VNTB – Cây tre ‘cô đơn’ là biểu tượng của ngoại giao định hướng XHCN của Việt Nam?

VNTB – Cây tre ‘cô đơn’ là biểu tượng của ngoại giao định hướng XHCN của Việt Nam?

Đông Đô

 

(VNTB) – Thân gầy guộc, lá mong manh

                Mà sao nên lũy, nên thành tre ơi…

 ( Nguyễn Duy)

 

Sẽ là cây tre được ‘định hướng’ phải nghiêng theo chiều nào!

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị ngành Ngoại giao Việt Nam lần thứ 29, tổ chức tại Hà Nội (từ 22 đến 26-8-2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc ‘cây tre Việt Nam’ – mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người, … thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam…”.

Trong bài phát biểu chỉ đạo kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra ở Hà Nội sáng 14-12-2021, một lần nữa, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi đi thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam.

Nhấn mạnh trước hàng trăm đại biểu có mặt tại phòng Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Tổng bí thư tái khẳng định mẫu câu hay được ông nhấn nhá ở rất nhiều bài phát biểu từ trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 13 của Đảng về việc ‘đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay’.

Có nhiều ý kiến cho rằng nói như thế là không khiêm tốn và tự cao, nhưng tôi khẳng định rằng có cơ sở để nói điều này. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có quyền nói như vậy. Câu nói này cũng đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng XIII và được sự thống nhất cao” – Tổng bí thư lại tiếp tục ‘kiêu ngạo cộng sản’ bằng thể văn khẳng định.

Với cách nói gọi là “tất cả sự khiêm tốn” ở trên đặt trong bối cảnh đeo đuổi trường phái ngoại giao được ví von như cây tre, dường như cũng tương tự như phương Tây gọi đó là “ngoại giao cây sậy” khi nói về Thái Lan. Cái khác biệt rất rõ ở đây là nếu Hà Nội có ngoại giao cây tre, thì đó là “cây tre” của định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì sao có thể nói như thế?

Trong bài viết đăng trên trang “East Asia Forum” của tác giả Pongphisoot Busbarat, học giả khách mời tại viện ISEAS-Yusof Ishak và thành viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Sydney, có đoạn như sau (lược dịch): “Từ trước tới nay, chính sách đối ngoại của Thái Lan nổi tiếng với chính sách “cây tre”, tức là “gió cuốn chiều nào theo chiều đấy”. Điều này phản ánh khả năng của Thái Lan lựa chọn những hướng có lợi cho lợi ích quốc gia của mình. Về mặt lịch sử, chính sách đối ngoại này đã giúp Thái Lan duy trì chủ quyền và độc lập trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực khu vực ở thời kỳ thuộc địa và Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực khu vực hiện nay sau khi Trung Quốc nổi lên, Thái Lan đã vấp phải nhiều khó khăn hơn trong việc theo đuổi chiến lược chính sách đối ngoại “cây tre” của mình.

Chính trị trong nước kể từ năm 2006 cũng đã làm phân tâm các nhà hoạch định chính sách Thái Lan trước các vấn đề quốc tế. Bangkok đã không thể vừa thực hiện vai trò lãnh đạo khu vực, vừa duy trì một sự cân bằng tốt giữa các cường quốc, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ…”.

Còn cây tre ở Hà Nội, có lẽ luôn được ‘định hướng’ như cây kơ-nia dứt khoát phải là Uống nước nguồn miền Bắc như nhấn mạnh ở bài thơ “Bóng cây kơ-nia” của thi sĩ Ngọc Anh, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và được phổ biến rộng rãi.

Cây tre cô đơn vì không thể mọc thành bụi?

Với sinh viên ngành Đông Nam Á học, có lẽ họ từng được nghe giảng rằng với nền ngoại giao cây tre, nên biểu tình – đảo chánh ở Thái Lan không phải là “tự diễn biến – tự chuyển hóa” do “thế lực thù địch” hậu thuẫn, mà biểu tình – đảo chánh chỉ là một sự sắp xếp lại trật tự chính trị, xã hội của quốc gia một khi xuất hiện những vấn đề mà lực lượng tham chánh đương thời bất cập không tự giải quyết được, trong khi đó vẫn bảo tồn nền tảng kinh tế, chính trị và xã hội của nước Thái.

