Hoài Nguyễn
(VNTB) – Biện pháp cưỡng chế đầu tiên đó là cưỡng chế tài khoản ngân hàng của hai doanh nghiệp trong vòng 1 tháng, kế đến là hóa đơn.
Lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM xác nhận, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega chưa nộp tiền sử dụng đất.
Cụ thể, sau khi có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9-2022 nhưng không được chấp nhận, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega đã có văn bản cam kết sẽ thanh toán một khoản tiền 100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trước ngày 30-4 để thể hiện thiện chí tiếp tục thực hiện dự án.
Hiện cơ quan thuế vẫn đang tính tiền chậm nộp theo quy định 0,03%/ngày. Việc tính chậm nộp cho đợt đầu tiên đã áp dụng từ ngày 6-2. Và từ ngày 7-4, doanh nghiệp bị tính thêm tiền nộp chậm đợt 2. Hiện số tiền chậm nộp hai doanh nghiệp này phải trả hơn 2,3 tỷ đồng/ngày.
Trước đó, Công ty cổ phần Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3-5 (diện tích 6.446m2) nên phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ. Còn Công ty cổ phần Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3-8 (diện tích 8.568,1m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.
Cục Thuế TP.HCM cho biết, đã gửi thông báo đến hai doanh nghiệp này về số tiền sử dụng đất phải nộp đợt 1 vào ngân sách trước ngày 6-5. Căn cứ vào hợp đồng đã ký doanh nghiệp và UBND TP.HCM có thời hạn tối đa là 180 ngày (chậm nhất là ngày 6-7), nếu hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất không nộp tiền sẽ bị mất số tiền đặt cọc. Cơ quan thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật vì quá thời hạn 90 ngày nộp tiền sử dụng đất.
Đại diện cơ quan thuế nói rằng dù hai doanh nghiệp có chuyển 100 tỉ đồng vào ngân sách nhà nước hay không mà đến ngày 6-5 vẫn chưa thực hiện đóng toàn bộ số tiền thuế trên thì cơ quan thuế sẽ thực hiện cưỡng chế thuế. Biện pháp cưỡng chế đầu tiên đó là cưỡng chế tài khoản ngân hàng của hai doanh nghiệp trong vòng 1 tháng, kế đến là hóa đơn.
Có ý kiến thắc mắc là “tiền chậm nộp” của số tiền thắng đấu giá không thể coi đây là khoản thuế mà cả hai doanh nghiệp kể trên đã nợ để có thể đưa đến chuyện “cưỡng chế tài khoản ngân hàng”.
Cụ thể, căn cứ Khoản 2 Điều 48 Luật Đấu giá tài sản quy định: Người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy nếu hai doanh nghiệp trên vi phạm thì căn cứ điểm d Khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 21 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18-12-2020 của Chính phủ) hướng dẫn xử lý.
Cụ thể, trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền, hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thì UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp phương án đấu giá đất của UBND TP.HCM có quy định thời hạn nộp tiền không quá 180 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán và khi quá thời hạn này, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất là Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega chưa nộp hoặc nộp không đủ thì UBND TP.HCM có quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất. Đàng này không rõ tại sao lại đưa ra hướng xử lý gọi là “cưỡng chế thuế”?
Theo ghi nhận bước đầu từ những gì mà báo chí đăng tải thì cả hai doanh nghiệp đều chưa đóng tiền sử dụng đất nên không thể nói họ đang nợ cho phần gọi là “tiền lệ phí trước bạ với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ”.
Giả dụ cơ quan thuế cưỡng chế tài khoản của hai doanh nghiệp để thực hiện khoản thu này, thì nếu đến ngày 6-7 họ vẫn chưa nộp đủ số tiền trúng đấu giá đất thì về nguyên tắc, căn cứ Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định xử lý khoản tiền đặt trước mà 2 doanh nghiệp đã nộp trước khi tham gia đấu giá. Theo đó, doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước và tiền sẽ được trung tâm đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ đi chi phí đấu giá. Điều luật này không có nội dung nào liên quan đến cưỡng chế thuế.
“6. Người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong các trường hợp sau đây:
a) Đã nộp tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá, buổi công bố giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng;
b) Bị truất quyền tham gia đấu giá do có hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều 9 của Luật này;
c) Từ chối ký biên bản đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 44 của Luật này;
d) Rút lại giá đã trả hoặc giá đã chấp nhận theo quy định tại Điều 50 của Luật này;
đ) Từ chối kết quả trúng đấu giá theo quy định tại Điều 51 của Luật này.Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản không được quy định thêm các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong Quy chế cuộc đấu giá.
7. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản không được quy định thêm các trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong Quy chế cuộc đấu giá” – trích Điều 39. Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, Luật đấu giá tài sản.