Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần khách quan về cái chết của Ngô Tất Tố

 

Trần Thế Kỷ 

 

(VNTB) – Cụ Ngô Tất Tố mất đến nay đã ngót 70 năm. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật về cái chết của cụ.

 

Vừa qua VNTB đã cho đăng bài viết của Dương Tử, tựa là: “ Cái chết bí ẩn của nhà văn Ngô Tất Tố”.

Rất đồng ý với tác giả Dương Tử rằng cần phải làm rõ sự thật về cái chết của một nhà văn đã có đóng góp đáng kể với nền văn học Việt Nam. Và sự thật này tất nhiên phải dựa trên cơ sở vững chắc chứ không phải dựa vào những tin đồn vu vơ.

Dương Tử viết : “ Đã từ lâu, giới nghiên cứu nghe tin đồn rằng Ngô Tất Tố chết vì treo cổ tự tử với những uẩn khúc nào đó”, và rằng: “ Cũng lại có tin đồn khác một chút rằng khi Ngô Tất Tố nghe tin bà địa chủ Nguyễn Thị Năm bị chính quyền xử tử nên ông thất vọng mà quyên sinh bằng cách treo cổ tự tử”.

Thiết nghĩ, tin đồn chỉ là tin đồn. Cho đến nay cái chết của Ngô Tất Tố vẫn còn là bí ẩn như chính cái tựa bài của Dương Tử xác nhận, nghĩa là chưa hề có gì rõ ràng về sự qua đời của nhà văn này. Dựa vào tin đồn để phán thế này thế kia thì quá vớ vẩn. Đáng tiếc là cây bút Dương Tử lại làm điều vớ vẩn đó khi  cho rằng: “ Nếu nhà nho chân chính Ngô Tất Tố biết cách ứng xử ‘ xu thời’ như ông bạn Nguyễn Tuân chịu thi hành ‘khổ nhục kế’ thì chẳng phải nhận cái chết bất đắc kỳ tử” ( ! )

Dương Tử phán như thế là quá vội vàng, nói thẳng ra là quy chụp. Đâu phải vì ghét CS mà cái gì cũng đổ tội cho CS. Điều gì không biết rõ thì đừng nên nói cứ như là đúng rồi . Muốn người CS tôn trọng mình thì hãy viết sao cho họ tôn trọng. Còn viết theo lối quy chụp thì hơn gì CS?

Trước tin đồn rằng “ Người ta đã vu cáo những chuyện tày trời , quyết liệt dồn Ngô Tất Tố vào tận chân tường. Tác giả Lều Chõng và Việc Làng đã phạm tội phục cổ nhằm mục đích gì? Và Ngô Tất Tố đã qua đời vào đêm 20 tháng Tư năm 1954 bằng cách thắt cổ tự tử tại nhà riêng ở Yên Thế, Bắc Giang. Cái chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn”, con gái nhà văn Ngô Tất Tố là Ngô Thanh Lịch ( có báo viết là Ngô Thị Thanh Lịch ) đã đáp rằng ( qua nhà báo Nguyễn Việt Chiến ) :

Không hề có chuyện bi thảm đó”, và rằng: “ Trước khi qua đời ở Nhã Nam, Bắc Giang, cụ Ngô Tất Tố đã ốm đau suốt mấy năm liền, có 2 lần bị đột quỵ. Và hồi cụ Ngô mất, các địa phương đều chưa có nghĩa trang liệt sĩ xã. Vậy thông tin “ cái sự chết của nhà văn khắc nghiệt đến mức nghĩa trang liệt sĩ xã ở địa phương từ chối không cho chôn hoàn toàn là thông tin bịa đặt” .

Chúng ta nên ghi nhận những lời này của con gái nhà văn. Tin hay không là tùy mỗi người. Dẫu sao đó cũng là lời con gái nói về cha ruột của mình. Chúng ta cần tôn trọng lời bà ấy dù tôn trọng không có nghĩa công nhận ngay đó là sự thật. Tuy nhiên cũng đừng vội bác bỏ nó .

Không thể chấp nhận việc chưa rõ sự thật mà đã vội kết luận này kia. Thậm chí cứ cho là Ngô Tất Tố đã treo cổ tự tử, nhưng điều đó không có nghĩa là vì ông bị áp bức hay thất vọng về cái chết của bà Nguyễn Thị Năm, mà vì lý do khác như bệnh tật lâu ngày không chữa được hoặc buồn chuyện gia đình chẳng hạn. Nhiều người, mà trong số họ có cả văn nghệ sĩ, lúc đầu theo Việt Minh nhưng về sau thất vọng với Việt Minh nên từ bỏ VM rồi cùng gia đình di cư vào Nam. Ngô Tất Tố hoàn toàn có thể làm như vậy nếu không còn tin tưởng VM, chứ việc gì phải treo cổ tự tử.

Tôi tôn trọng bạn viết Dương Tử nhưng không tôn trọng sự quy chụp. Đổ tội cho người khác khi chưa có chứng cứ rõ ràng thì không phải là quân tử. Cần cẩn trọng khi cầm bút nếu không muốn mình trở thành trò cười cho người đọc.

Không nên mượn lời của một ông Ngoc Phung Hoai nào đó để gợi ý với người đọc rằng bà Ngô Thanh Lịch ngại nói sự thật.

Cũng không nên đem chuyện Thiều Chữu ( Tác giả bộ Từ điển Hán – Việt ) bị đấu tố đã đâm đầu xuống Thác Huồng tự tử để suy diễn rằng Ngô Tất Tố treo cổ tự tử do bị dồn vào tận chân tường.

Lại càng không nên dựa vào tin đồn để phán thế này là sự thật, thế kia là sự thật. Vì làm như thế thì chẳng hơn gì mấy bà bán trà đá ở vỉa hè.

Cụ Ngô Tất Tố mất đến nay đã ngót 70 năm. Có thể chúng ta sẽ không bao giờ biết được sự thật về cái chết của cụ. Nhưng ngày nào sự thật chưa được làm sáng tỏ thì mọi qui chụp, mọi suy diễn đều đáng bị chê trách.

 

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Truyện cười thứ bảy: Những con ngáo ộp

Baraju T. Ogelefecejo

VNTB – Truyện cười: Tiến thoái lưỡng nan

Do Van Tien

VNTB – Một mai qua cơn mê

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo