Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần rõ ràng hơn sự cam kết pháp lý của Đảng trước nhân dân

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Vẫn đang rất cần có một luật về đảng chính trị. Bởi Điều 4.3, Hiến pháp 2013, viết rằng “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

 

‘Pháp luật’ cụ thể nào cho các tổ chức Đảng và đảng viên?

Một nhà báo nghỉ hưu đã chuyển đến trang Việt Nam Thời Báo về nội dung mà ông nói rằng, đây là tham luận ghi nhận vào thời điểm ông được dự buổi góp ý về dự luật Hiến pháp 1992 sửa đổi, tức Hiến pháp 2013 hiện nay.

Trong khi chờ đợi về tương lai của hình thành luật về đảng chính trị, xin trích giới thiệu một phần nội dung mà ông nhà báo nghỉ hưu kể trên đã chuyển đến. Văn phong được giữ nguyên theo tham luận mà tác giả này đã thể hiện.

“Kiến nghị sửa, bổ sung Điều 4, Hiến pháp.

1- Trong xã hội dân chủ, Đảng chính trị trở thành đảng cầm quyền thông bầu cử tự do theo pháp luật.

2 – Đảng Cộng sản Việt Nam, là đội tiên phong và đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc; là trung tâm đoàn kết và hòa hợp dân tộc, thực hành dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội. Đảng không có quyền lực và lợi ích nào khác ngoài quyền lực và lợi ích của nhân dân.

3- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng yêu nước và vì chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa quốc tế chân chính, vận dụng và phát huy tính thần sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; đồng thời kế thừa, phát huy tinh hoa văn hóa, tư tưởng của dân tộc, của nhân loại và thời đại, xây dựng hệ thống giá trị tư tưởng tiên tiến, phát triển trí tuệ, xứng đáng là đạo đức là văn minh.

4- Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng thời là đảng cầm quyền, đảng biến đường lối và nghị quyết của đảng và ý chí của nhân dân thành quy phạm pháp luật để thực thi quyền lực nhà nước trong quản lý phát triển xã hội: vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

5 – Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật và gương mẫu thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đảng phải tôn trọng Nhà nước, Đảng không được bao biện, làm thay công việc của Nhà nước và của đoàn thể.

6 – Đảng kiểm tra, giám sát cán bộ đảng viên trong bộ máy nhà nước về việc thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng và về việc thực hành đạo đức cách mạng, chống đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, lãng phí.

7 – Đảng tập trung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên để giới thiệu với nhân dân bầu vào các vị trí đại diện của Nhà nước và đoàn thể, hoặc để được bổ nhiệm vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể. Đảng tôn trọng, trân trọng cán bộ ngoài Đảng và cán bộ ngoài Đảng bình đẳng với cán bộ là cán bộ đảng viên.

8 – Đảng phải có cơ chế lắng nghe và phản hồi ý kiến góp ý, phản biện của của nhân dân; Đảng tin dân, kính trọng dân, dựa vào nhân dân, làm lợi cho nhân dân. Có cơ chế để nhân dân tham gia xây dựng Đảng và phát triển đất nước.

9 – Đảng chịu sự giám sát của nhân dân: công dân, đại diện nhân dân giám sát quá trình ra quyết định, hệ quả các quyết định của Đảng liên quan tới công dân và quốc gia; có quyền kiến nghị, tỏ thái độ tán thành hay không tán thành về quyết định ấy, hoặc kiến nghị xử lý…, hoặc qua bỏ phiếu tín nhiệm của nhân dân.

10 – Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Cơ quan đảng phải có trách nhiệm giải thích, giải trình, hoặc thay đổi quyết định sai trái, xử lý những người sai phạm, từ chức cá nhân, hoặc chịu truy tố… tùy theo mức độ sai phạm…

11- Là Đảng cầm quyền, Đảng nắm và sử dụng quyền lực nhà nước, phát huy cao nhất quyền lực của nhân dân, vì nhân dân, Đảng cần có cơ chế độc lập kiểm soát quyền lực của Đảng từ bên trong và bên ngoài, phát huy dân chủ, chống độc đoán, chuyên quyền, Đảng cầm quyền theo Hiến pháp và luật pháp, và chịu trách nhiệm trước Hiến pháp và luật pháp.

Chắc là sẽ có người hỏi: tại sao lại ghi quá cụ thể nhiều mục như vậy? Thực tế là, Hiến pháp phải khái quát, nhưng cũng phải cụ thể cần thiết. Hơn nữa, phải làm rõ cách thức về thực hiện quyền (mới đúng thiết kế quy phạm luật pháp) chứ không phải/hay không nên chỉ đưa ra quyền rất chung như quan điểm trong Cương lĩnh của Đảng.

Quy định như thế chúng tôi nghĩ là cũng không nhiều, nếu so với quy định về Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…

Hiện nay, chúng ta chưa có luật về Đảng, và nếu không xây dựng luật về Đảng thì quy định như vậy ở Điều 4 mới có tính khả thi và đủ mức độ xác lập pháp về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Đảng, phòng ngừa bệnh lạm quyền, suy thoái của Đảng cầm quyền duy nhất…

Theo chúng tôi, sau khi có Hiến pháp sửa đổi, nhất thiết phải xây dựng luật về Đảng và đảng cầm quyền.  .

Quy định ở Điều 4 như vậy sẽ giúp cán bộ đảng viên và người dân thường thấy đúng thực chất về sự cầm quyền của Đảng, lại dễ hiểu, dễ đồng ý, chấp nhận và Đảng dễ thực hiện. Xác lập quyền và sự cam kết trách nhiệm của Đảng như vậy cũng đủ rõ ràng, mang tính điều luật và thuận lợi khi trưng cầu dân ý.

Chúng tôi nghĩ rằng, đa số nhân dân sẽ chấp nhận Điều 4 nếu được bổ sung như vậy. Số người không chấp nhận Điều 4 là có, dù có thể không ít, nhưng vẫn là thiếu số”.


Tin bài liên quan:

VNTB – Đảng tiếp tục thanh trừng nội bộ

Trương Thế Tử

VNTB – Tổng bí thư hay Thủ tướng chịu trách nhiệm về quản trị quốc gia?

Do Van Tien

VNTB – Đình công và biểu tình ngay sau tết Nhâm Dần

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo