Đan Tâm
(VNTB) – Các sử gia và các nhà bình luận vô tình hay cố ý đã làm cho nhiều người, Việt nam cũng như ngoại quốc, quên rằng miền Nam Việt nam đã được mở ra chủ yếu do một cuộc di dân hòa bình để khai phá đất hoang chứ không phải do một cuộc lấn chiếm bằng bạo lực bờ cõi sẵn có của một nước tên là Campuchia hiện nay.
Có thể nói đất nước Chân Lạp (tiền thân của Campuchia ngày nay) đã ra đời bằng bạo lực, đã trưởng thành trong bạo lực và đã suy tàn vì bạo lực. Được bồi đắp từ lòng biển do phù sa sông Cửu Long, vùng đất gồm nước Chân Lạp và miền Nam Việt Nam mới đầu thuộc đế quốc Phù Nam với những sắc dân đến từ biển, nhất là từ Indonesia và từ ấn Độ, qua ngả Miến Điện và Thái Lan. Phù Nam đã mau chóng biến thành một đế quốc. Vào thế kỷ thứ 7, người Khmer, một sắc dân theo văn minh ấn Độ, từ miền Nam Lào tràn xuống tiêu diệt đế quốc Phù Nam và dần dần khắc phục các sắc dân địa phương, chiếm quyền bá chủ trong vùng để lập ra đế quốc Khmer.
Đế quốc Khmer còn tỏ ra hiếu chiến và bạo ngược hơn hẳn đế quốc Phù Nam. Đế quốc Khmer đã chế ngự được cả một vùng rộng lớn bao gồm cả Thái Lan, một phần Miến Điện và cả miền đất Phù Nam (ngày nay là miền nam Việt Nam). Vào thế kỷ 12 đế quốc Khmer còn bành trướng về phía Bắc, chiếm gần hết đất Chiêm Thành, đến tận đèo Hải Vân của Việt Nam hiện nay. Nhưng lãnh thổ thực sự của nó tập trung ở vùng Angkor. Còn vùng đất gọi là Thủy Chân Lạp thì vẫn còn là vùng hoang vu hẻo lánh và gần như không có chính quyền.
Nhưng đền đài tại Angkor không phải chỉ là dấu tích của một nền văn minh mà trước hết là di tích của sự tàn bạo. Những sử liệu ít ỏi còn lại, mà đặc sắc nhất là ký ức của Chu Tá Quan, một sứ giả của nhà Nguyễn có mặt tại Cam-bốt, mô tả cảnh những người nô lệ bị xiềng xích vào nhau để xây đền đài dưới sự điều động tàn bạo của các tăng sĩ và chiến sĩ Khmer. Họ phải lao lực đến kiệt sức và khi chết thi hài được lôi ra làm thức ăn cho cầm thú.
Từ thế kỷ 13 trở đi, người Thái Lan bắt đầu tiến lên, sức mạnh của họ đã dần dần bắt kịp và vượt người Khmer. Họ giành được độc lập rồi tiến đánh trả thù người Khmer trong hàng thế kỷ đã bắt họ làm nô lệ xây đèn đài cung điện. Họ đã hủy diệt đế quốc Khmer, tàn phá Angkor Vát và bắt người Khmer về làm nô lệ xây đền đài cho họ. Nền văn minh
Angkor cáo chung vào năm 1431 với sự phá hủy lần cuối cùng thủ đô Angkor. Như vậy Đế quốc Khmer (tiền thân của nước Chân Lạp hay Lục Chân Lạp) được xây dựng trên sự tàn bạo đã sụp đổ trong sự tàn bạo. Sự tàn phá và tàn sát của người Thái Lan đã khủng khiếp đến độ tất cả dấu tích đồ sộ của trung tâm Angkor bị chìm mất trong rừng sâu và không một nhân chứng nào sống sót để nhớ lại sự hiện hữu của nó.
Phải đợi đến năm 1850, một nhà khảo cứu Pháp mới tình cờ khám phá lại di tích Angkor mà ngay những người Campuchia cách đó hai trăm cây số cũng không hề biết đến di tích đó. Kể từ 1431 chung quanh Phnom Penh chỉ còn lại một triều đại Chân Lạp yếu nhược với ảnh hưởng không đáng kể trên những vùng đất trước kia thuộc ảnh hưởng của đế quốc Khmer. Cuộc nam tiến của người Việt đã đến rất lâu sau khi vùng đất miền Nam VN ngày nay trở thành vô chủ.
