Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần làm rõ động cơ gây án trong vụ tố cáo ‘đạo văn’

 

Hoài Nguyễn

 

(VNTB) – Biết chính xác động cơ gây án có thể trở thành tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ cho kẻ gây án, có thể nhận được sự tha thứ nhất định hoặc lên án quyết liệt từ phía dư luận xã hội.

 

Trung tuần tháng 1-2022, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Phạm Đình Quý (41 tuổi, trú tại Bình Thuận, nguyên Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP.HCM) và Hoàng Minh Tuấn (42 tuổi, trú tại xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) về tội “Vu khống”.

Theo cáo trạng, ông Quý và ông Tuấn không có mâu thuẫn gì với ông Bùi Văn Cường, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, hiện là Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Cuối năm 2019, ông Quý gọi điện thoại cho ông Tuấn trao đổi nội dung ông Cường có “tiêu cực trong công tác cán bộ tại tỉnh Đắk Lắk”, và “đạo văn, gian dối học thuật” khi thực hiện luận án tiến sĩ đề tài “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng”, bảo vệ năm 2018 tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.

Ngoài ra, ông Quý còn đưa nhiều tài liệu liên quan đến luận án của ông Cường cho ông Tuấn xem. Khi ông Quý đề nghị ông Tuấn ký tên vào các đơn tố cáo, được ông Tuấn đồng ý. Sau đó, ông Quý đưa các đơn tố cáo ông Cường cho ông Tuấn ký rồi gửi đến Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và nhiều cơ quan báo chí.

Cáo trạng ghi rằng ông Quý và ông Tuấn biết rõ nội dung tố cáo ông Cường có tiêu cực trong công tác cán bộ tại tỉnh Đắk Lắk là không có căn cứ, sai sự thật nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi. Sau khi nhận được đơn tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc với ông Tuấn và thông báo đã có văn bản chuyển đơn đến Ban Tổ chức Trung ương xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên, sau đó theo cáo trạng thì cả ông Quý và ông Tuấn vẫn cố ý bịa đặt, soạn thảo khoảng 200 tờ đơn tố cáo ông Cường “đạo văn” rồi gửi đến hàng trăm cá nhân, tổ chức, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của ông Bùi Văn Cường.

Tin tức báo chí tường thuật đều cho biết tại phiên tòa, ông Quý và ông Tuấn đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình và đã gửi lời xin lỗi đến ông Bùi Văn Cường.

Không có bất kỳ thông tin nào về động cơ gây án trong vụ việc tố cáo “đạo văn” ở trên. Và đó chính là điều khó hiểu nhất của vụ án này.

Trước đó, chiều 15-10-2020, trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã thông tin về kết quả xử lý đơn tố cáo Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Bùi Văn Cường, đạo văn.

Khi ấy trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông Bùi Văn Cường có phát ngôn như sau tại họp báo: “Họ vu khống, bôi nhọ, làm những chiến dịch rất bài bản. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã kết luận rồi nhưng phải tìm ra nguyên nhân và từ đâu. Đó là câu chuyện của các bộ ngành Trung ương, còn cá nhân tôi chỉ biết cố gắng toàn tâm, toàn ý làm sao xây dựng, phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp. Cá nhân được Bộ Chính trị, Ban Bí thư chọn đưa về làm người đứng đầu một địa phương thì mình phải làm sao cho thật tốt, tỉnh phải phát triển, dân phải giàu, những bức xúc của người dân dần dần phải được giảm đi”.

Phải tìm ra nguyên nhân và từ đâu” theo lời của ông Bùi Văn Cường, đó chính là vấn đề của đi tìm “động cơ gây án”. Tiếc rằng đã không có câu trả lời ở phiên xét xử hình sự sơ thẩm. Liệu rằng sắp tới đây nếu cả hai ông Quý và Tuấn đều không kháng án, thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có yêu cầu hủy án để làm rõ về động cơ gây án?

Cần thiết phải làm rõ bởi vì động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Mục đích phạm tội là cái mốc mà người phạm tội mong muốn đạt đến khi thực hiện tội phạm.

Giữa mục đích phạm tội và hậu quả của tội phạm luôn có mối liên quan chặt chẽ với nhau, hậu quả của tội phạm là sự thể hiện, sự phản ánh mục đích phạm tội. Chính vì vậy mà trong mỗi cấu thành tội phạm chỉ có sự hiện diện của một trong hai dấu hiệu này mà thôi. Thông thường những tội nào hậu quả khó xác định thì dấu hiệu mục đích mới có thể được phản ánh trong cấu thành tội phạm.

Thế nhưng trong vụ án tố cáo một Bí thư Tỉnh ủy đạo văn ở trên, lại cho thấy không có “động cơ” và “mục đích” nào được làm rõ, và vụ án có thể sẽ khép lại trong phiên sơ thẩm vừa qua, bởi thực sự cái “chân vịt – bánh lái” kia không hề liên quan đến chức vụ hiện nay của ông Bùi Văn Cường đang giữ là Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.


Tin bài liên quan:

VNTB – Người tố cáo bị bắt về tội vu khống – Một tiền lệ nguy hiểm

Phan Thanh Hung

VNTB – “Sao chép – trích dẫn” tối đa 30% là được chấp nhận?

Phan Thanh Hung

VNTB – Công an Đắc Lắc vi phạm tố tụng hình sự khi khởi tố vụ ‘tiến sĩ chân vịt’

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo