Khánh Hòa
(VNTB) – Chỉ cần bắt chước mấy ông quan tòa như Bao Công, thì vụ án thực nghiệm hiện trường nghi đã gây nên cái chết của 3 công an, chẳng mấy khó khăn, và cũng chẳng có gì gọi là quá tàn độc như lời của một luật sư trong vụ án Đồng Tâm.
Phim truyền hình nhiều tập về nhân vật Bao Công, Kỷ Hiểu Lam rất quen thuộc với công chúng Việt Nam. Tương tự cung cách xử án, điều tra án của 2 vị đại thần ở cung đình bên Tàu này, còn được thể hiện ở nhiều tác phẩm điện ảnh khác, mới nhất là bộ phim Nữ Tuần án đang chiếu trên một kênh truyền hình cáp.
Hoặc chuyên sâu về pháp y, có thể xem phim về nhân vật lịch sử Tống Từ, ông tổ của ngành pháp y Trung Hoa xưa. Tống Từ là tác giả quyển “Tẩy Oan Tập Lục”, ghi chép: giải phẫu thân người, kiểm nghiệm thi thể, kiểm tra hiện trạng, giám định một số nguyên nhân cơ giới tính nào gây tử thương,… Các tri thức về mọi mặt, liệt cử các loại độc vật mà đương thời có thể dùng để tự sát hoặc mưu sát cùng với cách cấp cứu, phương pháp giải độc; phạm vi luận thuật gần như bao quát các hạng mục chủ yếu về kiểm nghiệm pháp y, nội dung cũng gồm đủ các tri thức sơ bộ về các mặt nhu yếu của sự kiểm nghiệm hiện đại, có giá trị khoa học tương đối cao.
Quyển “Tẩy Oan Tập Lục” ra đời năm 1247. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 19, sách này được liên tục dùng hơn sáu trăm năm, luôn là một quyển ‘đầu bàn’ mà quan viên hình pháp thời xưa của Trung Quốc phải có. Đầu thế kỷ 15, sách này được phiên dịch sang tiếng Triều Tiên, Nhật Bản, Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, lưu truyền trên quốc tế. Vì thế, Tống Từ được vinh dự là “người đặt nền tảng cho pháp y học thế giới”.
Trong “Tẩy Oan Tập Lục” có nhắc đến một vụ án mà người đời này có thể vận dụng để truy xét sự thật về 3 cái chết gọi là bị sát hại tại một hố sâu có tiết diện hẹp, sâu khoảng 4 mét ở nhà ông Lê Đình Kình, vụ án Đồng Tâm.
Vụ án đó được mô tả khá ly kỳ như sau:
Một lần, Tống Từ giữ chức Đề Hình ở Ứng Thiên phủ thì có một vụ án mà quan huyện lẫn quan tri phủ không biết làm sao khám phá, đành phải làm biên bản đưa lên cho Ty Đề Hình.
Nguyên vụ án này bắt nguồn từ tính dâm đãng của đàn bà. Lúc ấy Tư Niệm Từ là một nho sinh trẻ tuổi có chí học hành, bao nhiêu việc gia đình để mặc cho người vợ xinh đẹp là Khang Khang lo liệu. Khang Khang khi còn con gái đã liếc mắt đưa tình với một thương nhân cũng còn rất trẻ tên là Thân Minh.
Vì Niệm Từ có cha mẹ giàu sang nên Khang Khang bị bắt phải lấy Niệm Từ. Cô gái này không cảm thấy thỏa mãn vì người chồng giàu ấy suốt ngày chỉ biết vùi đầu vào kinh sử. Thậm chí sắp đến ngày thi, chàng ta bỏ đến một căn nhà tận cuối vườn để được yên tĩnh lo việc sách đèn, không ngó ngàng gì tới người vợ còn đang tuổi thanh xuân.
Thân Minh chưa quên được người tình cũ, thấy vậy tìm cách lân la quen biết với gia đình họ Từ rồi rất thường đưa đến các món hàng tốt để mời chào, thật sự là nhân cơ hội tư thông với Khang Khang. Một lần kia có tiệc lớn hầu như cả nhà đi hết, Thân Minh sung sướng đến ngay nhà, cùng Khang Khang tha hồ vui thú. Chẳng ngờ hôm ấy tự nhiên Niệm Từ quên cuốn sách ở nhà trên, lên tìm xem thì bắt gặp quả tang đôi gian phu dâm phụ ấy đang cùng nhau vui đùa lõa lồ thân thể.
Hai người đàn ông xảy ra xô xát, nhưng Niệm Từ chỉ là thư sinh chân yếu tay mềm nên không chống nổi với Thân Minh, bị hắn dồn vào tường. Ngay khi ấy Khang Khang chạy xuống bếp lấy con dao đưa cho Thân Minh, tên gian phu này liền đâm cho Niệm Từ một nhát, chết ngay tại chỗ.
