Phần II : Trước khi đi XKLĐ
Những vấn đề không hay xảy ra cho người đi xuất khẩu lao động, XKLĐ, thường xảy ra khi bắt đầu cầm hợp đồng lao động, rời khỏi xứ, và trong thời gian làm việc. Người sử dụng lao động thường vi phạm hợp đồng trong thời gian này như bắt công nhân làm nhiều giờ hơn, cung cấp chỗ ở không đủ tiêu chuẩn, ăn uống thiếu thốn, không chăm sóc sức khỏe đàng hoàng, bị tai nạn nghề nghiệp, lao động nữ có thể bị xâm hại.., công ty đưa người đi lao động, đại diện ngoại giao của chính phủ Việt Nam, vì nhiều lý do, cũng vắng mặt hay đứng về phía chống lại người lao động.
II. Khi ra nước ngoài làm việc:
1. Công ty bạn làm việc (công ty SDLĐ) có thể yêu cầu bạn trao hộ chiếu, tài sản riêng của bạn cho họ khi bạn xuống sân bay. Bạn cần hỏi rõ lý do họ thu giữ và nên đàm phán để giữ lại hộ chiếu của mình, kể cả nếu họ đã đưa cho bạn thẻ lao động.
2. Bạn sẽ ký với công ty SDLĐ một bản hợp đồng lao động. Bạn phải yêu cầu bản hợp đồng bằng tiếng Việt hoặc ít nhất có người phiên dịch đáng tin cậy đọc cho bạn các quy định của hợp đồng này.
3. Bạn cần so sánh nội dung của hợp đồng lao động về tiền lương, thời gian, công việc, chế độ ăn ở… với hợp đồng bạn ký với công ty XKLĐ và với hợp đồng cung ứng mà bạn xin được từ công ty XKLĐ khi ở Việt Nam.
4. Trường hợp nội dung giữa hợp đồng lao động và các bản hợp đồng khác không giống nhau, bạn cần hỏi và đòi làm rõ ngay với người phụ trách trực tiếp bạn.
5. Nếu người đó không trả lời bạn thì bạn nên liên lạc với công ty XKLĐ để nhờ trợ giúp. Nếu họ nói rằng bạn cứ ký hợp đồng lao động và thực tế sẽ khác thì bạn không nên tin tưởng. Bạn cần yêu cầu công ty XKLĐ có động thái đàm phán với công ty SDLĐ để giúp bạn. Nếu họ không giúp thì bạn liên lạc với cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để nhờ trợ giúp.
6. Bạn cần hỏi công ty SDLĐ ngoài hợp đồng lao động thì công ty còn có quy định gì khác cho người lao động không. Ví dụ như các quy định trong Nội quy lao động, Thỏa ước tập thể.
7. Nếu công ty có các bản quy định bổ sung nêu trên thì bạn cần yêu cầu công ty trao cho bạn một bản đã được dịch ra tiếng Việt để nghiên cứu.
8. Bạn nên dành thời gian để nghiên cứu về các bản quy định bổ sung này, so sánh với nội dung của hợp đồng lao động, hợp đồng ký với công ty XKLĐ và hợp đồng cung ứng.
9. Bạn cần biết thời gian bạn làm trong ngày, trong tuần giờ hành chính là bao nhiêu, khi nào là giờ làm thêm. Giờ làm thêm giờ, làm ngày nghỉ, ngày lễ sẽ được trả mức lương cao hơn so với giờ làm chính.
10. Đối với các công việc tiếp xúc với nguồn nguy hại như hóa chất độc hại, điện… thì chỉ có lao động nam phải làm. Và khi làm thì được trang bị đồ bảo hộ an toàn.
11. Bạn được quyền tham gia tổ chức công đoàn ở công ty SDLĐ. Tổ chức công đoàn là tổ chức do người lao động trong công ty bầu ra để lên tiếng bảo vệ cho quyền lợi của chính người lao động.
12. Khi nhận lương hàng tháng, bạn cần yêu cầu công ty trao cho bạn một bảng lương trong đó ghi cụ thể khoản lương, các khoản khấu trừ…
13. Khi số lương bạn nhận được khác với thỏa thuận trong hợp đồng, hoặc công ty trả chậm lương, khấu trừ các khoản không hợp lý…, bạn nên thắc mắc ngay với người phụ trách bạn trực tiếp.
14. Nếu công ty không trả lời bạn hoặc tiếp tục xảy ra tình trạng nêu trên, bạn nên liên lạc với công ty XKLĐ để nhờ trợ giúp, yêu cầu công ty XKLĐ liên hệ với công ty SDLĐ để đòi hỏi quyền lợi cho bạn.
15. Nếu công ty XKLĐ không có động thái giúp bạn, bạn nên liên hệ với cơ quan chức năng của Việt Nam ở nước sở tại, cơ quan lao động của nước sở tại để nhờ giúp.
16. Trường hợp người của công ty XKLĐ hoặc công ty SDLĐ đến gặp bạn trực tiếp để nói chuyện, bạn nên ghi âm kín đáo cuộc nói chuyện này để làm bằng chứng.
17. Bạn nên tìm hiểu và liên hệ với những công nhân khác có hoàn cảnh giống bạn để cùng lên tiếng đòi hỏi quyền lợi của mình.
18. Các bạn nên cử ra một người trong nhóm để đại diện gặp gỡ công ty SDLĐ để thỏa thuận và yêu cầu công ty trả các quyền lợi cho cả nhóm.
19. Khi gặp công ty SDLĐ để trao đổi, các bạn nên trình bày cụ thể và chính xác những sai phạm của công ty đối với mình và đề nghị các giải pháp.
20. Bạn nên yêu cầu công ty trả lời bạn bằng văn bản chứ không chỉ là lời nói miệng.
21. Mọi hành động, trả lời của công ty SDLĐ, công ty XKLĐ… bạn nên ghi âm hoặc chụp ảnh, ghi hình để làm bằng chứng nếu có thể.
22. Khi các sai phạm của công ty SDLĐ xảy ra liên tiếp, bạn nên liên hệ với cơ quan lao động địa phương, các tổ chức thiện nguyện và luật sư để nhờ giúp đỡ.
23. Bạn cần biết công ty SDLD chỉ có quyền chuyển công việc bạn đang làm sang 1 công việc khác có điều kiện cao hơn (về mức lương, chế độ); chỉ có quyền chuyển bạn sang làm công ty khác trong trường hợp công ty đó lâm vào tình trạng phá sản. Và công ty mới phải có công việc bạn đang làm ở công ty cũ, mức lương bạn nhận ở công ty mới ít nhất bằng ở công ty cũ.
24. Bạn được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội ở nước sở tại. Quyền lợi chủ yếu là chế độ bảo hiểm ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp, chết. Công ty SDLĐ phải đóng bảo hiểm xã hội cho bạn ở cơ quan bảo hiểm nước sở tại.
25. Khi gặp các rủi ro khách quan, bạn được sự hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
26. Khi gặp các rủi ro khách quan, bạn có thể phải về nước trước hạn hợp đồng. Công ty SDLĐ sẽ phải chi trả các khoản chi phí để bạn về nước.
27. Khi hết thời hạn hợp đồng, bạn có thể gia hạn hợp đồng với công ty SDLĐ. Nếu không gia hạn, công ty SDLĐ sẽ phải chịu chi phí đưa bạn về nước.
___________
Tham khảo
https://www.camsa-coalition.org/vi/tro-giup-cong-nhan/255-cm-nang-danh-cho-cong-nhan-vit-nam-i-xkl77ba.html?start=1