Thới Bình
(VNTB) – Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện từ ngày 9-11/11 (ngày 16-18/10 âm lịch).
Bản tin cảnh báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang cho biết, trong thời gian đỉnh triều, mực nước cao nhất trên sông Hậu tại thành phố Long Xuyên có khả năng ở mức trên báo động 3 từ 0,05 – 0,15m; trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới có khả năng ở mức trên báo động 2 từ 0,05 – 0,15m; trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao có khả năng ở mức trên báo động 1 từ 0,1 – 0,2m.
Do ảnh hưởng của triều cường vùng hạ lưu sông dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn sông Mekong và mưa lớn nội vùng, khả năng xảy ra ngập lụt, úng cục bộ một số vùng trũng thấp, vùng ven sông, kênh, rạch, các tuyến đường và khu vực có nền đất thấp, các khu vực không có hệ thống đê bao, cống bững xung yếu tại thành phố Long Xuyên và hai huyện Chợ Mới, Phú Tân.
Thời gian ngập lụt chủ yếu xuất hiện buổi sáng từ 4 giờ 30 phút – 6 giờ; độ sâu ngập lụt từ 0,05 – 0,3m. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt trên sông Hậu tại Long Xuyên và trên rạch Ông Chưởng tại Chợ Mới đạt cấp 2, trên sông Vàm Nao tại Vàm Nao đạt cấp 1.
Dự báo mực nước cao nhất trong 3 ngày tiếp theo tại các trạm vùng hạ lưu sông như sau: trên sông Vàm Nao ngày 7-11 là 2,52m, 8-11 sẽ là 2,56m và đến ngày 9-11 là 2,59m.
Còn trên sông Long Xuyên, mực nước lần lượt sẽ là 2,45m, 2,49m và 2,52m vào ngày 9-11. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt trên sông Hậu tại Long Xuyên và Chợ Mới ở cấp 2.
Trong một bản tin phát lúc chiều ngày 7-11-2022, Trung tâm dự báo khí tượng, thủy văn quốc gia, cho biết mực nước quan trắc cao nhất tại trạm hải văn Vũng Tàu sáng ngày 07-11-2022 là 4,23m (vào lúc 00 giờ 15 phút). Dự báo từ ngày 08-11 đến ngày 11-11-2022, mực nước tại trạm Vũng Tàu duy trì ở mức cao, dao động 4,20 – 4,35m. Độ cao sóng tại khu vực ven biển Bình Thuận – Cà Mau dao động 2,0 – 3,0m, có lúc trên 3,0m, biển động.
Do ảnh hưởng của triều cường kết hợp sóng lớn, khu vực ven biển các tỉnh Nam Bộ có khả năng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, vùng ven sông và vùng ngoài đê bao.
Hiện tại nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang vệ sinh đồng ruộng chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2022-2023. Dự kiến sẽ xuống giống trên 1,6 triệu ha.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, thượng nguồn lưu vực sông Mekong đang vào cuối mùa mưa lũ, mực nước tại khu vực hồ Tonle Sap và thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long tại Tân Châu đã đạt đỉnh, bắt đầu thời kỳ lũ rút.
Ghi nhận, mực nước nhánh vào hồ Tonle Sap hiện ở cao trình 7,99m, cao hơn trung bình nhiều năm 0,27m. Dung tích hồ hiện hữu khoảng 53,19 tỷ m3, cao hơn so với cùng thời kỳ năm 2021 là 21,1 tỷ m3. Đây là năm đầu đồng bằng sông Cửu Long có lũ trên báo động 1 – kể từ sau 2018, tiềm năng nguồn nước tự nhiên mùa kiệt năm 2022 – 2023 ở đồng bằng sông Cửu Long được xem là nhiều hơn các năm gần đây.
Tình hình chung là mùa lũ hay mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long đang qua nhanh. Tuy nhiên, triều cường vẫn ở mức cao khiến nhiều vùng tiếp tục bị đe dọa ngập nặng. Sau đó, vùng đồng bằng này lại tiếp tục đối mặt với khô hạn và xâm nhập mặn.
Từ nay đến cuối tháng 11, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục giảm, dự báo ngày 30-11 tại trạm Tân Châu và Châu Đốc có thể ở mức 1,95 – 2,05m, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,19 – 0,31m.
Dự báo tình trạng hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 sẽ ít căng thẳng như các năm cao điểm 2016 và 2020.