Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần bãi bỏ quy định về “tôn chỉ – mục đích”

Thới Bình 

 

(VNTB) – Một lỗi mà gần như bất kỳ tờ báo quốc doanh nào cũng có thể ‘bị vịn’, đó là “tôn chỉ – mục đích”.

 

Nhân chuyện chúc tụng nhau trong Ngày Nhà báo cách mạng Việt Nam 21-6, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Khế cho rằng chuyện ‘bị vịn’ ấy là một điều ngớ ngẩn, kìm hãm quyền tự do báo chí.

“Ngày nhà báo thì cũng tổ chức gặp mặt vui vẻ đấy, trong khó khăn chung mà cũng gặp mặt động viên nhau là đáng mừng.

Nhưng có điều tôi nói thật, là mọi thứ cho là sai phạm của báo chí chính thống được quy về sai tôn chỉ mục đích được đưa về cho Sở Thông tin Truyền thông các tỉnh thành xử lý, và xử phạt đối với báo chí, là một sự cản trở thực sự cho việc phát triển một nền báo chí như mong muốn, để cạnh tranh được với mạng xã hội đang ngày càng chiếm lĩnh mặt trận truyền thông như hiện nay là vô cùng bất lợi!” – nhà báo Nguyễn Công Khế nhấn mạnh.

Luật báo chí của Việt Nam có định nghĩa như sau: “Báo chí là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội thể hiện bằng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được sáng tạo, xuất bản định kỳ và phát hành, truyền dẫn tới đông đảo công chúng thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử”.

Vẫn theo Luật báo chí, thì “báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân”.

Điều 4.2 của Luật báo chí cho biết cụ thể về nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững”.

Như vậy chính ràng buộc ở câu tại điều 4.2 nói trên “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí”, cho thấy giới hạn về “quyền chính trị” ở cụ thể từng tòa soạn báo.

Nếu xét theo ngữ nghĩa câu từ tiếng Việt của luật, thì phạm vi “tôn chỉ – mục đích” là muốn nói đến giới hạn của “quyền chính trị”. Thế nhưng khi đặt vấn đề của cách hiểu đó cũng không ổn, vì ở Việt Nam không có sự lựa chọn về chính trị, nên chuyện “quyền”, về cơ bản là không nhiều ý nghĩa.

Ở đây, phía quản lý nhà nước lập luận rằng, tôn chỉ mục đích là chức năng định hướng của chính cơ quan chủ quản mà cơ quan báo chí đó trực thuộc.Và được xây dựng nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, phản biện dưới góc nhìn báo chí chính thống. Đó được coi là nhiệm vụ chính trị, xương sống của mỗi cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, hãy nhìn thẳng thực tế, nếu cơ quan báo chí chỉ thực hiện cứng nhắc về tôn chỉ mục đích, thì vai trò cung cấp thông tin, phản ánh hơi thở cuộc sống sẽ có những hạn chế.

Ví dụ như, tờ báo Tuổi trẻ không thể chỉ đưa bó hẹp thông tin về Đoàn thanh niên; Báo Gia đình Việt Nam không thể chỉ đưa vấn đề gia đình, món ăn trong các nhà hàng, siêu thị hay nội trợ; Tạp chí điện tử Giáo dục không thể hàng tháng định kỳ đưa thông tin nghiên cứu về giáo dục, kỳ thi tuyển, công tác đào tạo…


Tin bài liên quan:

VNTB – Quyền lực ảo của những kẻ “nhân danh nhà báo” để trục lợi

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Vingroup sẽ xảy ra chuyện?

Trương Thế Tử

VNTB – Cải hóa để tìm đất sống cho báo chí tuyên truyền

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo