Út Sài Gòn
(VNTB) – Trong 5 tháng đầu năm, Công an TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã phát hiện và lập biên bản gần 5.200 trường hợp, phạt tiền hơn 26 tỉ đồng
Nồng độ cồn là một chỉ số đo lượng cồn có trong các loại đồ uống như rượu, bia. Trong lĩnh vực giao thông, nồng đồ cồn là phần trăm lượng cồn (ethyl hoặc ethanol) có trong máu của một người hoặc là trong hơi thở của một người. Nồng độ cồn trong máu được ký hiệu là BAC (Blood Alcohol Concentration). BAC 0,01% có nghĩa là có 0,01 gram rượu trong 100 ml máu.
Do đó, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện phải duy trì mức nồng độ cồn không vượt quá một giới hạn cố định; vi phạm quy định này có thể dẫn đến xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Từ trước Tết Giáp Thìn 2024, với mục đích là kịp thời phát hiện, ngăn chặn những người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông đã tích cực ra quân, chặn xe bất chấp và “phạt” bất chấp.
Ghi nhận từ báo chí, một địa phương ở tỉnh Bình Dương đã có mức xử phạt nồng độ cồn thuộc hàng “top” với hơn 26 tỷ đồng.
Theo đó, 5 tháng đầu năm, Công an TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã phát hiện và lập biên bản gần 5.200 trường hợp, phạt tiền hơn 26 tỉ đồng
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Công an TP Tân Uyên đã phát hiện lập biên bản hơn 12.200 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó lập biên bản tạm giữ 59 ô tô, 5.700 môtô, 277 chứng nhận đăng ký, 9.400 giấy phép lái xe và 152 phù hiệu vận tải.
– Thiệt hết sức mệt mỏi với mấy ông giao thông.
– Sao mà mệt mỏi vậy anh Tám? Mới bị mấy ổng phạt đúng không? Phạt ở đâu? Lỗi gì phạt? Bị phạt bao nhiêu? Đóng ở đâu?
– Làm gì mà hỏi một tràng vậy chị Bảy? Tui là công dân tuân thủ luật lệ giao thông rất nghiêm túc, dễ gì mấy ổng phạt được tui!
– Vậy có chuyện gì mà anh mệt mỏi với mấy ông giao thông? Không mệt mỏi vì đóng phạt thì vì cái gì?
– Vì mấy ổng là giao thông mà còn có hành vi gây tắc nghẽn giao thông.
– Là sao, anh đang nói mớ hả? Ngủ chưa tỉnh hay sao?
– Mớ gì chị ơi. Để tui giải thích cho mà nghe. Bữa nay tui chở người quen lên Bình Phước, chở đi rồi chở về. Để lên được Bình Phước thì tui đi hướng Bình Dương. Lượt đi cũng chẳng có gì để nói. Đến lượt về, tới cái đoạn giao nhau giữa Thuận An và Thủ Dầu Một thì gặp một cái chốt giao thông.
Cũng chẳng biết lực lượng đó của Thuận An hay Thủ Dầu Một nhưng họ chặn hết con đường. Mà ngộ đời, chặn làn xe máy không à, xe hơi không kiểm tra nha. Rồi xe bị bắt ngừng lại, để mấy ổng đo nồng độ cồn. Xe xếp một hàng dài thòng luôn. Trong khi người quen của tui thì đi đường xa rồi mà còn phải chờ đợi mệt mỏi. Có phải mấy ổng làm vậy là đang gây tắc nghẽn giao thông không?
– Người ta muốn kiểm tra coi uống rượu bia xong có chạy xe không đó mà. Thông cảm đi anh.
– Thì thông cảm nhưng nó không hợp lý. Ủa, tai nạn giao thông chỉ toàn là do rượu, bia thôi hả? Hay còn vô vàn những lỗi khác? Ủa, trong địa phận thành phố Thuận An, xe đi ngược chiều quá trời. Bảng cấm xe hơi quay đầu mà xe hơi vẫn quay. Rồi chở hàng cồng kềnh, lấn len, dàn hàng ba hàng tư, rồi mấy ông xe đạp lấn hết đường, vừa chạy vừa gọi điện thoại… sao không phạt mấy cái lỗi đó. Cứ chăm chăm vào cồn cồn không vậy? Đó là chưa kể, có chắc mấy người các anh phạt là họ uống không? Hay còn lý do nào khác? Đó là nói đến những lúc kẹt xe nữa nha.
– Anh nói nghe cũng có lý.
– Thì bởi, tham gia giao thông, dù mình có chạy đàng hoàng đi chăng nữa, cũng đủ thứ nguy hiểm có thể xảy ra. Cần gì đến mấy ông ma men chạy ngoài đường, chỉ cần một con chó băng ngang qua đường, né nó, cũng đủ nguy hiểm rồi.
Vậy mà mấy ổng cứ suốt ngày chăm chăm vô nồng độ cồn. Như tui nè, làm riết, tưởng chừng như tai nạn giao thông chỉ toàn do rượu, bia gây ra, rồi lơ là những rủi ro rình rập hết.
Coi vậy chứ, cũng nguy hiểm lắm à nha…