Những người Việt đầu tiên khai phá miền Nam không phải là những đạo quân viễn chinh mà phần lớn là những người nông dân nghèo khổ, chạy trốn cuộc chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn. Từ năm 1623 trở đi, trong khoảng một thế kỷ rưỡi, Việt nam đã sát nhập nhiều vùng đất mới ở phía Nam. Những những sát nhập hành chánh này chỉ là sự hợp thức hóa một thực tại là những phần đất ấy từ lâu đã do người Việt sinh sống và khai thác.
Cuộc Nam Tiến của nước Việt chủ yếu là một sự bành trướng trong hòa bình. Vua Sihanouk, bằng thái độ và bằng hành động của ông, lập lại y hệt hình ảnh của những vị vua Chân Lạp trong hai thế kỷ 17 và 18. Sihanouk trở mặt như chong chóng và đổi đồng minh như thay áo, ông được nhiều nhà bình luận chính trị phương Tây coi là khôn ngoan và mưu lược, nhưng tài trí của ông đã chỉ khiến nước Cam-bốt phải chịu những tàn phá kinh khủng nhất.
Các vị vua Chân Lạp, tổ tiên của Sihanouk, cũng đã cư xử không khác gì ông. Một vị vua Chân Lạp có thể ngày hôm nay cầu viện Việt nam để tranh ngôi vua với một người anh em họ, để rồi ngày mai lại cầu viện Thái Lan chống lại Việt nam và ít lâu sau thần phục Việt nam chống lại Thái Lan. Mỗi lần cầu viện ngoại bang họ đầu dâng lễ vật hay dâng đất. Việc dâng đất đối với họ không có gì là quan trọng vì trên thực tế đó là những vùng đất mà họ đã mất chủ quyền từ lâu.
Việc dâng đất chỉ có nghĩa là nhìn nhận một thực lại và cam kết sẽ không quấy nhiễu. Một câu hỏi có thể được đặt ra là tại sao người Campuchia lại thù ghét Việt nam hơn Thái Lan, trong khi Thái Lan đã xung đột nhiều hơn với Chân Lạp, đã sát nhập nhiều đất của Chân Lạp hơn, đã từng tàn sát người Chân Lạp một cách dã man nhất, và nhất là đã tiêu diệt đế quốc Khmer – thủy tổ của Chân Lạp?
Trước hết là sự xung đột giữa hai nền văn minh ấn Độ và Trung Hoa. Người Cam-bốt và người Thái Lan cùng chịu ảnh hưởng của văn minh ấn Độ nên dù đã có cả một quá khứ xung đột vô cùng đẫm máu họ vẫn thấy gần gũi với nhau trong khi người Việt Nam có văn hóa khác biệt văn hóa Ấn Độ, nên đối với Chân Lạp là những kẻ lạ mặt. Nhưng trầm trọng hơn nữa là chính sách chia để trị của chính quyền thuộc địa Pháp.
Người Pháp đã tạo ra cái huyền thoại nước Việt nam tham đất và đói đất để biến Việt Nam thành một đe dọa và một đối tượng thù ghét cho người Campuchia. Họ thường có thái độ thù địch đối với Việt nam vì trong nhiều giai đoạn họ nhận định Việt nam vừa không có lợi gì cho họ lại vừa không làm gì được họ. Cũng nên nhìn rô một đặc tính của người Khmer: trong suốt dòng lịch sử họ luôn luôn phải chịu đựng những chế độ hung bạo cho nên sự hung bạo đã ăn rễ trong dân gian; người Chân Lạp rất dễ bị sách động vào các cuộc thảm sát.
Lịch sử mới đây của triều đại cộng sản Pol Pot cho thấy bản tính hung bạo và khát máu của người Campuchia. Nhìn vào những gì người Chân Lạp hay Campuchia đã làm với nhau, ta sẽ thấy rằng sự hung bạo của họ không phải là bằng chứng của hận thù, bởi vì họ hung bạo ngay với đồng bào họ.
Một số đông người Việt không hiểu rõ lịch sử của chính nước mình, nhất là cuộc nam tiến của dân tộc Việt nam, do đó vẫn còn bị ảnh hưởng của luận điệu của chính quyền thuộc địa Pháp. Cũng đừng quên rằng về phương diện địa lý Campuchia cần Việt Nam hơn là VN cần Campuchia. Trong tương lai, nếu Campuchia gượng dậy được từ thảm kịch Pol Pot, họ sẽ không có chọn lựa nào khác là hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, và lúc đó họ sẽ hợp tác với chúng ta một cách rất nồng nhiệt.
