Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần ‘hồi cứu’ vì sao đã ‘thắt nút’ ngành y tế?

Hồng Dân

 

(VNTB) – Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Vì vậy nên cần mổ xẻ đến tận cùng nguồn cơn nào đã tạo nên cơn khủng hoảng y tế kéo dài ở Việt Nam?

 

Tháng 8-2022, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành đến làm việc với Bộ Y tế, ông Nguyễn Tri Thức – giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy – đã than về chuyện “dao mổ cùn, rạch ba lần mới qua da”.

Rối từ năm 2016 từ một quy định về đấu thầu của Bộ Tài chính

Hôm đó là ngày 21-8-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và nhiều bộ trưởng đã có cuộc làm việc với Bộ Y tế trong một hội nghị trực tuyến có tên “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.

Ghi nhận qua tường thuật sau đó từ báo chí thì Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã làm không khí hội nghị nóng hẳn lên khi đặt ra 6 vấn đề đang khiến những bệnh viện như Chợ Rẫy đang vướng.

“Nếu theo Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được. Kiến nghị cho phép bệnh viện xây dựng dự toán bằng giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng mua sắm”.

Về thuốc, gần đây thiếu Protamin sulfat nguy cơ bệnh viện phải ngưng mổ tim, thuốc kháng nọc rắn…, ông Thức kiến nghị với các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn, hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh thành.

Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, ông Thức cho hay các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn, Điều 11 Thông tư 58 năm 2016 của Bộ Tài chính yêu cầu phải đủ 3 báo giá mới xây dựng kế hoạch mua sắm được, nhưng có những mặt hàng độc quyền hoặc hãng chỉ có 1-2 đại diện ở 1 quốc gia, không đủ báo giá theo quy định, không mua sắm nổi.

“Quy định giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên website công khai kết quả đấu thầu (website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu), nhưng 2 website này đều chạy chưa ổn, có lúc muốn tham khảo, tra cứu phải mở… 18 cửa sổ mới tìm được thông tin, có lúc cả bệnh viện tập trung đấu thầu, không có thời gian cho khám chữa bệnh” – ông Thức nói.

Luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp cấp bách, nhưng không quy định như thế nào là cấp bách, ai là người quyết định trường hợp cấp bách – ông Thức kiến nghị nên có những quy định rõ thế nào là cấp bách trong y khoa và có quy định đấu thầu dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị y tế. Hiện chưa có một quy định nào cho nội dung này, từ đó dẫn đến nhiều thiết bị đắt tiền phải “trùm mền” 6 tháng, 8 tháng vì hỏng hóc.

Với xét nghiệm, hiện các máy xét nghiệm hiện đại đa số đều có hóa chất tương thích (máy đóng), nếu đấu thầu hóa chất cho máy đóng không thực hiện được, vướng các máy liên doanh liên kết, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.

Đặc biệt với quy định mua sắm hiện hành, ông Thức đề nghị với y tế nên cho phép chọn mua thuốc, vật tư giá hợp lý, không chọn loại rẻ vì ảnh hưởng chất lượng. “Đã có bác sĩ ngoại khoa đến gặp tôi bức xúc vì trước đây dùng dao mổ tốt không có vấn đề gì, nay mua dao rẻ thì phải rạch 3 lần mới qua da người bệnh” – ông nói.

Vì thế ông kiến nghị cho phép các bệnh viện hạng 1 đến đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất có thương hiệu để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu, thương hiệu lớn mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu.

Chọn loại kính tốt hơn cho bệnh nhân trong yêu cầu điều trị

Những kiến nghị của giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy liên quan đấu thầu, theo quan sát của giới báo chí, thì đó cũng chính là một trong những nguyên do đưa đến phiên tòa hồi hạ tuần tháng 11-2022, về xét xử 8 bị cáo là bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện Mắt TP.HCM với cáo buộc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trả lời xét hỏi đầu tiên, bị cáo Nguyễn Trí Dũng – phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM – khai ông đã công tác tại bệnh viện Mắt TP.HCM từ năm 1992.

Trong việc đấu thầu “mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu năm 2018”, ông Dũng là thành viên hội đồng đánh giá hàng mẫu, thành viên bên mời thầu. Theo ông Dũng, có 3 tiêu chí đánh giá hàng mẫu là trước mổ, trong mổ và sau mổ. Cụ thể, trước mổ bao bì còn nguyên vẹn không, trong mổ thao tác dùng có dễ dàng không, sau mổ quan sát trên bệnh nhân sau một thời gian có còn trong suốt như lúc ban đầu không.

Ông Dũng cho rằng ông chỉ chấm trên sản phẩm, chứ không biết tên các công ty dự thầu. Đánh giá hàng mẫu chỉ là một trong 7 tiêu chí trong hồ sơ mời thầu. Để trúng thầu còn nhiều tiêu chí khác như hồ sơ năng lực, giá… Đánh giá hàng mẫu không phải là yếu tố quyết định trúng thầu. Ông Dũng cho rằng việc đánh giá hàng mẫu dựa trên kinh nghiệm của bác sĩ. Các bác sĩ làm chuyên môn chỉ quan tâm sản phẩm nào thích hợp với từng tình huống, từng bệnh nhân, chứ không quan tâm đến giá sản phẩm.

“Khi lựa chọn sản phẩm đấu thầu thì bị cáo chọn sản phẩm mình đã dùng quen tay, tốt cho bệnh nhân”, ông Dũng nói.

Chủ tọa hỏi ông Dũng rằng đối với các sản phẩm tương đương tính năng kỹ thuật phải chọn sản phẩm giá thấp hơn đúng không, ông Dũng cho rằng bác sĩ chỉ thực hiện chứ không quan tâm đến giá của bất cứ sản phẩm nào.

