Việt Nam Thời Báo

VNTB – Cay đắng thay bốn chữ “đàng hoàng dạy thêm”

Cảnh Chân

 

(VNTB) – Từ người đưa đò, bồi đắp nhân tài cho đất nước, bộ giáo dục biến giáo viên thành những kẻ bán chữ mưu sinh.

 

Cuối tháng 8, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Trung học (bộ GD&ĐT) nói với báo chí rằng dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh. “Bộ không cấm giáo viên dạy thêm khi các em và phụ huynh thực sự mong muốn, có nhu cầu. Thầy cô được đàng hoàng dạy học sinh của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc”. (1)

Căn cứ theo lập luận của ông vụ trưởng thì chương trình chính quy của bộ giáo dục hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh và giáo viên. Dù rằng khối lượng học tập trên lớp đã rất nặng nề, nhưng vẫn không đủ kiến thức thực tế thì người dạy và người học mới cần phải tăng thêm thời gian để bổ sung cho đầy đủ.

Trong khi các quốc gia phát triển thì học sinh vừa học vừa chơi vẫn có đủ kiến thức, kỹ năng sống và có thể đậu vào những trường đại học hàng đầu. Còn Việt Nam chương trình đào tạo nặng nề, học từ sáng tới chiều mà không đủ cung cấp kỹ năng sống và kiến thức cho thi cử. Thì rõ ràng, lỗi đầu tiên là của bộ GD&ĐT, bộ cần phải coi lại hệ thống giáo dục, chương trình sách giáo khoa, thay vì đổ trách nhiệm cho giáo viên và học sinh.

Với chương trình giáo dục mà học sinh bắt buộc phải đi học thêm để bổ sung kiến thức như vậy thì những gia đình không đủ điều kiện cho con cái sẽ ra sao? Hoặc những học sinh ở vùng sâu vùng xa làm sao có thể bình đẳng với học sinh ở các trung tâm thị xã, thành phố?

Mọi trẻ em đều có quyền đến trường, nhưng không phải trẻ nào cũng có thể đi học thêm, điều này bộ giáo dục chắc phải thừa hiểu. Nhưng tại sao lại không tìm cách rút gọn chương trình, dạy những thứ học sinh cần mà lại bày vẽ thêm để rồi dạy cũng không xong mà học cũng không đủ?

Thử hỏi, ở độ tuổi hiếu động, thích vui chơi thì chương trình giáo dục cung cấp đủ kiến thức thì liệu có học sinh nào muốn đi học thêm không? Vừa phải lo việc nhà, vừa soạn giáo án lên lớp, nếu lương đủ sống, đủ mua nhà, nuôi con thì có giáo viên nào muốn phải dạy thêm kiếm vài trăm ngàn tiền lẻ của học sinh không?

Trên đây chỉ là phân tích sơ về câu “dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả giáo viên và học sinh” của ông vụ trưởng. Còn cái câu “thầy cô được đàng hoàng dạy thêm” nghe sao mà chua chát cho người giáo viên quá. Từ người đưa đò, bồi đắp nhân tài cho đất nước, bộ giáo dục biến giáo viên thành những kẻ bán chữ mưu sinh. Dạy thêm như thế nào là đàng hoàng, như thế nào là không?

Ông vụ trưởng khẳng định dạy thêm là nhu cầu thực tế của thầy cô và học sinh, nhưng lại chèn thêm câu dạy đàng hoàng, chẳng khác nào đang hạ nhục người giáo viên. Trước nay, giáo viên đã chịu nhiều bất công khi lương thấp mà áp lực cao, chương trình nặng, dạy thêm để bổ sung kiến thức cho học sinh thì bị quy chụp là “vì tiền”, bị đánh giá thấp về đạo đức nghề nghiệp, bị coi thường, khinh bỉ.

Chưa bao giờ nghề giáo, cái nghề cao quý suốt lại chịu nhiều nhục nhã như trong thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ này. Không ít giáo viên đã phải chịu đựng sự căng thẳng, áp lực tâm lý nặng nề, dẫn đến mất động lực và niềm đam mê với nghề.

Thật sự thì với mức lương hiện tại, nhiều giáo viên, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, hoặc mới ra trường sẽ không đủ để chi trả các khoản chi phí sinh hoạt cơ bản như tiền thuê nhà, điện nước, thực phẩm, và chăm sóc gia đình. Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, không ít thầy cô phải làm thêm các công việc như bán hàng online, chạy xe ôm, dạy kèm tại nhà, hoặc thậm chí là lao động tay chân.

Việc phải làm nhiều nghề cùng lúc khiến giáo viên rơi vào tình trạng kiệt sức, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng giảng dạy. Khi quá nhiều thời gian và năng lượng bị phân tán cho các công việc bên ngoài, giáo viên không còn đủ sức lực để tập trung vào công việc chính: truyền đạt kiến thức và giáo dục học sinh. Điều này có thể dẫn đến tình trạng giảng dạy không hiệu quả, giảm chất lượng giáo dục, và ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của học sinh. Rất rất nhiều hệ lụy xảy ra, chỉ vì lương không đủ sống.

Bây giờ ông vụ trưởng lại như xát muối vào tim giáo viên, khi nói chuyện “dạy thêm đàng hoàng”. Vậy quay lại hỏi cá nhân ông vụ trưởng có sống đàng hoàng không? Có tiếp tay cho các nhà xuất bản hay có tham nhũng, tiêu cực không? Cái cần sửa là quy trình và chương trình của bộ giáo dục chứ không phải đổ lỗi cho giáo viên. 

 

___________________

Tham khảo:

(1) https://vnexpress.net/bo-giao-duc-thay-co-duoc-dang-hoang-day-them-4785315.html

 


 

Tin bài liên quan:

VNTB – Đừng ép dân phải sử dụng điện thoại thông minh

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Giáo dục chạy theo thành tích, bỏ qua sinh mạng con người

Bùi Ngọc Dân

VNTB – Công an cố tình đốt nhà tạm giữ xe để phi tang chứng cứ?

Bùi Ngọc Dân

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.