Đối với cuộc nam tiến mở nước của chúng ta, chúng ta cần ghi ân trước hết những hy sinh của những tổ tiên rất khiêm nhường của ta, những tấm áo nâu dắt dìu nhau vào chốn rừng sâu và dắt dìu nhau vào tới Cà Mau.
Bất cứ lúc nào cũng người Việt chạy trốn một sự bất hạnh thì lại vô tình đi thêm một bước đường mở nước. Sau năm 1975, nước Việt lại rơi vào tay một bạo quyền khác là Cộng Sản VN nên đàn chim Việt đã phải vượt trùng dương, tạo ra cộng đồng người Việt hải ngoại, tỏa sự hiện diện của Việt nam ra khắp thế giới.
Trên danh nghĩa Vương quốc Chân Lạp làm chủ khu vực miền nam Việt Nam từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 17 sau Công Nguyên, nhưng thật sự miền đất mệnh danh là Thủy Chân Lạp nầy gần như vô chủ và hoang vu suốt thời kỳ đó.Năm 600-611 có triều vua Mahendravarman tiếp theo là vua Isanavarman đóng đô tại Ankor Borey. Năm 750 vua Jayavaman I mở rộng lãnh thổ, xây thêm đền đài. Ngài cho khẩn hoang và trồng lúa cùng các loại hoa màu dọc bờ sông Cửu Long xuống tới miền Tây Việt Nam ngày nay.
Khoảng năm 780 dòng Vương cũ của Phù Nam giờ thành Vương Triều Sailendra của đảo Java (Indonesia) trở nên hùng mạnh đã dùng binh lực ép buộc vương quốc Chân Lạp của người Khmer phải triều cống và lệ thuộc. Từ năm 800 đến 887 nước chân Lạp dưới sự lãnh đạo của vua Jayavaman II (802-887) và Jayavaman III (850-887) đã giành lại được độc lập từ dòng Sailendra của Java. Vương quốc Chân Lạp được đổi tên là Kampuchia. Trong thời này những thế lực phong kiến có khuynh hướng chia đế quốc Chân lạp thành Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp (vùng đồng bằng miền nam tức Phù Nam xưa).
Jayavaman II còn có tên là Puskarak đã từng bị bắt trong trận chiến, và bị đày qua đảo Java. Sau ông trốn thoát về tổ chức nghĩa quân giải phóng đất nước chống lại quân chiếm đóng Java và quân người Chăm nước Champa (Trung Việt ngày nay). Năm 803 Puskarak lên ngôi Vương lấy hiệu là Jayavaman II rồi tuyên bố độc lập. Tuy nhiên quyền lực của đảo quốc Java không ngừng dòm ngó vương quốc Kampuchia của Jayavaman II. Trong suốt 50 năm trị vì ông đã dời đô 5 lần vì chiến tranh với Java. Khi Jayavaman III qua đời không con nối dõi nên một người bà con họ mẹ đã lên ngôi xưng vương hiệu là Indravaman I (877-889).
Vua Indravaman I là một vị vua anh hùng, có tài thao lược và cũng yêu nghệ thuật văn thư. Trong đời ông đã có công thống nhất Lục Chân Lạp với Thủy Chân Lạp và xây dựng thêm nhiều thành phố lớn, khuyến khích nông nghiệp và thương mãi. Indravaman I cũng khởi đầu nới rộng Ðế quốc Khmer (Kampuchia), thay đổi bản đồ chính trị trên bán đảo Ðông Dương bằng những võ công nổi bật. Con của Indravaman I nối sự nghiệp của cha xưng hiệu là Yaksovaman I (889-900).
Yaksovaman I dời kinh đô từ Hari Hara Ley đến Yaso Tha Bura trên cao nguyên Bakheng. Chính vào thời điểm này sự phú cường của Ðế quốc Kampuchia đã cho phép nhà vua khởi công nhiều công trình kiến trúc vĩ đại trong đó có Angkor Wat (Ðế Thiên Ðế Thích), đền đài Lo Ley, đền đài Phnom Bok. Angkor Wat đã là một công trình kiến trúc vĩ đại nhất của vùng Ðông Nam Châu Á.
