Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cấm rượu bia là tốt, nhưng xử phạt sao cho tốt?

Châu Nam Việt

 

(VNTB) – Bị phạt, nộp tiền rồi là xong.

 

Theo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia trong 5 ngày nghỉ lễ, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 77.431 trường hợp vi phạm, trong đó có 21.369 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Chỉ trong 5 ngày, cả nước đã xảy ra 347 vụ tai nạn giao thông, làm 138 người chết, 285 người bị thương. Trong đó có 346 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 137 người chết, 285 người bị thương; 1 vụ tai nạn đường thủy làm 1 người chết. (1)

Chỉ tính riêng tại TPHCM, ngày 01/5, phòng CSGT cho biết, trong kỳ nghỉ lễ 30.4 – 1.5, gần 2.000 người đã bị CSGT lập biên bản phạt nồng độ cồn. Theo đó, từ 27.4 đến 30.4, CSGT TP.HCM đã lập biên bản gần 5.900 trường hợp. Trong đó, nồng độ cồn là lỗi có đến gần 2.000 trường hợp vi phạm. (2)

Con số không biết nói dối, nhưng những con số này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm trong việc cấm rượu bia hiện nay. CSGT không thể túc trực suốt ngày chỉ để thổi phạt nồng độ cồn, nên việc người uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông là không thể thống kê nổi. Chỉ trong 5 ngày mà 1 địa phương phát hiện con số 2000 trường hợp có cồn khi lái xe là quá lớn và quá nguy hiểm. Và con số thực tế là bao nhiêu, làm sao biết được.

Còn nói về tai nạn, 347 vụ tai nạn giao thông trong 5 ngày, có lẽ phần nhiều là do lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Hậu quả không chỉ là những người nhậu say gây tai nạn, mà những người bị họ đụng phải, gia đình, người thân của họ… Cho nên việc tăng cường các hình phạt với người lái xe sau khi sử dụng rượu bia là cần thiết. Thậm chí là cần phải xử nặng để răn đe.

Tuy nhiên, cái cách mà cơ quan chức năng hiện nay xử phạt lại gây nhiều phản cảm với người dân.

Thứ nhất là hành động bất ngờ chạy ra giữa lòng đường để chặn xe của CSGT. Rất nhiều hình ảnh do người dân, báo chí chụp lại cho thấy việc CSGT đột ngột bước ra giữa đường để chặn xe người dân và bắt người dân vào kiểm tra giấy tờ, thổi nồng độ cồn. Hành động này không chỉ đe dọa tính mạng và an toàn của người lái xe mà còn gây phản cảm trong cộng đồng.

Trong tình huống một xe đi qua với tốc độ cao và phải dừng lại đột ngột, nguy cơ va chạm và tai nạn xảy ra là rất lớn, đặc biệt là trong điều kiện đường sá bận rộn. Hành động này cũng gây phản cảm trong cộng đồng vì nó tạo ra cảm giác bất an và không tin tưởng vào cơ quan thực thi pháp luật. Thay vì làm việc một cách hợp tác và tôn trọng, cách tiếp cận này có thể tạo ra sự căng thẳng và xung đột giữa cảnh sát và người dân.

Thứ hai, CSGT tùy tiện điều chỉnh máy đo nồng độ cồn để xử phạt người dân. Có những người không hề uống rượu bia, nhưng thổi ra nồng độ “vừa đủ để xử phạt”. Nếu người dân phản ứng, lực lượng chức năng lại đưa dân về đồn để “hành hạ tinh thần”, nên đa số người dân phải chấp nhận nộp phạt cho qua chuyện. Đây là một thực trạng gây bức xúc rất nhiều nhưng ít ai dám lên tiếng, vì “lên tiếng là phải lên đồn”.

Thứ ba: ăn hối lộ. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn khi đang lái xe, người dân có thể “kín đáo” đút tiền cho CSGT để được bỏ qua. Trường hợp này thường được CSGT “bật đèn xanh” bằng câu “bây giờ anh chị muốn phạt tại chỗ hay bị giữ bằng lái rồi sau này lên nộp phạt”.

“Phạt tại chỗ” tức là đưa tiền mặt hối lộ trực tiếp cho CSGT. Còn lên đồn nộp phạt thì rất nhiêu khê, nếu ai đã phải đi nộp phạt thì đều biết, phải lên trụ sở CSGT ở quận huyện nhận giấy phạt, sau đó phải chạy qua cơ quan thuế, hoặc ngân hàng để nộp tiền, rồi chạy ngược lại cơ quan CSGT để đưa biên lai. Nên đa số người dân sẽ chọn phương án hối lộ tại chỗ.

Điều này sẽ dẫn tới tâm lý ỷ lại, có tiền thì cứ nhậu, bị phạt thì chung rồi chạy tiếp. Và khi gây ra tai nạn thì cứ lại chung tiền là được. Vì vậy cho dù có phạt thì cũng vẫn xảy ra tai nạn như thường!

Ngoài ra, CSGT tuỳ tiện quay video khi xử phạt để hạ nhục người dân. Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, việc cảnh sát giao thông quay video khi xử phạt người dân và sau đó đăng lên mạng xã hội đã trở thành vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Hành động này không chỉ là vi phạm quyền riêng tư của người dân mà còn là một hành vi thiếu tôn trọng người dân. Việc quay video và đăng tải lên mạng xã hội có thể dẫn đến việc bị hạ nhục và xúc phạm danh dự của người bị xử phạt, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần và xã hội.

Quyền hình ảnh của cá nhân là quyền nhân thân của cá nhân. Do đó, khi sử dụng hình ảnh của bất cứ ai cũng phải được người đó cho phép và đồng ý. Quyền này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 như sau: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Do đó, nếu tự ý sử dụng hình ảnh cá nhân, người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. (3)

Tóm lại, việc nghiêm cấm lái xe sau khi sử dụng rượu bia là đúng nhưng cái cách xử lý của lực lượng CSGT là sai! Cho nên, CSGT cần phải học lại luật để biết cách hành xử với người dân, và cần phải có cơ quan giám sát việc thi hành luật pháp của lực lượng này. Ngoài ra cũng phải xử phạt thật nghiêm minh những hành vi nhận hối lộ, hoặc vi phạm nhân quyền của CSGT hiện nay.

 

______________

Tham khảo:

(1) https://vietnamnet.vn/138-nguoi-chet-do-tai-nan-giao-thong-trong-5-ngay-nghi-le-2276140.html

(2) https://thanhnien.vn/di-nhau-ky-nghi-le-gan-2000-nguoi-bi-csgt-tphcm-phat-nong-do-con-185240501105753196.htm

(3) https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/luat-quy-dinh-the-nao-ve-quyen-hinh-anh-cua-ca-nhan-230-15685-article.html#google_vignette

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Có chắc bỏ đếm giây đèn giao thông là ổn?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Bộ máy cồng kềnh hành dân là chính

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tiền học thì ít, nhưng tiền phí thì nhiều

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo