Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cần thiết có tội danh cụ thể về hành vi gọi là “nói xấu chế độ”

quyền tự do báo chí

Nguyễn Huyền

(VNTB) – Trong Bộ luật hình sự hiện hành không có điều luật điều chỉnh hành vi gọi là “nói xấu chế độ”.

 

Lâu nay trong các vụ án liên quan an ninh quốc gia, phía cơ quan tố tụng đã đánh đồng việc “nói xấu chế độ” là “xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” theo điều 117, Bộ luật hình sự 2015, tu chỉnh 2017.

Xin được dẫn chứng về chuyện “nói xấu chế độ”.

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến thành quả phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó có đoạn:

“Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá.

Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới”. (dừng trích)

Tác giả Nguyễn Phú Trọng còn là Tổng bí thư Đảng. Như vậy, với những gì nếu ngược lại với kết luận của tác giả Nguyễn Phú Trọng, Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, cho thấy có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh chưa ghi trong Bộ luật hình sự, đó là “nói xấu chế độ”.

Một trong những biểu hiện “nói xấu chế độ” rõ nét đang là thời sự hôm 29-4-2022 là MV There’s no one at all (tạm dịch: Không một ai cả) của ca sĩ Sơn Tùng.

Trong sản phẩm mới ra mắt đó, Sơn Tùng hát về sự cô độc của một cậu bé lớn lên không có cha mẹ bên cạnh. Cậu bị bỏ rơi, bị bắt nạt và vì thiếu tình thương nên luôn muốn chạy trốn thực tại bằng những nổi loạn, phá phách. Nhân vật có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề, đập phá mọi thứ vì bức bối, phẫn uất bên trong.

Cuối cùng, nhân vật chọn cách tự tử để giải quyết tất cả.

Trong MV There’s no one at all, Sơn Tùng mặc nhiều trang phục trong đó có chiếc áo thun in dòng tên nhóm nhạc rock Nirvana. Thủ lĩnh của nhóm nhạc – Kurt Cobain từng tự sát sau khi bắn vào đầu tại nhà riêng ở Seattle, Washington, Mỹ ở tuổi 27. Nhiều hình ảnh khác cho thấy nhân vật của Sơn Tùng trong MV đang thật sự cô độc, cần sẻ chia.

Tuy nhiên hình ảnh trong clip cho thấy bối cảnh dường như không phải tại Việt Nam, ngôn ngữ trình bày cũng không phải là tiếng Việt. Và nếu căn cứ vào điều luật “Tội phá hoại chính sách đoàn kết” của Bộ luật hình sự hiện hành, cho thấy có thể truy cứu ca sĩ Sơn Tùng cùng nhóm thực hiện video clip này tại khoản d “Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế” của điều 116.1 “Tội phá hoại chính sách đại đoàn kết”.

Còn nếu nhìn thuần giác độ là sản phẩm “thuần nội địa” thì rõ ràng nội dung của video clip này đang “nói xấu chế độ” khi cho rằng trẻ bị bỏ rơi ở chế độ xã hội chủ nghĩa, mặc dù được các bà sơ ở nhà thờ Công giáo nuôi dưỡng như trong video clip thể hiện, nhưng rồi lớn lên vẫn là thiếu tình thương và những nhà quản lý lại để đứa trẻ vị thành niên đó nổi loạn, rồi kết thúc bằng bi kịch nhảy lầu tự sát.

Sự lãnh đạo của Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng là người dẫn dắt xem ra phải chịu mọi trách nhiệm cho số phận những đứa trẻ bị bỏ rơi như trên. Nếu điều này là không đúng, vậy thì cần truy cứu trách nhiệm hình sự của nhóm thực hiện video clip với nội dung kể trên, đặc biệt là trong bối cảnh nhạy cảm chính trị của 47 năm sau sự kiện 30 tháng tư, 1975.


Tin bài liên quan:

VNTB – Bí thư Thành ủy Hà Nội từ chối chủ thuyết Nguyễn Phú Trọng?

Do Van Tien

VNTB – Người đứng đầu sẵn sàng bá đạo, mơ chi đến luật pháp nghiêm minh

Phan Thanh Hung

VNTB – Cố gắng tối đa cho chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam

Phan Thanh Hung

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.