Vương Thừa Bình
(VNTB) – Ông đã từ chối cơ hội duy nhất có thể chuyển cả nhà ra thủ đô, cũng là cơ hội duy nhất ông sẽ trở thành “nhà báo cách mạng”.
[ads_custom_box title=”Lời toà soạn” color_border=”#0545e8″]
Ông Vương Thừa Bình là cựu tổng biên tập báo Long An, cơ quan ngôn luận của Tỉnh ủy Long An. Trong dịp báo chí kỷ niệm Ngày nhà báo Cách mạng Việt Nam, ông Vương Thừa Bình đã thuật câu chuyện mà nếu người kể đó là dân đen, có lẽ sẽ bị nhà chức trách ‘mời cà phê’ rồi.
Xin được trích giới thiệu cùng quý bạn đọc. Nhân xưng ‘tui’ là cách nói quen thuộc trong giao tiếp của ông Vương Thừa Bình.
Biên tập viên Vàm Cỏ thực hiện.
[/ads_custom_box]
“Cha tui là nhà báo nhưng không phải nhà báo cách mạng. Nếu sau 1945 trở về quê nhà ông theo luôn báo chí cách mạng thì đời ông đã khác, cuộc sống gia đình ông cũng đã khác.
Đời làm báo của cha tui có thể chia ba chặng: Một, tự ra báo Trung Kỳ ở Vinh (1935 – 1937); Hai, từ sau đó đến 1943, làm thư ký tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế; Ba, từ 1946 về quê Nam Đàn, Nghệ An.
Chặng 1, báo Trung Kỳ đúng là “thiên tả”, và “sở Liêm Phóng đã nhanh chóng nhận ra (sự bất thường) từ nội dung các bài báo của tờ Trung Kỳ. Nếu tòa soạn của tờ báo này đóng ở Huế càng giúp cho nhóm phía Bắc gần hơn với Đảng (mác-xít) của Nguyễn Khoa Văn” như một đoạn nhận xét của mật thám Pháp để khước từ việc cha tui xin chuyển tòa soạn vào Huế. Song chừng đó không đủ cho ông thành nhà báo mác-xít.
Chặng 2, ông theo cụ Huỳnh làm báo Tiếng Dân, một tờ rõ ràng không phải thuộc báo chí cách mạng. Năm 1948 sau khi cụ Huỳnh (tham gia chính phủ cụ Hồ) mất, Việt Minh có mở lớp báo chí mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở Việt Bắc, nhưng rồi cách mạng vẫn không coi cụ là… nhà báo cách mạng. Thủ đô Hà Nội mãi đến những năm 1990 sau khi “đổi mới tư duy” mới đặt tên đường Huỳnh Thúc Kháng.
Chặng 3, “Từ điển nhân vật xứ Nghệ” có ghi cha tui làm thư ký tòa soạn báo Đại Đoàn Kết, cơ quan của Mặt trận Liên Việt tỉnh Nghệ An trong kháng chiến chống Pháp, song thời gian ngắn, không đáng kể trong tiểu sử của ông – dù lúc nhỏ anh em tui có khai lý lịch để “lấy điểm” trong hồ sơ học hành. Ông đã sớm xin nghỉ việc, trở về nhà làm rất nhiều nghề tự do để nuôi đàn con nhỏ.
Đầu những năm 1960 cha tui một lần đi Hà Nội về, có kể Trung ương Hội Đông y Việt Nam ngỏ ý muốn cha tui ra làm tờ tạp chí của Hội. Tuy nhiên ông đã từ chối cơ hội duy nhất có thể chuyển cả nhà ra thủ đô, cũng là cơ hội duy nhất ông sẽ trở thành “nhà báo cách mạng”. Ông chỉ làm cộng tác viên cho tờ tạp chí của Viện Văn học, chuyên mảng đề tài ông am hiểu, về cụ Huỳnh và cụ Phan mà ông theo làm ‘đệ tử’ thời hai cụ sống và hoạt động ở Huế”.
Nói thêm của biên tập viên Vàm Cỏ: anh Bình sinh năm 1951 tại Nghệ An, quê gốc ở Long An. Tôi có thời gian cộng tác với tờ Long An cuối tuần thời anh Bình làm tổng biên tập. Khi ấy, báo Long An chen chân tốt ở các sạp báo tại Sài Gòn giống như báo Sông Bé.
Dần về sau, có lẽ chủ quản là Tỉnh ủy muốn thu hẹp phạm vi phát hành, nên dần ‘cơ quan ngôn luận của đảng bộ’ ở các tỉnh ‘tắt tiếng’ tại sạp báo Sài Gòn. Và đó cũng chính là góc khuất của hệ thống báo chí đảng, khi những tờ báo này chỉ có thể bày trên bàn như vật trang trí nội thất trong cơ quan hành chánh, với giới hạn địa lý của địa phương.