Về việc cáo trạng xác định Nhà nước và bệnh nhân thiệt hại 14,2 tỷ, ông Dũng cho rằng thiệt hại như cáo trạng nêu là có căn cứ. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng khi bệnh nhân vào bệnh viện thì họ tự chọn sản phẩm, chứ bác sĩ không bắt bệnh nhân phải chọn loại này hay loại kia, bác sĩ cũng không biết giá sản phẩm.

“Bản thân bị cáo làm bác sĩ theo nghiệp cha. Bị cáo chỉ làm công việc chuyên môn. Việc đấu thầu bị cáo không có chuyên môn, không nắm rõ quy định đấu thầu. Bị cáo đã khắc phục 500 triệu đồng”, ông Dũng nói với tâm trạng ông có thể sai về chuyện đấu thầu theo quy định thiếu hợp lý về chuyên môn y khoa từ Bộ Tài chính, chứ ông cùng nhiều đồng nghiệp không sai khi chọn loại kính tốt hơn cho bệnh nhân trong điều trị.

Ông Nguyễn Quốc Toản – trưởng khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, khai khi chấm hàng mẫu lần 1, ông dựa vào chuyên môn, kinh nghiệm để chấm. Ông Toản dẫn chứng năm 2016 bệnh viện Mắt hầu hết sử dụng kính của Codupha vì công ty này trúng gói thầu của Sở Y tế, nhưng thấy kính khó qua vết mổ, quá trình làm kính bị nứt… nên phải thay kính khác.

Theo cáo trạng, khi chấm hàng mẫu lần đầu, tất cả sản phẩm thủy tinh thể của Công ty Codupha bị chấm không đạt. Sau đó, công ty này đã có văn bản gửi giám đốc Bệnh viện Mắt, giám đốc Sở Y tế, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM để kiến nghị kết quả đánh giá kỹ thuật của bệnh viện Mắt không đúng quy định.

Cáo trạng viết rằng các sản phẩm thủy tinh thể của các nhà thầu Công ty Tâm Hợp, Công ty Hào Tín và Công ty Codupha đều đáp ứng được kỹ thuật của hồ sơ mời thầu, nhưng vì muốn mua hàng thủy tinh thể nhân tạo của Hãng Carl Zeiss (Đức) của nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín nên ông Nguyễn Minh Khải – giám đốc bệnh viện Mắt – đã chỉ đạo loại mặt hàng của nhà thầu Codupha, lựa chọn mặt hàng của nhà thầu Tâm Hợp, Hào Tín.

Vậy là vụ án xảy ra và các bác sĩ của bệnh viện Mắt TP.HCM vướng vòng lao lý.

Thủ tướng chính phủ không thể ‘phủi trách nhiệm’

Ở hội nghị hồi tháng 8-2022 kể trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói “nếu không sửa được Nghị định 98, Thông tư 14 và 15 thì không bao giờ bệnh viện mua đủ thuốc, vật tư, thiết bị”.

Những tưởng khó đến thế rồi, nguyên nhân dẫn đến khó khăn đã nhìn ra rồi sẽ được nhanh chóng giải quyết. Nhưng thực tế những khó khăn này vẫn kéo dài đến tận hôm nay, tháng 3-2023.

Trao đổi với báo chí ít ngày trước, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội nói: “Sau cuộc làm việc tháng 8-2022, những khó khăn đã xới ra vẫn giậm chân tại chỗ, chưa xử lý được thêm gì, thậm chí khó hơn khi thông tư 68 của Bộ Tài chính thay thế Thông tư 58 trước đó quy định mua sắm, sửa chữa thiết bị tại bệnh viện phải có ba báo giá.

Tình hình này khiến bệnh viện bị cháy bóng máy chụp X-quang vú duy nhất đành phải đắp chiếu máy mấy tuần, bệnh nhân phải chờ đợi. Trong cuộc đấu thầu gần nhất, có đến 1/3 mặt hàng không có nhà cung cấp nào gửi báo giá, tức là đấu thầu thất bại ngay từ những bước đầu tiên”.

Bệnh viện Chợ Rẫy, cơ sở y tế hàng đầu khu vực phía Nam, đang “gánh” trọng trách khám chữa bệnh tuyến cao nhất chỉ còn một máy CT dùng được, còn lại đều đã hỏng. Người bệnh thay vì được chụp chiếu tại Chợ Rẫy phải “gửi” đi cơ sở y tế khác, mất thêm thời gian di chuyển, chờ đợi, vòng đi vòng về.

“Cứu bệnh như cứu hỏa”. Trong mớ bòng bong này, có những người bệnh có thể không chờ nổi.

Hôm 3-3-2023, Chính phủ ban hành Nghị định 07 thay thế Nghị định 98, được cho là “sẽ tháo gỡ nút thắt trong nhập khẩu trang thiết bị”. Thế nhưng theo nhìn nhận của giới chuyên môn thì vẫn còn Nghị quyết 144 sửa đổi chưa ban hành, Thông tư 68 và nhiều văn bản nữa cũng cần sớm được tu chỉnh ban hành đồng bộ, để gỡ những “nút thắt” đã kéo rất dài và để lại nhiều hệ lụy đáng kể.


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Hồ sơ: Ổ tham nhũng ở Bộ Y tế Việt Nam? (Phần 2)

Phan Thanh Hung

VNTB – Năng lực quản trị quốc gia có vấn đề hay phe nhóm Đảng đang ‘đánh nhau’?

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Cái sảy sắp nảy cái ung?

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo