VNTB – Tự do hiệp hội cho người lao động: tự do tới đâu?

VNTB – Tự do hiệp hội cho người lao động: tự do tới đâu?

Nguyễn Nam

(VNTB) – Tự do hiệp hội cho người lao động, là một điểm nổi bật trong bộ Luật Lao động (sửa đổi) 2019, được thông qua tại kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa 14, hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2021.

Luật đã dành Chương 13 để quy định về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Cho dù còn nhiều ý kiến cho rằng cần phải chờ đợi ban hành văn bản dưới luật (nghị định, thông tư…), có thể nói việc sửa đổi này đã giúp “cơ chế ba bên” là nhà nước – doanh nghiệp – người lao động vốn chưa hiệu quả như mong đợi, giờ đây càng có cơ hội để giải quyết nhiều ách tắc do hạn chế động lực mà bộ Luật Lao động cũ chưa giải quyết được. Hình thành nên ba trụ cột trong mối quan hệ lao động, trong đó Nhà nước nhường lại vai trò giải quyết sự vụ cho các bên, đồng thời giảm áp lực tranh chấp lên tòa án.

Sự ra đời của các tổ chức đại diện cho người lao động cũng tăng tính cạnh tranh, phá vỡ vai trò độc quyền của tổ chức công đoàn, thúc đẩy tổ chức này phải tự thay đổi để khẳng định vai trò của mình.

Cũng cần nói thêm là, luật sửa đổi lần này mở rộng phạm vi điều chỉnh, trong đó bao gồm cả “người làm việc không có quan hệ lao động, là người làm việc không trên cơ sở thuê mướn hợp đồng lao động”. Điều này có thể được hiểu là bao gồm hàng chục triệu lao động tự do, hàng ngày tạo ra của cải vật chất, dịch vụ cho xã hội? Dù thế nào đi nữa họ cũng cần được giúp đỡ để nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc, nhất là bảo vệ các quyền lợi của họ. Đó cũng là nhu cầu xã hội đặt ra, cũng như với Luật Hội – một dự luật đã lấy ý kiến, thảo luận nhiều lần nhưng vẫn còn là món nợ lập pháp của Quốc hội nhiều năm nay.

Tự do hiệp hội cho người lao động là một thay đổi của bộ Luật Lao động, thế nhưng đi cùng cần phải có Luật về quyền tự do hiệp hội, để công dân thực thi quyền thuận lợi, luật về quyền chứ không phải luật để quản hội cho chặt. “Tự do hiệp hội” bao gồm “tự do từ khi người ta đến với nhau, kết giao với nhau, nhận các nguồn đóng góp tài trợ như thế nào, kết giao bất kể biên giới hành chính, đến khi giải thể, chấm dứt việc hiệp hội”.

Một khi chưa có được tối thiểu các quyền tự do đó, thì cụm từ “tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở” chưa thể hiểu là quyền tự do hiệp hội đối với người lao động.

Thử điểm qua cách hiểu về quyền tự do hiệp hội:

“Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào, đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo điều lệ của chính tổ chức đó” – trích ILO, Công ước số 87, Điều 2.

“Là quyền nhóm họp công khai hoặc họp riêng của con người với mục đích cùng tham gia vào sự nghiệp chung và cùng nhau liên kết nhằm đạt được một mục tiêu cụ thể. Trong quan hệ lao động, quyền tự do hiệp hội là quyền của người lao động và người sử dụng lao động được tổ chức và gia nhập các tổ chức công đoàn và các tổ chức của người sử dụng lao động theo sự lựa chọn của riêng họ để đại diện cho quyền lợi của họ” – trích David Macdonald and Caroline Vardenabeele, 1996, Glossary of Industrial Relations and Related Terms, https://www.ilo.org/asia/publications/WCMS_BK_PB_253_EN/lang–en/index.htm

“Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt và không cần phải xin phép trước, có quyền thành lập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình nhằm mục đích duy nhất là nghiên cứu, thúc đẩy các lợi ích và bảo vệ các quyền, cũng như là các lợi ích tinh thần và vật chất, của tập thể và cá nhân những người được vị thế của tổ chức đó điều chỉnh.

Các tổ chức chuyên biệt của người lao động được gọi là “công đoàn của người lao động”. Các tổ chức chuyên biệt của người sử dụng lao động được gọi là “hiệp hội của người sử dụng lao động” – trích Luật lao động của Campuchia, 1997, Điều 266).

“Là quyền của người sử dụng lao động và người lao động thuộc về một tổ chức của người sử dụng lao động hay tổ chức của người lao động, thực hiện các quyền của hội viên trong các tổ chức đó và tham gia tổ chức đó hoặc tham gia thành lập tổ chức đó” – trích Luật việc làm của Thụy Điển, Điều 7.

“Khái niệm “hội” nhắc đến bất kỳ nhóm cá nhân hoặc bất kỳ thực thể pháp lý nào liên kết với nhau để cùng nhau hành động, bày tỏ, thúc đẩy, theo đuổi hoặc bảo vệ một lĩnh vực quan tâm chung” – trích Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt về tự do hội họp hòa bình và hiệp hội, Maina Kiai, 2012, A/HCR/20/27, đoạn 51: http://www.ohchr.org/Documents/HRBodies/HRCouncil/RegularSession/Session20/A-HRC-20-27_en.pdf

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)