Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần tái thực nghiệm điều tra ở vụ án Đồng Tâm

Nguyễn Nam

(VNTB) – Có ý kiến là trong vụ án Đồng Tâm, việc thực nghiệm điều tra cho kết quả không thuyết phục.

Vì không thuyết phục nên tại phiên xét xử hình sự sơ thẩm, phía đại diện Viện Kiểm sát đã thay đổi tội danh đối với với một số bị cáo từ tội “giết người” qua “chống người thi hành công vụ”.

Như vậy, liệu hai bị cáo bị đề xuất mức án tử hình có phải phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?

Cần có những tái thực nghiệm điều tra (TNĐT) vụ án Đồng Tâm theo đúng trình tự tố tụng. Tại Điều 204 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về TNĐT như sau:

“1. Để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.

2. Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.

3. Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc thực nghiệm điều tra phải có người chứng kiến.

Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, Cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng có thể tham gia.

4. Trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này”.

Với quy định này cho chúng ta thấy:

Thứ nhất, về mục đích của thực nghiệm điều tra: TNĐT được tiến hành nhằm mục đích kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, như: Kiểm tra xem bị can có thể thực hiện được hành vi nào đó hay không? Người làm chứng, bị hại có thể trông thấy, nghe thấy lời nói của bị can trong một khoảng cách xác định hay không?…

Thứ hai, về người có thẩm quyền thực nghiệm điều tra: Người tiến hành TNĐT có thể là Điều tra viên (ĐTV) hoặc Kiểm sát viên (KSV). Trong giai đoạn điều tra, khi cần kiểm tra, xác minh các tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, Cơ quan điều tra có thể TNĐT; KSV chủ yếu kiểm sát việc tuân theo pháp luật của ĐTV khi tiến hành biện pháp này. KSV có thể trực tiếp tiến hành biện pháp này trong trường hợp cần thiết.

Thứ ba, người tham gia thực nghiệm điều tra: Những người có thể tham gia TNĐT: Người có chuyên môn; Trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng.

Người bắt buộc phải tham gia TNĐT: ĐTV, KSV, người chứng kiến.

So với BLTTHS năm 2003 (Điều 153) thì Bộ luật này đã bổ sung quy định cho phép Cơ quan điều tra mời người có chuyên môn tham gia TNĐT và quy định rõ người chủ trì TNĐT chính là ĐTV.

Thứ tư, các hoạt động khi TNĐT: Cơ quan điều tra có thể TNĐT bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết.

Khi tiến hành TNĐT, BLTTHS năm 2003 theo hướng khi thấy cần thì có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, còn BLTTHS năm 2015 quy định bắt buộc phải thực hiện các hoạt đồng này, đồng thời còn phải ghi rõ kết quả TNĐT vào biên bản.

Thứ năm, kiểm sát thực nghiệm điều tra: BLTTHS năm 2003 không quy định bắt buộc KSV phải kiểm sát trực tiếp việc TNĐT nên trong quá trình điều tra, KSV chủ yếu kiểm sát việc TNĐT thông qua nghiên cứu các biên bản do ĐTV chuyển đến. Để nâng cao trách nhiệm của KSV trong kiểm sát hoạt động điều tra, bảo đảm tính khách quan của việc TNĐT,

BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định bắt buộc KSV phải có mặt để kiểm sát việc TNĐT, theo đó: “Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, ĐTV phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. KSV phải có mặt để kiểm sát việc thực nghiệm điều tra. Nếu KSV vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản”.

Thứ sáu, nguyên tắc thực nghiệm điều tra là khi tiến hành TNĐT không được xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm điều tra và người khác.

Tin bài liên quan:

VNTB – Vụ án Đồng Tâm 2020 là phiên bản của “Sự kiện Thái Bình 1997”?

Phan Thanh Hung

VNTB – Trần Tuấn Anh đã được Đảng ‘dung dưỡng’ như thế nào?

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Tổng thống Putin muốn ‘đóng băng’ chiến sự ở Ukraine?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

Việt Nam Thời Báo