VNTB – Chuyện Hiến pháp

VNTB – Chuyện Hiến pháp

Nguyễn Nam

 

(VNTB) – Nếu có luật về lập hội, và luật tự do báo chí thì chắc sẽ không có vụ án Hội Nhà báo độc lập Việt Nam.

 

Ba thành viên của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, gồm Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn sẽ bị một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh xét xử vào ngày 5/1/2021. Ba nhà báo tự do này bị truy tố theo khoản 2 Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015 “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước”.

Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam (IJAVN), đồng thời là một cộng tác viên thường xuyên của VOA, bị bắt ngày 21/11/2019, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”.

Chính quyền Việt Nam được cho là đang gia tăng đàn áp các tiếng nói chỉ trích chính phủ trên mạng và thực hiện việc bắt giữ nhiều hơn trong năm 2020, đặc biệt sau vụ xung đột ở Đồng Tâm và trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.

Nhà báo tự do Trương Châu Hữu Danh và Phạm Đoan Trang là những vụ bắt giữ mới nhất của chính quyền Việt Nam vì những cáo buộc “tuyên truyền”, hay đăng tải thông tin “chống nhà nước Việt Nam”. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao ở Việt Nam luôn nói rằng không có việc những người vì bày tỏ chính kiến mà bị bắt giam ở Việt Nam, và rằng không có cái gọi là tù nhân lương tâm ở quốc gia Đông Nam Á này.

Có lẽ mọi chuyện nếu xem xét từ góc nhìn các quyền Hiến định, thì sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc bắt bớ kể trên liên quan đến quyền tự do báo chí được hiến định tại Điều 25 “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Do các đặc điểm về lịch sử và địa lý, Việt Nam (không đề cập đến chính thể Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam trước tháng 4/1975) – mặc dù đã có Hiến pháp, nhưng lại ít chú trọng đến việc thực thi Hiến pháp. Vì vậy việc nghiên cứu, phân tích các hành vi vi phạm Hiến pháp chưa được đặt ra đúng mức. Bàn luận về chuyện này dễ bị đánh đồng với hành vi cố tình chống phá Đảng và Nhà nước, và dễ dàng bị quy chụp chính trị hóa.

Không những thế, từ lâu nay, trong nhận thức của không ít nhà quản lý có những người lầm tưởng rằng, Hiến pháp cũng giống như các đạo luật thường khác, được ban hành ra chỉ để cho nhân dân phải thực hiện. Nhận thức phổ biến này được minh chứng bằng biểu hiện của câu khẩu hiệu kiểu như: Toàn Đảng, toàn dân nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật.

Bên cạnh đó, lâu nay, từ các giới chức cho đến người dân đều có một nhận thức không đúng khi cho rằng, Hiến pháp là đạo luật tối cao, chỉ tập trung quy định những nguyên tắc chung, mà muốn cho những quy định chung này được thực hiện, cần phải có sự cụ thể hoá bằng các đạo luật.

Trong khi đó, các hành vi vi hiến không phải là không có, hoạt động bảo hiến ở Việt Nam chỉ được hiểu và quy định ở nghĩa rộng, bao gồm các hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước cấp trên đối với các cơ nhà nước cấp dưới và cho đến tận hành vi tuân thủ Hiến pháp của các công dân.

Cuối cùng, Hiến pháp giao cho Quốc hội được quyền giám sát tối cao đối với các hoạt động tuân thủ Hiến pháp của mọi cơ quan nhà nước. Đây cũng là một điều phi lý, vì chính Quốc hội mới là chủ thể tiềm tàng khả năng nhất cho việc vi phạm Hiến pháp. Thứ đến là các cơ quan hành pháp, mà đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, trong danh sách các chủ thể tiềm tàng khả năng vi phạm Hiến pháp.

Hoạt động bảo hiến, hay cụ thể hơn ở nghĩa hẹp là hoạt động tài phán Hiến pháp, phần nhiều tập trung vào hoạt động lập pháp của Quốc hội, tức là hoạt động ban hành các văn bản luật mâu thuẫn với Hiến pháp.

Đáng tiếc rằng, Hiến pháp trước đây và hiện hành của Việt Nam lại giao nhiệm vụ giám sát việc tuân thủ Hiến pháp cho rất nhiều chủ thể: Từ Ủy ban nhân dân cấp cơ sở cho đến cấp cuối cùng cao nhất và nặng nề nhất – là Quốc hội.

Và càng đáng tiếc hơn nếu như ai đó cứ kiên trì viết – lách để phản biện về câu chuyện bảo hiến ở Việt Nam, thì những người đó – bằng cách này hay cách khác, họ sẽ nhận những ‘đòn roi’ khác nhau từ chính quyền.


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)