VNTB – Cẩu hổ ly sơn

VNTB – Cẩu hổ ly sơn

Hiền Vương

 

(VNTB) – Tăng ly chúng Tăng tàn/ Hổ ly sơn hổ bại…

 

Mùa Phật đản năm nay, kể chuyện thời sự từ ngài Thích Minh Tuệ ‘bộ hành’, cho tới chính sự rối ren, có người liên tưởng đến lời vàng ngọc “Tăng ly chúng Tăng tàn/ Hổ ly sơn hổ bại” được cho là một trong những chuẩn tắc sinh hoạt quý báu kết tinh từ nếp sống quy củ chốn thiền môn.

Xem tranh “Cẩu hổ ly sơn” bên tài khoản facebook Hoàng Tuấn Công đăng hôm có tin triều đình thuận ý việc bãi nhiệm tướng quân mật sứ, nhiều người liên tưởng đến sách Tăng Quảng Hiền Văn dạy nhi đồng của bên xứ Tàu ngày xưa có câu: “Hổ lạc bình dương vi khuyển khi”, nghĩa là “Hổ xuống đồng bằng bị chó khinh”.

Người xưa rất sâu sắc khi dạy trẻ con nội dung tưởng chừng đơn giản nhưng hàm ý sâu xa. Hổ ra khỏi rừng chưa hẳn chỉ bị chó khinh, có khi còn bị bắt nấu cao mất mạng.

Trong một diễn biến khác, sách Tăng Quảng Hiền Văn có câu: “Nhân cùng biệt thuyết thoại”, ý tứ chính là một người khi bị vây hãm ở khốn cảnh, lúc bần cùng hoặc khi thất thế thì đừng tùy tiện nói, hoặc nói quá nhiều.

Quẻ Khốn trong “Kinh Dịch” viết: “Hữu ngôn bất tín”, nghĩa là ở vào thời điểm cùng khốn thì có nói điều gì cũng khó được người tin. Một người ở vào nghịch cảnh, việc ăn mặc của bản thân mình đều không giải quyết được thì cho dù lời nói của người ấy có chứa đựng đạo lý lớn, hay học vấn cao xa đi nữa cũng sẽ khó được mọi người tin tưởng.

Tăng Quảng Hiền Văn cũng có viết: “Lực vi hưu phụ trọng”, ý tứ rằng nếu một người có khí lực yếu mỏng thì đừng phô trương thanh thế bằng cách cố mang vật nặng. Người như vậy, không chỉ không làm thành được việc mà còn dễ dàng bị tổn thương.

Tiểu thuyết Tam Quốc Chí của La Hán Trung thuật chuyện vào cuối đời Đông Hán, các chư hầu ra sức tranh giành lãnh thổ. Tôn Sách, con trai trưởng của Tôn Kiên là một người đầy nhiệt huyết và hoài bão. Cha của ông tử trận khi ông được 16 tuổi. Sau này, Tôn Sách rời khỏi trướng Viên Thuật, một bằng hữu của cha, để tiến về Đông Nam dựng lập cơ đồ.

Tôn Sách rất hận Lưu Huân về chức Thái thú Lư Giang khi Viên Thuật còn sống, nhưng ngoài mặt vẫn đi lại.

Vào năm thứ 199 sau Công Nguyên, Tôn Sách lên kế hoạch chiếm thành Lư Giang ở Dương Bái. Nhưng lúc này Lưu Huân sở hữu đội quân mạnh hơn Tôn Sách. Biết được Lưu Huân vốn là người có tính tham lam. Để chiếm Lư Giang, Tôn Sách phái người dâng lụa là gấm vóc cho Lưu Huân kèm bức huyết thư viết rằng: “Mấy năm qua, dân Thượng Liễu (Thượng Diên) nhiều lần xâm chiếm, cướp đoạt của cải từ hạ quốc, tôi hận việc ấy đã mấy năm nay. Muốn đến đánh, nhưng ngại vì đường sá xa xôi, sông núi ngăn trở nên có ý nhờ thượng quốc vốn binh lực hùng hậu xuất quân đánh dẹp. Thượng Liễu là vùng trù phú, lấy được đất ấy ắt khiến Lư Giang càng thêm giàu mạnh. Xứ tôi xin được xuất binh làm ngoại viện”.

Lưu Huân tuy có chút lưỡng lự, nhưng bản tính tham lam nên đã đồng ý xuất quân tiến đánh Thượng Liễu. Nghe tin này, Tôn Sách nói với hạ cấp: “Con Hổ đã ra khỏi núi, đã đến lúc chúng ta chiếm lấy Lư Giang”. Vì quân lực được điều gần hết đến đánh Thượng Liễu nên chẳng mấy chốc Lư Giang thất thủ.

Kể từ đó, câu thành ngữ “Điệu hổ ly sơn” được dùng ngụ ý nhử người khác ra khỏi vị trí thuận lợi để đến chỗ khác bất lợi hơn nhằm dễ bề tấn công.

Đời nay, việc tướng quân đương triều chấp nhận bãi nhiệm là trùm mật sứ được cho là biết đâu chừng cũng đang vận dụng bài học trong sách Đạo Đức Kinh: “Người tự biết mình là người minh”.

Người biết mình mới là người sáng suốt. Người biết điều chỉnh được tâm thái của bản thân, có thể an trí được dục vọng và mong muốn của mình, biết lượng sức để tiến lên hay lùi lại, thì mới có thể từng bước đi trên đường đời của mình một cách thong dong tự tại.

Người Việt có câu: Ba mươi chưa phải là Tết… Mọi chuyện vẫn còn ở thì tương lai trong bối cảnh thiên triều rối loạn khi mà hoàng đế già nua, tuổi cao sức yếu lắm rồi nhưng vẫn chưa chịu rời ngôi cửu ngũ chí tôn.

 


 

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 3 weeks

    “sách Tăng Quảng Hiền Văn dạy nhi đồng của bên xứ Tàu ngày xưa có câu: “Hổ lạc bình dương vi khuyển khi”, nghĩa là “Hổ xuống đồng bằng bị chó khinh”.

    Người xưa rất sâu sắc khi dạy trẻ con nội dung tưởng chừng đơn giản nhưng hàm ý sâu xa. Hổ ra khỏi rừng chưa hẳn chỉ bị chó khinh, có khi còn bị bắt nấu cao mất mạng”

    Rất hay . Mong trí thức nhà mềnh nhớ lấy điều này, chó cậy gần nhà, các trí thức nhà mềnh cần sống gần lăng Bác

    Và Đảng Cộng Sản mà chơi với Mỹ, bảo đảm sẽ bị nấu cao ngay tắp lự