường trầm trọng trên, liệu người ta chỉ cần “khoanh vùng” trong “các thế lực” phe đảng, phe nhóm trong cái gọi là “sự lãnh đạo toàn diện”, hay người ta cần phải “mở rộng đối tượng điều tra” sang bên kia biên giới lãnh thổ VN?