Những vấn đề bất cập này khi thuộc về đối nội, khi thuộc về đối ngoại, song chủ yếu do những nguyên nhân trong nước tạo thành và do chính quyền đương thời bất lực, khiến giải pháp bằng chánh biến hoặc bằng đảo chánh vừa trở nên bức bách, vừa mang tính khả thi.

Một trong những cuộc chánh biến hay đảo chánh đáng lưu ý nhất trong lịch sử Thái Lan là cuộc chánh biến cưỡng bức chính phủ của thủ tướng Phibunsong-kram phải từ chức ngày 1-8-1944, ngay lập tức chuyển nước Thái từ một đồng minh lỏng lẻo của Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong một đêm trở thành đồng minh của Mỹ. Thái Lan vốn được Nhật coi là đồng minh lỏng lẻo của mình với cái giá là chịu để cho Nhật đi qua đất Thái tiến đánh Malaysia. Tuy nhiên, nước cờ này trên thực tế đã giúp Thái thoát khỏi sự xâm chiếm của Nhật.

Lùi xa hơn nữa vào lịch sử trước đó, cũng với một chính sách ngoại giao khôn khéo, Thái đã ký Hiệp ước hữu nghị và thương mại với Anh năm 1826 và với Mỹ năm 1833, nhờ đó thoát khỏi ách thuộc địa của các nước đế quốc lúc bấy giờ đang tranh giành nhau vùng Đông Nam Á màu mỡ.

Truyền thống ngoại giao này được tiếp tục cho đến ngày nay, phương Tây gọi đó là chính sách ngoại giao cây sậy/ cây tre – với ý nghĩa có thể ngả ngiêng theo chiều gió, nhưng không bao giờ đổ, lợi ích quốc gia là trên hết.

Có lẽ Tổng bí thư cũng muốn tạo dựng “định hướng xã hội chủ nghĩa” cho trường phái cây tre Việt Nam, song vẫn chưa rõ ở đây là đặc tính của tre là không đơn lẻ, luôn mọc thành bụi, nghĩa là sự liên minh, liên kết chặt chẽ với nhau và “nội bộ tre” luôn đồng lòng cao, có thế mới tạo nên “ thành lũy tre” chống gió bão – như là một đặc điểm sinh tồn.

Và từ đặc tính sinh học của tre để suy ra, liệu có bao nhiêu đồng minh cùng là “xã hội chủ nghĩa” để cây tre Việt Nam không lẻ loi trên chính trường?

Bởi vậy nên có thể nói đó còn là cây tre cô đơn.

Cái này xin mở ngoặc nói thêm để tránh bị quy chụp là “phản động”, các vấn đề ‘sinh học’ lẫn ‘văn học’ về cây tre được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ví von cho trường phái ngoại giao của ông, vốn đã được học trò lớp 6 tường tận.

Theo đó, “Giáo án Ngữ văn Lớp 6 – tiết 109: Cây tre Việt Nam”, diễn giải rằng tre bao giờ cũng mọc thành khóm, thành bụi, không có chuyện đơn thân; tre trở thành “thành lũy” chịu đựng được gió bão là do bởi tre luôn sinh trưởng, phát triển nhờ vào các cấu trúc liên minh, liên kết.

Tre sở dĩ đứng vững trước gió bão là do tre có sự “đồng lòng” cao; trước gió bão không bao giờ có hiện tượng: cây thì ngả về đông, cây lại nghiêng sang tây…


CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (1)
  • comment-avatar
    Nguyễn Tuấn Anh 3 years

    Cây tre cũng có thể mang nhiều nghĩa . Cái chông mà cô gái vót trong bài hát chống Mỹ nổi tiếng 1 thời cũng chính từ cây tre, và thi hoa hậu bằng bài “Cô gái vót chông” có thể chính là thứ ngoại giao cây tre mà bác Tổng đề cập tới