Khi giết người rồi, gian phu dâm phụ mới thấy sợ hãi, bàn nhau phi tang. Hai người liền khiêng xác của Niệm Từ ra căn nhà nhỏ cuối vườn, lập hiện trường giả giống như Niệm Từ ngủ gục làm đổ đèn ra bàn, lửa gặp dầu bốc cháy, thiêu rụi căn nhà ấy.
Khi huyện quan đến khám thì Niệm Từ hầu như đã cháy thành than, thân thể co quắp nên không sao khám nghiệm được điều gì mới lạ, đành phải theo lời khai của Khang Khang và Thân Minh ghi vào biên bản là sơ ý để lửa cháy nhà mà chết. Vợ chồng họ Từ về đến nhà, nghe nói Thân Minh cũng đến thì lập tức nghi ngờ, làm đơn tố cáo gian phu và con dâu câu kết giết chồng, đốt nhà phi tang.
Quan huyện cũng nghi ngờ như vậy nhưng không có bằng cứ nào đành phải cho qua, đưa hồ sơ vụ án lên cấp trên. Tri phủ cũng nhận định là Niệm Từ không may mà chết, kết thúc hồ sơ không truy cứu nữa.
Ông bà Từ lão quá đau xót vì đứa con trai chết oan, chẳng quản vất vả lên đến tận kinh thành dâng thư khiếu oan lên Ty Đề Hình.
Tống Từ xem lại văn án thấy quả nhiên là không thể căn cứ vào đâu tìm ra thủ phạm vì mọi người đều khai là chính Thân Minh cùng Khang Khang đang xem các món đồ ở nhà trên, thấy ngọn lửa bốc cháy cao mới phát hiện ra, hai người đều kêu la cầu cứu.
Thế nhưng khi hàng xóm đến nơi thì căn nhà đã cháy rụi, hoàn toàn không thể khép tội Khang Khang và Thân Minh được. Trong lòng Tống Từ cũng có ấn tượng là việc này có uẩn khúc, dựa theo sự điều tra riêng của ông thì đôi gian phu dâm phụ này đã quyến luyến với nhau từ khi chưa bước chân về nhà họ Từ.
Do vậy việc âm mưu cùng nhau giết Niệm Từ cũng không thể dễ dàng bỏ qua. Vả chăng nếu sự việc đơn giản thì hai ông bà già yếu đâu phải vất vả như vậy. Sau nhiều ngày suy nghĩ không ra, Tống Đề Hình quyết định dùng đến “Pháp y học”, tức là phải khám nghiệm tử thi mới hy vọng tìm ra chứng cứ lật ngược bản kết luận về án mạng.
Tống Đề Hình thân đến huyện mở quan tài ra khám nghiệm. Đối với một thi hài đã cháy đen thì bất cứ quan lại nào cũng bó tay, thế nhưng Tống Đề Hình không thể nhìn ra dấu vết ở phía ngoài thì liền tìm kiếm phía trong, ông dùng hai thanh tre cố cạy miệng tử thi ra quan sát. Khi đã xong, Tống Đề Hình liền sai quan huyện tổ chức thẩm xét vụ án, thăng đường rồi trước tiên dùng tâm lý áp đảo, chỉ mặt Khang Khang và Thân Minh quát lớn:
– Gian phu dâm phụ thật táo gan, dám giết chồng rồi đốt nhà phi tang. Bản ty đã về đến đây tức là đã nắm được bằng cớ, hãy khai ra mau.
Đôi gian phu dâm phụ nghĩ rằng Tống Đề Hình không phải thần thánh thì làm sao khám phá ra nổi, một mực kêu oan. Tống Từ phải dùng đến cực hình, tra khảo cả hai chết đi sống lại mà họ nhất định không nhận tội. Tống Đề Hình liền cho tạm ngưng vụ án, nghiêm mặt nói:
– Bản ty có thể đánh chết hai ngươi cũng không bị tội. Thế nhưng để các ngươi phải tâm phục khẩu phục, ngày mai bản ty sẽ thăng đường xét xử lần nữa. Lần này bản quan không đưa ra được bằng chứng xác thực thì sẽ thả hai ngươi ra, không truy cứu nữa.
Lời nói như đinh đóng cột ấy của Tống Đề Hình khiến cả huyện đều xôn xao bàn tán, sáng hôm sau mọi người kéo đến rất đông, đứng chật cả vòng trong vòng ngoài. Ai nấy nhìn thấy đống củi cao ngất để giữa sân đều khiếp sợ nghĩ thầm: “Có lẽ quan lớn chưa tìm ra chứng cứ nên dùng lửa để tra tấn chăng?”. Chẳng ai dám đoán quyết sự kết thúc sẽ như thế nào hồi hộp chờ Tống Đề Hình thăng đường.
