Lynn Huỳnh
(VNTB) – Trong phiên giám đốc thẩm đang diễn ra về vụ án hai nữ nhân viên bị sát hại ở bưu cục Cầu Voi, tỉnh Long An, có ý kiến cho rằng đây là một canh bạc chính trị cho ông Nguyễn Hòa Bình, và ông Trần Quốc Vượng.
Thời gian xảy ra vụ án ở bưu cục Cầu Voi với việc kết án Hồ Duy Hải khung tử hình, bất chấp các chứng cứ được nhóm luật sư chỉ rõ là ngụy tạo, cố tình vi phạm tố tụng…, thì ngồi ghế Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao khi ấy là ông Trần Quốc Vượng. Đến tháng 7-2011, ông Trần Quốc Vượng thôi giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, chuyển công tác về Văn phòng Trung ương Đảng và giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Quyết định số 138 – QĐNS/TW và Quyết định số 139 – QĐNS/TW).
Kế nhiệm ông Trần Quốc Vượng là ông Nguyễn Hòa Bình, khi ấy là Bí thư tỉnh Quảng Ngãi, nguyên là thiếu tướng công an, Phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an. Kể từ tháng 4-2016, ông Nguyễn Hòa Bình chuyển sang giữ chức vụ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình để giữ chức Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là ông Lê Minh Trí, người từng là phó chủ tịch UBND TP.HCM từ cuối năm 2009 đến tháng 4-2013 thì được chuyển sang làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau đó thì ông Lê Minh Trí kế nhiệm ông Nguyễn Hòa Bình, và vào ngày 22-11-2019 Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã kháng nghị giám đốc thẩm vụ án về hai nạn nhân nữ bị sát hại ở Bưu cục Cầu Voi năm 2008.
Có thể thấy việc tuyên hủy một bản án mà báo chí đăng rất chi tiết về nhiều sai phạm, hẳn không là việc khó khăn hay áp lực gì đối với Chủ tọa Nguyễn Hòa Bình, dù chính ông là người đã từng phản đối kháng nghị vụ án này.
Thêm nữa, nếu việc có thể tuyên bố không cần thiết phải áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng giam giữ đối với Hồ Duy Hải, thì ông Chánh Tòa tối cao đang có cơ hội lớn để gắn tên mình vào một ‘tượng đài công lý’. Chí ít, tên ông cũng đi liền với một sự kiện tư pháp vô tiền khoáng hậu, khiến lòng dân hồ hởi ngay tức khắc. Nó sẽ tôn cao vị thế của ông ngay sau khi kết thúc phiên tòa giám đốc. Và có lẽ các toan tính ấy đã được dự liệu, khi ai đó sắp xếp ông Nguyễn Hòa Bình là người ngồi ghế chủ tọa – bất chấp chuyện ông Nguyễn Hòa Bình dường như chưa lần nào làm công việc thuần chuyên môn của một thẩm phán.
Một câu hỏi cũng từ đây: Một hệ thống tư pháp trong 12 năm không hề nhìn ra sự phi lý đằng sau bản án đó, nay vì sao bỗng nhiên tỉnh ra? Liệu có liên quan gì đến canh bạc chính trị trong cơ cấu ghế của đảng chính trị ở nhiệm kỳ mới?.
Ba mươi chưa phải là Tết. Câu trả lời có lẽ phải đợi đến quý 2-2021, khi mọi chuyện đã ngã ngũ cho những chiếc ghế quyền lực nhất trong nội các của đảng cầm quyền.
Một chút ngậm ngùi cho gia đình của hai nạn nhân ở vụ huyết án. Giờ đây, hiện trường đã thay đổi quá nhiều, mọi chứng cứ đã xoá nhoà, các nhân chứng người có, người không, nhiều nghi phạm cũng rời địa phương không rõ tung tích. Vấn đề còn lại chỉ là những suy luận, tranh biện dựa trên những lời khai, chứng cứ của… ngày xưa. Kẻ thủ ác chưa đền tội, linh hồn nạn nhân chắc vẫn vất vưởng đâu đó để chờ đợi. Hơn 12 năm đi qua rồi.