VNTB – Chuyện ngày đó của Vinh

VNTB – Chuyện ngày đó của Vinh

Xuân Hương

(VNTB)  – Những ngày này ở Việt Nam nhiều tòa báo đang chuẩn bị cho bàn tiệc chúc mừng “Ngày báo chí cách mạng Việt Nam”.

Vì là báo chí cách mạng, nên đã có thời gian hễ ai đi học báo chí từ Mỹ về, là cũng đồng nghĩa người ấy sẽ không còn được quyền làm báo chí cách mạng ở Việt Nam nữa!” – một nhà báo đã nghỉ hưu, hiện sống ở Cần Thơ, kể.

Theo lời nhà báo nghỉ hưu ấy thì đâu chừng 25 năm về trước, tòa soạn nơi ông đang làm việc có tiếp nhận một nhà báo nói giọng Bắc, tên Vinh, chảy tóc hai mái, được giới thiệu là người học nghề báo từ Mỹ mới về. Ông Vinh còn có một năm hành nghề báo ở xứ Cờ Hoa.

Ngày đầu tiên có ông Vinh cùng dự họp tòa soạn, đúng là căng thẳng với mọi người, vì cái gì ông Vinh cũng chê. Các bài báo mảng kinh tế là ông Vinh chê bai mạnh miệng nhất.

Sang ngày thứ hai, gặp gỡ riêng bên ngoài tòa soạn, lúc cà phê tán gẫu, mọi người gật gù về kiến thức và những đề xuất nghe sướng lỗ tai của Vinh. Qua ngày thứ ba thì gần như ai nấy chung nhìn nhận đây là một nhà báo có nghề, phù hợp với lề lối làm báo để bán được ngoài sạp, chứ không phải để đóng dấu ‘kính tặng’, và ‘đặt báo dài hạn qua bưu điện’ theo kiểu ‘đền ơn đáp nghĩa’ với các ban, ngành.

Đến ngày thứ tư thì bất ngờ tòa soạn vắng mặt ông Vinh. Các trưởng ban được ‘triệu tập’ đột xuất họp với phó tổng biên tập khi ấy là nhà báo P.V.T., nguyên là một trọng tài kinh tế. Cuộc họp kết thúc rất nhanh vì chỉ vỏn vẹn một nội dung mà chẳng cần bàn luận thì ai cũng hiểu: Hà Nội có điện báo là không được nhận nhà báo Vinh vào làm công việc bếp núc tòa soạn. Lý do, Vinh học và hành nghề báo chí tại Mỹ một năm. Hết.

Những ngày sau đó cả tòa soạn không còn ai thấy Vinh vào nữa. Tò mò tìm hiểu, đúng là Vinh có bề dày làm báo liên quan đến đối ngoại với phương Tây. Nhà báo này từng là thư ký tòa soạn của một tờ báo rất to ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kiến thức về kinh tế của nhà báo Vinh cứng cựa, và qua các ý kiến trao đổi của ông ở vài lần cà phê, cho thấy gần như nghiêng hẳn về phía tư bản. Ông lại trải nghiệm cách làm báo ở Mỹ đến cả năm trời, nên khi trở về Việt Nam, và lại vào nhận làm ‘bếp trưởng’ của tòa soạn báo chuyên trách về kinh tế luật, thì quả là sẽ khó cho ‘báo chí cách mạng Việt Nam’, vốn là xây dựng nội dung theo định hướng giao ban tuần của tuyên giáo.

Nghe đâu sau khi ‘không được quyền’ làm báo chí cách mạng Việt Nam nữa, sau này ông Vinh cùng thân hữu hùn nhau lập một công ty truyền thông với cái tên nghe đặc sệt dân Tây xứ kinh đô ánh sáng.

Nếu chọn ngày báo chí Việt Nam là 15 tháng 4 năm 1865, ngày tờ Gia Định Báo ra mắt, thì có lẽ cung cách làm báo như ông Vinh là phù hợp. Còn sự kiện ngày 21 tháng 6 năm 1925, báo Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và trực tiếp chỉ đạo ra số đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc, thì đúng đây là báo chí cách mạng mà cung cách làm báo kiểu Mỹ như ông Vinh hồi ấy khó thể chấp nhận”. Vị nhà báo đã nghỉ hưu, hiện sống ở Cần Thơ, kết luận.

CATEGORIES
TAGS
Share This

COMMENTS

Wordpress (0)