Tống Từ lẳng lặng ngồi trên cao uống trà phong thái rất ung dung, sai quân bắt Khang Khang và Thân Minh quỳ hai bên chờ đợi. Một lúc sau quan lớn Đề Hình lại thét quân nổi lửa, chẳng mấy chốc đống củi trước sân đã hừng hực bốc cháy.
Thế nhưng quan Đề Hình vẫn không ngó ngàng gì đến hai tội phạm, truyền quân sĩ đem hai con lợn đã mua sẵn từ hôm qua ra. Ông sai quân giết một con ngay tại chỗ, còn con kia để sống, trói bằng xích sắt rồi đưa cả hai vào đống lửa. Mọi người lại càng ngơ ngác chẳng hiểu tại sao quan lớn lại đi quay lợn ngay giữa công đường. Đến ngay bọn nha lại, quân sĩ cũng nhìn nhau mà không dám hỏi.
Tống Từ uống trà rất chậm rãi, chờ khi hai con lợn cháy thành than mới đặt chén trà xuống án thư, đứng lên dõng dạc nói:
– Đưa phạm nhân ra đây.
Sau đó ông sai quân sĩ khiêng hai con lợn cháy đen ra cho mọi người cùng coi. Quân sĩ dùng thanh tre cạy miệng con lợn đã bị giết trước rồi bẩm báo:
– Thuộc hạ không hề thấy chút tro than nào trong miệng.
Tống Từ gật đầu, sai cạy miệng con lợn thứ hai, vì còn sống nên con lợn này kêu la dữ dội, khi bị nóng thì hả miệng cố hớp lấy không khí vào phổi, do vậy khi chết rồi trong miệng đầy những tro than. Sau khi cho mọi người chứng kiến thực tế, Tống Đề Hình liền gọi Khang Khang và Thân Minh đến trước công đường, đập bàn thị uy rồi nói lớn:
– Các ngươi đã nhìn rõ chưa? Bản ty đã khám nghiệm tử thi của Niệm Từ rất chính xác, không hề có chút tro than nào trong miệng. Như vậy nạn nhân đã bị các ngươi giết chết rồi mới đưa đến căn nhà nhỏ phóng hỏa. Bây giờ còn chối được nữa không?
Với chứng cứ hiển nhiên ấy, Tống Từ không phải nói nhiều, lập tức đôi gian phu dâm phụ gục đầu nhận tội ngay. Thế là vụ án được kết liễu, là án mạng chứ không phải sơ ý chết người. Đôi gian phu dâm phụ ấy đều bị ông khép vào tội nặng, chém đầu giữa chợ.
Từ câu chuyện ghi nhận trong “Tẩy Oan Tập Lục”, cho thấy trong vụ án Đồng Tâm xoay quanh cái chết của 3 công an trong quá trình tấn công nhà dân ban đêm bị rơi xuống hố, thì những bằng chứng buộc tội bị cáo Chức và Doanh đổ xăng xuống hố đốt vẫn còn đang có rất nhiều mâu thuẫn. Có người nói xác cháy thành than, có người nói xác cháy trơ xương,… Tuy nhiên cho đến nay phần lớn mọi người chưa ai thấy rõ các xác chết này như thế nào như đã từng thấy xác của cụ Kình thê thảm ra sao. Những mâu thuẫn đó có thể kể ra như:
Một, với thể tích giếng trời như thế thì lượng oxy cần để xăng cháy là không đủ để dẫn đến “cái chết cháy” của 3 cảnh sát.
Hai, có luật sư cho rằng, có 2 bình khí CO2 đã cháy ở dưới hố, nghi ngờ nguyên nhân cái chết của 3 người này (có thể là do ngộp khí từ đây ra).
Ba, có hợp lý hay không khi 3 cảnh sát này rớt xuống giếng trời mà các đồng đội đi chung không hề biết và không có hành động giải cứu khi để bị cáo Chức và Doanh đổ hết chậu xăng này đến chậu xăng khác?
Bốn, năm, sáu và còn rất nhiều tình tiết nghi ngờ khác như thời gian cháy, cách đốt xăng và đẩy xuống hố, dây điện còn nguyên trong hố,…
Như dẫn chứng về câu chuyện Tống Từ, thì từ xưa người ta đã biết thực nghiệm hiện trường bằng cách sử dụng heo, một động vật có khối lượng và cấu trúc giải phẫu học khá giống con người.
Xem ra, chỉ cần các quan tòa xứ Việt dành thời gian nghỉ ngơi nào đó để thư giãn với thể loại phim về nhân vật lịch sử như Bao Công, như Kỷ Hiểu Lam, như Tống Từ…, thì chắc hẳn vụ án Đồng Tâm không phải tạo quá nhiều luồng dư luận như hiện nay.