Nhà vua còn cho đào hồ Ðông Baray dài 7 km, ngang 1800 km. Một công trình vĩ đại vào thời đó. Những công trình to tát này đa phần nhờ vào hàng vạn tù binh và nô lệ bắt được từ những trận chiến chinh phạt Xiêm và Lào. Suốt thế kỷ thứ 9 Ðế quốc Khmer-Chân Lạp có 6 triều vương đó là Hashavaman I (900-922), Isanavaman II (922-928), Jayavaman IV (928-941), Harshavaman II (941-944), Rajendravaman II (944-968), và Jayavaman V (968-1001).
Rajendravaman II vốn là một vị tướng của vương quốc sau khi gôm quyền lực vào tay đã lên ngôi vương tại Angkor Wat (Ðế Thiên Ðế Thích). Trong 24 năm cầm quyền ông cho xây thêm nhiều đền tháp lâu đài và đánh bại quân Chăm của Vương quốc Chiêm Thành (Champa, Trung Việt). Khi nhà vua băng hà con là Jayavaman V lên thay. Sau cái chết của Jayavaman V năm 1001 toàn lãnh thổ Chân Lạp rơi vào cảnh đại loạn kéo dài 9 năm.
Lãnh chúa Suryavaman I (1002-1050) đã đàn áp được những thế lực khác và thống nhất ngôi Vương tại Angkor Wat. Từ năm 1050 đến 1177 đế quốc Khmer tiếp tục bành trướng. Phía bắc giáp Trung Hoa, phía nam giáp biển Xiêm La (Thái Lan), phía tây giáp Miến Ðiện, phía đông giáp Chiêm Thành. Trong thời gian này hùng cường nhất là vua Suryavaman II (1113-1150). Nhà vua xông pha trận mạc để lại nhiều võ công oai hùng.
Ngài đã đụng trận với Trung Hoa, Ðại Việt, Chiêm Thành, Xiêm và Miến-Mường. Ngài đã chết tại sa trường một cách oanh liệt. Năm 1177 quân Chăm của Vương Quốc Chiêm Thành (Champa) xâm lăng và giết được vua Khmer là Tri-Bhuvanadit-yavarman khởi đầu cho quá trình suy tàn của đế quốc Khmer từ thế kỷ thứ 13. Trên thế giới lúc đó là thời điểm đế quốc Mông Cổ đang bành trướng vào Ấn Ðộ phía Tây, xâm chiếm Trung Hoa phía Bắc và phía Ðông hai vương quốc Ðại Việt và Chiêm Thành đang nắm tay hợp sức đẩy lui đoàn quân viễn chinh Mông Cổ.
Sự suy nhược của Ðế quốc Khmer vào thế kỷ 13 tạo cơ hội cho người Thái (Xiêm) nổi dậy giành độc lập. Danh xưng ‘Thái’ có nghĩa là ‘tự do’ không còn nô lệ nữa. Quân đội người Thái đã tấn công đế đô Angkor (trong khoảng thời gian 1431-1432) và tàn sát hàng mấy vạn người gà chó không chừa để trả thù sự tàn bạo hà khắc mà người Khmer đã áp đặt lên họ trước kia. Sự tàn sát đã khủng khiếp đến độ không còn ai sống sót để nhớ lại nơi chốn này. Ðế đô Angkor đã bị quên lãng bởi chính người Khmer trong suốt 500 năm mãi đến thế kỷ 19, ông Henri Mouhot, người Pháp, trong lúc đi thám hiểm rừng sâu mới tìm lại phế tích Angkor Wat năm 1860.
Năm 1401 vua Chân Lạp Ponhea Yat dời đô về Phnom Penh (Nam Vang) đánh dấu một triều đại mới, chấm dứt kỷ nguyên Angkor. Chữ Phạn Ấn độ cổ Sanscrit không còn được sử dụng nữa. Lối chữ mới theo thể Pali giống Mã Lai được thay vào. Toàn thể những dòng dõi vương tôn, quí tộc cũ theo văn hoá Ấn Ðộ biết đọc, viết chữ Sanscrit đã bị người Thái tận diệt. Năm 1528 vua Ong Chân I lại phải dời đô về Lovek (La Bích). Ðến năm 1593 quân Xiêm lại tấn công La Bích. Từ đó người Thái nắm quyền phế lập các vua chúa Khmer.
Một biến cố chính trị tại phương đông, miền cực nam nước Ðại Việt đã làm thay đổi tình thế lúc đó là sự xuất hiện của chúa Nguyễn Hoàng, truyền nhân của Nguyễn Bặc, Nguyễn Trãi và Nguyễn Kim. Chính sách Nam Tiến của các chúa Nguyễn sau đó nhằm để chống lại thế lực của chúa Trịnh ở Thăng Long tạo nên áp lực to tát cho hai lân quốc Champa và Chân Lạp. Trong khoảng thời gian từ năm 1611-1653 vương quốc Champa đã bị dồn nén bởi thế lực của chúa Nguyễn nên co cụm lại một vùng nhỏ từ Nha Trang đến Phan Thiết. Không dừng lại ở Champa, chúa Nguyễn bắt đầu dòm ngó đến Chân Lạp.
Sau một thời gian ở Xiêm làm con tin, Chey Chetta II về Chân Lạp lên ngôi vương năm 1618. Tân vương cải canh mọi việc và mang lòng không không phục người Xiêm. Chey Chetta II dời đô về Oudong (Long Úc), thuộc tỉnh Kompong Luông. Tân vương tổ chức quân đội có thực lực. Mấy năm liền không thấy Chân Lạp dâng phẩm vật triều cống, Xiêm vương mang quân tấn công vào Chân Lạp hai lần đều bị quân của Chey Chetta II đẩy lui. Tuy nhiên về lâu về dài Chân Lạp sẽ không thể đương đầu với quân Xiêm.
Chey Chetta II quyết định nhờ vào thế lực của chúa Nguyễn Ðàng Trong, lúc đó là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Quốc sử Cao Miên đã chép như sau về giai đoạn này: ‘Vua Xiêm muốn tái lập uy quyền trên đất Cao Miên, nên xua binh tấn công. Năm 1623, một đạo quân từ phía Bắc xâm nhập lãnh thổ, bị quốc vương Chey Chetta II thân chinh đánh tan rã ở Bâribaur cách biển Hồ lối 50 km. Ðạo thứ hai tiến vào tỉnh P. Meas bị Hoàng đệ Prah Outey đẩy lui. Năm sau, 1624 quân Xiêm theo đường biển đổ bộ miền duyên hải, bị phản công dữ dội phải rút về. Ðể đề phòng quân Xiêm quấy nhiễu, quốc vương Chey Chetta II cưới một công chúa xứ Ðàng Trong hầu dựa vào thế lực của nhà Nguyễn ở Huế.’
Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã quyết định gả con gái là Quận chúa Ngọc Vạn cho vua Cao Miên – vua Chey Chetta II, năm 1620. Chúa Sãi còn hai Quận chúa khác là Ngọc Khoa gả cho vua Chiêm Pô Romê và Quận chúa Ngọc Hoa lại gả cho một thân vương người Nhật Bản. Mặc khác vua Cao Miên nghe truyền rằng Sãi Vương là người mộ đạo Phật, trong người có nhiều Phật tính nên muốn kết tình gia đình.
Ði theo hộ tống đám cưới bà hoàng Ngọc Vạn xinh đẹp là đông đảo quan lính người Việt của Sãi Vương trang bị khí giới, tàu thuyền có súng ống, thuyền được trang hoàng lộng lẫy hình chim phượng mạ vàng. Tham dự lễ cưới có nhiều người ngoại quốc từ Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, Nhựt Bổn, Ý Ðại Lợi, Trung Hoa. Bà Ngọc Vạn ngồi kiệu 8 người khiêng sánh duyên với vị vua hào hùng anh tuấn. Hoàng nữ Ngọc Vạn được tấn phong Hoàng Hậu với tước hiệu là Sô Dach Prea Peaccac Vodey Prea Voreac Khsattey.
Tiếp theo sau cuộc hôn nhân vương giả này, Hoàng hậu Ngọc Vạn đã xin với vua Cao Miên cho nhiều người tùy tùng nắm giữ chức quyền trong triều đình Chân Lạp. Dưới sự bảo trợ của Hoàng hậu Ngọc Vạn lưu dân người Việt từ Ðàng Trong ồ ạt theo đường biển vào lập nghiệp tại vùng Thủy Chân Lạp. Họ làm nghề nông, buôn bán, tiểu công nghiệp, đánh cá, thợ rèn v.v.. chỉ 3 năm sau, tức năm 1623 lưu dân Việt định cư tại Thủy Chân Lạp lên đến 20,000 người. Sãi vương liền viết thư cho con rể xin ‘cho mượn’ đất tại Prey Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé) để tiện việc thâu thuế người Việt tại đây. Vua Cao Miên chấp thuận.